Chủ nhật, 13/10/2019, 11:37 AM
  • Click để copy

Chuyện còn lại của làng phong dưới chân đèo Hải Vân

Nằm dưới chân đèo Hải Vân, Làng Phong là một tên gọi khác của Làng Vân, chốn nương thân của những phận đời nghiệt ngã - những người bị mắc một trong “tứ chứng nan y”- bệnh hủi.

chuyen-con-lai-cua-lang-phong-duoi-chan-deo-hai-van
Một góc làng phong Hòa Vân

Làng phong ngày xưa giờ chẳng còn ai nữa vì đã được đưa vào trong phố để tái định cư cũng ngót nghét gần chục năm rồi.

Ngôi làng mà tôi kể tên Vân hay Hòa Vân, thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Làng nằm dựa lưng vào vách núi, hướng mặt ra vịnh Nam Chơn hiền hòa mà thiêm thiếp ngủ giấu nỗi đau đời.

Đây là khu dân cư biệt lập của những người không may mắc bệnh phong (cùi, hủi) trú chân sau những chặng đường chạy trốn mỏi mệt tha phương để tránh sự hắt hủi, kỳ thị của chính gia đình, đồng bào.

chuyen-con-lai-cua-lang-phong-duoi-chan-deo-hai-van
Nhiều ngôi nhà đã xuống cấp sau nhiều năm

Tôi không thích cái cách mà người đời đã từng gọi làng phong này bằng ngôn ngữ mang hàm ý của sự xa lánh, kỳ thị như làng hủi hay làng phong. Tôi thích cái tên Hy Lạc Viên, cũng như thích người ta gọi là Làng Vân, hai cái tên dù chung một gốc nhưng lại đầy nhân văn và tử tế.

chuyen-con-lai-cua-lang-phong-duoi-chan-deo-hai-van
Thi thoảng, những người cũ vẫn về làng để thăm lại

Có 2 cách để đến được Làng Vân. Hoặc đi tàu từ bờ biển Nguyễn Tất Thành để vào làng hoặc gởi xe ở quán Hoa Sữa trên đèo rồi men con đường mòn xuống. Đi đường núi thì bạn cẩn thận trượt chân và côn trùng. Nên mang giày leo núi hoặc các loại giày có tính năng chống trơn trượt.

chuyen-con-lai-cua-lang-phong-duoi-chan-deo-hai-van
Lối vào một ngôi nhà

Ở đấy hiện nay rộ lên phong trào cắm trại qua đêm đón bình minh nên bạn có thể tham khảo thông tin để đặt dịch vụ. Nếu qua đêm thì mang nhiều nước uống và thuốc xịt côn trùng. Nếu đi về trong ngày thì cần căn thời gian chuẩn. Nếu căn không chuẩn thì trải nghiệm cảm giác lần mò trong bóng tối, dưới tán cây rừng, lởm chởm đá để leo lên đèo cũng là một điều thú vị. 

Có lẽ vì nơi đây cuộc sống cách biệt với thế giới bên ngoài nên cảnh đẹp còn giữ được vẻ nguyên khai của nó. Cảnh sắc thiên nhiên có vẻ chưa bị con người phá hoại và can thiệp.

chuyen-con-lai-cua-lang-phong-duoi-chan-deo-hai-van
Cổng làng cũ đã đầy cây cỏ mọc phủ kín lối

Thật ra, khi ông Gordon Smith lập ra làng này vào những năm của thập niên 60, ông cũng chỉ mong muốn cuộc sống của những bệnh nhân phong sẽ dễ chịu hơn và không còn quá nhiều gánh nặng tâm lý khi sống tách biệt với cộng đồng. Vậy nhưng, sự kỳ thị thì vẫn còn đeo đẳng mãi.

Dù biết mục đích của chương trình tái hoà nhập cho những người mắc bệnh phong là tốt đẹp. Thế nhưng, tôi vẫn cứ nghĩ rằng: liệu những người từng bị xã hội xa lánh ấy, lần trở về này có thực sự gỡ được bóng ma tâm lý để tái hoà nhập? Liệu cô đơn có chồng chất cô đơn? Ám ảnh có chồng chất ám ảnh? Họ có thoải mái hơn không? Có lạc lõng? Có chạnh lòng? Có mặc cảm như xưa? Họ có nhanh chóng hoà nhập hay lại loay hoay như những đứa trẻ thơ để bắt đầu lại...?

chuyen-con-lai-cua-lang-phong-duoi-chan-deo-hai-van
Người đàn ông đứng trước biển để câu cá

Khi tôi vào làng, gặp rất nhiều người. Có ngư dân lành lặn, có những người đi câu cá vì đam mê, và có cả những người bị bệnh. Dù gặp ai, cũng một nỗi thăm thẳm ánh lên trong mắt. Nhất là chú ấy, tôi không tiện hỏi tên, không tiện chụp hình, vì sợ chú mặc cảm. Chỉ dám chụp bóng lưng khi chú đã cất bước một quãng xa. Chú một chân còn vẹn nguyên, còn một chân bị mất ngón, tập tễnh đi trên con đường mòn từ chân núi. Hỏi chú vài thông tin, chú chỉ cười lặng lẽ. Hỏi thêm lần nữa, chú mới bảo nhà trong làng họ đập phá hết rồi, không còn chi. Rồi chú thở dài và đi về phía biển. Tiếng thở dài va vào sóng, tan đi...

chuyen-con-lai-cua-lang-phong-duoi-chan-deo-hai-van
Đứa trẻ theo người lớn về lại làng phong cũ

Phía trước mặt, Đà Nẵng phồn hoa. Bên này, làng Vân vẫn điêu linh như những ngày xưa cũ. Bên kia người ngựa ngược xuôi. Bên này, có chú ấy mỗi chiều ngồi trên cái chõng, bó gối nhìn về biển, miên miết, kiệt cùng.

Nhưng có lẽ, vài năm nữa thôi, khi làng Vân bị hắt hủi năm xưa trở thành tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp như dự án khủng đã được thành phố cấp phép thì đàn bò cũng phải lùa đi nơi khác, vịnh Nam Chơn cũng phải vắng bóng người quen. Và khi ấy, làng Vân sẽ thực sự bị xóa sổ, những người hai quê đâu còn cơ hội để trở về!

Đã 6 năm từ khi người dân bị buộc rời bỏ làng, nhà cửa rêu phong kín lối, cổng làng trơ trọi, biển làng mất tên. Ký ức một thời tủi cực đau đớn, đang dần bị thời gian bào mòn. Không biết nên buồn hay vui? Chỉ thấy cay cay khoé mắt...

Năm tháng sẽ trôi, phận người rồi cũng đổi. Chỉ mong đời này, đời sau, đời sau nữa... người với người, rút ngắn những oan khiên.