Ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ nên đánh thuế nhà 2-3 tỷ đồng

Thứ năm, 26/04/2018, 14:07 PM

Rất nhiều ý kiến cho rằng dự thảo về tài sản bất động sản của Bộ Tài chính đối với nhà trên 700 triệu đồng là không hợp lý trong bối cảnh thị trường nhà đất hiện nay.

chuyen-gia-dinh-the-hien-chi-nen-thu-thue-doi-voi-nha-tren-3-ty-dong-o-cac-do-thi-lon
Tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hầu như không có nhà dưới 700 triệu đồng.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhà nào cũng phải chịu thuế

Mặc dù Bộ Tài chính đã lên tiếng giải thích về cách tính thuế đối với nhà có giá trị từ 700 triệu nhưng vẫn không xoa dịu được “cơn bão” dư luận về đề xuất Luật thuế tài sản đánh thuế nhà từ 700 triệu.

Thực tế cho thấy ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM... người dân rất khó tìm được nhà ở mức giá dưới 700 triệu đồng, nếu có thì cũng ở huyện xa, giấy tờ pháp lý chưa rõ ràng, nhà chung sổ... rất rủi ro.

Theo thông tin từ một chuyên gia mua bán, ký gửi nhà đất, chỉ trong vòng một năm trở lại đây, nhà đất ở khu vực vùng ven TP Hồ Chí Minh đã tăng từ 30%-200%. Điển hình là khu nhà thuộc Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn với diện tích ngang 3,5m dài 12m làm sổ chung 8 căn, nhà xây tạm bợ, hẻm nhỏ chỉ xe máy vào được, 6 tháng trước giá chỉ tầm 750 triệu đồng/căn mà hiện đã lên 1,2 tỉ đồng/căn.

"Một căn nhà chỉ có giấy tay thuộc xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh diện tích 6x6m mà bán ra 1 năm trước đã có giá 680 triệu đồng. Bây giờ chủ mới kêu bán hơn 1 tỉ đồng rồi", một người dân quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Đất Lành, khẳng định việc tìm nhà 700 triệu đồng trở xuống ở TPHCM là không thể. Căn hộ chung cư giá thấp nhất hiện nay cũng ngót nghét hơn 1 tỉ đồng. Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng trước đây áp mức nhà dưới 1 tỉ đồng mới được vay mua nhà với lãi suất thấp mà nay bắt đóng thuế tài sản thì không ổn. Bộ Tài chính thật sự nên tính lại mức 700 triệu đồng.

Tương tự TP Hồ Chí Minh, tại Hà Nội để tìm mua được một căn hộ có giá dưới 700 triệu cũng là điều không thể. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dầu khí Toàn Cầu (GP – Invest), đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng thì với giá đất hiện nay thì tất cả nhà ở Hà Nội không có nhà nào là không phải chịu thuế tài sản.

Ông Hiệp cho rằng, đề xuất mức đánh thuế 700 triệu đồng là quá thấp bởi hiện nay chung cư giá rẻ ở Hà Nội đều trên 1 tỷ đồng; kể cả nhà ở xã hội cũng có giá tầm 15 triệu đồng mỗi mét vuông thì căn nhà có diện tích nhỏ chỉ 50m2 thì cũng có trên 700 triệu rồi nên đưa ra đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng là bất hợp lý.

Chỉ nên thu thuế đối với nhà trên 3 tỷ đồng ở các đô thị lớn

Trả lời Zing News, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đề xuất, thuế nhà ở chỉ nên thu đối với nhà trên 3 tỷ đồng ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Ông Hiển cho rằng, mức 700 triệu đồng nếu tính trên bình quân cả nước thì sẽ có nhiều hộ dân nông thôn không phải nộp thuế, nên việc áp dụng đại trà là không hợp lý mà phải chia theo từng khu vực. Vì nhà ở đô thị lớn có giá trị cao hơn rất nhiều so với đô thị nhỏ và thị trấn.

chuyen-gia-dinh-the-hien-chi-nen-thu-thue-doi-voi-nha-tren-3-ty-dong-o-cac-do-thi-lon
Chuyên gia Đinh Thế Hiển.

Theo Ông Hiển, cần tính toán giảm trừ phù hợp để người nghèo có nhà ở nhưng không phải đóng thuế. Cụ thể, nên đưa ra hệ số đối với đô thị lớn, để tăng giá trị miễn giảm. Với TP.HCM và Hà Nội nên tính hệ số 3, tức giá trị miễn thuế 2-3 tỷ đồng; các đô thị khác sẽ có hệ số thấp hơn…

Vị chuyên gia này cũng phân tích, việc tính thuế cũng cần phù hợp đặc tính Việt Nam, là quá trình lịch sử người dân đã gánh chịu mất mát chiến tranh để an cư lạc nghiệp. Người dân thấy căn nhà của họ là quyền đương nhiên, nên cần miễn thu thuế phần đất ở mà mỗi đầu người có quyền sở hữu.

Ông Hiển cũng nêu ví dụ cụ thể với trường một người có nhà ở TP.HCM giá trị khoảng 5 tỷ đồng sẽ nộp khoảng 1 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, nếu đó là gia đình 4 người thì sẽ không nộp, vì có phần miễn giảm sở hữu đất ở trên đầu người.

Tỷ lệ thu thuế cũng được đề xuất theo hướng gia tăng. Tức là thay vì tính đều 0,3-0,4% thì sẽ đi từ 0,1-0,8%. Theo đó, giá trị vượt mức 1 sẽ tính 0,1%; tiếp tục từng mức cho đến các giá trị vượt khung thì thu 0,8%. Điều này tạo sự công bằng cho người có nhà - đất ít sẽ nộp thuế rất ít so với người có giá trị nhà - đất lớn.

Cùng chung quan điểm này, Giáo sư Nguyễn Thị Cành của trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, nói rằng cách Bộ Tài chính đưa ra chưa phù hợp với bối cảnh Việt Nam hiện nay và chưa thể hiện được tính công bằng, tính hiệu quả của thuế.

Việc đưa ra ngưỡng không chịu thuế chung là 700 triệu đồng hay 1 tỉ đồng là phi thực tế trong điều kiện hiện nay, không phù hợp với mức sống dân cư của Việt Nam. Mức sống của người dân ở các vùng rất khác nhau, giá cả sinh hoạt khác nhau, việc cào bằng một ngưỡng chịu thuế cho tất cả các vùng cũng rất bất hợp lý.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất này của Bộ Tài chính nhằm mục đính hạn chế đầu cơ nhà, đất. Tuy nhiên việc thu thuế nhà có giá trị từ 700 triệu lại đánh vào mọi đối tượng, bất kể giàu nghèo, vậy nên không có tác dụng chống đầu cơ mà chỉ khiến người mua nhà chịu thiệt.

 

Đề xuất đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng: Bộ trưởng Bộ Tài chính lên tiếng

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa gặp gỡ báo chí để trao đổi thêm về Dự án Luật thuế tài sản trong đó có đề xuất đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng gây tranh cãi.

 

Đánh thuế tài sản nhà 700 triệu đồng: Có vi phạm quyền tư hữu tài sản của con người?

Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ đề xuất đánh thuế tài sản nhà ở của Bộ Tài chính mới chỉ nhìn ở góc độ cơ quan thu thuế, đặt mục tiêu thu cao hơn các yếu tố tác động từ chính sách.

 

Sẽ đánh thuế tài sản đối với nhà ở trên 700 triệu đồng

Tại buổi họp báo chuyên đề về Dự án Luật thuế tài sản, Bộ Tài chính đề xuất sẽ đánh thuế nhà có giá trị 700 triệu đồng trở lên.