Chủ nhật, 14/07/2019, 13:03 PM
  • Click để copy

Chuyên gia vạch rõ hàng loạt điểm vô lý trong đề xuất trang bị lu chống ngập của PGS.TS Hồng Xuân

Theo các chuyên gia thủy lợi, đề xuất trang bị lu chống ngập của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân là vô lý, khó khả thi.

Đại biểu HĐND TP HCM Phan Thị Hồng Xuân với đề xuất trang bị lu chống ngập tại cuộc họp chiều 12/7.
Đại biểu HĐND TP HCM Phan Thị Hồng Xuân với đề xuất trang bị lu chống ngập khiến dư luận bàn tán. (Ảnh: VTC).

Trang bị lu chống ngập không khả thi trong TP

Dư luận đang xôn xao bàn tán trước đề xuất trang bị lu chống ngập được Đại biểu HĐND TP HCM Phan Thị Hồng Xuân đưa ra tại phiên thảo luận chiều 12/7 vừa qua.

Những cuộc tranh cãi trái chiều về đề xuất trang bị lu chống ngập cũng nổ ra trên các diễn đàn mạng. Trong đó, không ít người tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của việc dùng lu nước để chống ngập tại TP HCM theo đề xuất của nữ đại biểu.

Nhiều người cho rằng, ở nông thôn các lu thường được để dưới mái ngói của nhà cấp 4 hứng nước mỗi khi có mưa là bởi khi mưa lớn nước trên mái sẽ đọng lại tạo thành dòng lớn rơi xuống là hỏng sân. Vì thế việc trang bị các chậu và lu để hứng nước mưa là nhằm mục đích tránh cho sân bị hỏng còn cái lu miệng rất bé nên việc hứng nước mưa từ trên trời xuống là rất khó.

Hơn nữa, tại TP HCM nói riêng và các khu đô thị nói chung hầu hết các công trình đều là nhà cao tầng, chung cư nên việc để lu tích nước là không khả thi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đề xuất của đại biểu Phan Thị Hồng Xuân là xuất phát từ kinh nghiệm ở các nước khác...

Trao đổi về vấn đề này chuyên gia thủy lợi TS. Đào Trọng Tứ (Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho rằng, chuyện cái lu chỉ làm ở nông thôn được còn ở thành phố thì khó.

Theo chuyên gia này, ở nông thôn khi có không gian, mỗi hộ có một cái lu để trữ nước để sử dụng sinh hoạt trong lúc thiếu nước thì điều này mới làm được.

"Hiện nay, nhà tầng khoảng 100 căn hộ ở chung một chung cư thì lu để ở đâu? Chưa kể diện tích chật chội làm sao trang bị được lu, nhìn tổng thể ở đô thị thì rất vô lý.

Còn tích trữ nước ở các nước châu Âu, ở các nhà cao tầng, quy hoạch đều sử dụng hệ thống ngói, đều phải có khu chứa nước tạm thời để khi mưa lớn xuống, giảm bớt đi áp lực dòng chảy ở phía dưới...", TS. Đào Trọng Tứ bày tỏ.

Nhiều tranh cãi xung quanh đề xuất trang bị lu chống ngập. (Ảnh: VNE).
Nhiều tranh cãi xung quanh đề xuất trang bị lu chống ngập. (Ảnh: VNE).

Vị chuyên gia cũng cho rằng, đề xuất trang bị lu chống ngập đưa ra nghe buồn cười, trẻ con, đồng thời cũng không thể làm được. 

Theo ông Tứ, câu chuyện chống ngập ở Hà Nội và TP HCM một cách triệt để là bài toán cực kỳ khó, lý do là vì hiện nay tất cả đường thoát, trữ nước tạm của các khu đất đai, dân cư ngày xưa ở các vùng ngoại ô. Nhưng, bây giờ các hệ thống điều hoà tự nhiên, các hệ thống hồ ở đô thị là bị xâm chiếm, do đó không có việc trữ nước tạm thời.

Thêm nữa, vấn đề hệ thống xây dựng các quy hoạch đô thị chưa để ý đến câu chuyện thoát nước. Kể cả ở những khu đô thị mới… Không thể nào nói có thể giải quyết vấn đề ngập bằng cách triệt để, tuyệt đối.

Lu chống ngập dễ làm phát sinh dịch sốt xuất huyết

Dưới góc độ y tế, ai cũng biết dịch sốt xuất huyết bắt nguồn từ muỗi vằn và loài này thường đẻ trứng trong các khu vực ẩm mốc, nước tù... Và vì thế đề xuất cái lu chống ngập khiến nhiều chuyên gia và người dân TP lo ngại việc này sẽ làm phát sinh dịch sốt xuất huyết.

"Một trong những việc làm được vận động để phòng dịch sốt xuất huyết là không để các dụng cụ chứa nước... thế nay lại dùng lu để hứng nước thì có phải đi ngược lại?", Một số người đặt câu hỏi.

Trả lời báo chí, PGS.TS.BS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự Phòng (Bộ Y tế) cho rằng: “Giải pháp dùng lu để chứa nước được người dân sử dụng khi không có nước máy, nay đã có nước máy các lu khạp chứa nước cần phải lật úp để hạn chế nguy cơ dịch bệnh. Ở góc độ bệnh học, tôi cho rằng nếu chứa nước trong lu hay xây bể chứa nước mưa thì rất nguy hiểm”.

Lu chứa nước có thể phát sinh bọ gậy làm lây dịch sốt xuất huyết. (Ảnh: IT).
Lu chứa nước có thể phát sinh bọ gậy làm lây dịch sốt xuất huyết. (Ảnh: IT).

“Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết sinh sản, phát triển trong môi trường nước sạch. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, việc chứa nước trong các lu (khạp) đã tạo môi trường cho muỗi sốt xuất huyết sinh sôi, gây bệnh là bài học rất đắt bởi không phải lúc nào người dân cũng đậy kín được miệng lu. Đây là giải pháp chẳng những không khả thi mà nguy cơ dịch bệnh xảy ra rất cao”, ông chia sẻ thêm.

Ông Vũ Mạnh Cường - Vụ phó Vụ Truyền thông Thi đua Khen thưởng (Bộ Y tế) cũng phản đối quyết liệt trên trang Facebook cá nhân: “Cách đây vài năm, một địa phương miền Nam bị hạn hán nặng. Bà con đem đủ các dụng cụ để chứa nước. Năm đó cũng là năm dịch sốt xuất huyết hoành hành ở tỉnh đó khiến người dân bị thiệt hại nặng nề!

Con muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết rất thích môi trường nước sạch để đẻ trứng. Trứng nở thành loăng quăng (bọ gậy) sống trong những lu nước đó chờ ngày “đủ lông đủ cánh” biến thành muỗi để tiếp tục sự nghiệp phát tán bệnh sốt xuất huyết”.

Ông chia sẻ: “Năm nay, đúng vào lúc dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ thì PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, đại biểu HĐND TPHCM đề xuất trang bị cho mỗi nhà một cái lu để hứng nước mưa chống ngập “cho phù hợp với văn hoá bản địa”. Đề xuất thế chứng tỏ chẳng hiểu biết gì về cơ chế truyền bệnh sốt xuất huyết mà tivi đài báo năm nào cũng nói ra rả”.

Clip phát biểu trang bị lu chống ngập của ĐB HĐND TP HCM Phan Thị Hồng Xuân.

 

Làng nghề làm lu đất hơn trăm tuổi ở Bình Dương

Gần chục xưởng ở xã Tương Bình Hiệp vẫn tất bật sản xuất mỗi ngày hàng trăm cái lu, vại, khạp... đất bán khắp cả nước.

 

Phổ điểm thi THPT quốc gia 2019

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã công bố điểm thi THPT quốc gia 2019 và phổ điểm thi các khối truyền thống cùng phổ điểm một số tổ hợp xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2019

 

Gian lận thi cử ở Sơn La: Giám đốc Sở GD&ĐT đưa thông tin 8 thí sinh vẫn không bị truy cứu hình sự

Trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La, ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT được xác định là người trực tiếp đưa thông tin 8 thí sinh cho cấp dưới nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.