Thứ bảy, 14/04/2018, 21:08 PM
  • Click để copy

Chuyên gia Việt Nam: Tính bài 'huề cả làng' ở Syria, Mỹ chuốc nỗi thất bại cay đắng sau vụ không kích

Chuyên gia quan hệ quốc tế GS. Nguyễn Cảnh Toàn đã có những phân tích xung quanh cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ và đồng minh vào Syria.

Ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho không kích các căn cứ quân sự của quân đội Syria tại Damascus. Không chỉ tuyên bố tấn công Syria, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn cho biết Anh và Pháp sẽ phối hợp với Mỹ trong chiến dịch quân sự này.

Cuộc tấn công dự đoán sẽ trở thành một chuyển biến mới trong cuộc chiến kéo dài 7 năm qua tại Syria. Xung quanh sự kiện này, chúng tôi đã có buổi phỏng vấn với chuyên gia quan hệ quốc tế GS. Nguyễn Cảnh Toàn.

chuyen-gia-viet-nam-my-va-dong-minh-bat-loi-du-duong-sau-cuoc-tan-cong-syria
Tên lửa Mỹ được bắn vào thủ đô Damascus (Syria) tối 13/4 - (Ảnh: Reuters).

Vi phạm luật pháp Quốc tế

 PV: Sự kiện Mỹ và đồng minh Anh, Pháp đồng loạt dội tên lửa tấn công Syria diễn ra hôm 13/4 mới đây khiến dư luận thế giới “rúng động”, ông đánh giá thế nào về tính pháp lý trong cuộc tấn công này?

Chuyên gia Nguyễn Cảnh Toàn: Theo quan điểm của tôi, Mỹ lại cố tình phạm phải những sai lầm cố hữu của mình.

Thứ nhất: Mỹ và đồng minh đã phạm sai lầm khi tấn công một quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc (LHQ), một quốc gia độc lập có chủ quyền và một chính phủ hợp pháp mà không có sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an LHQ, là một hành động liều lĩnh, vi phạm luật pháp quốc tế, trái với mong muốn của cộng đồng và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Thứ hai: Mỹ đã tấn công một quốc gia khác mà không có sự đồng thuận trong Quốc hội Mỹ do ý kiến ủng hộ hay phản đối trái chiều. Điều đó dẫn đến ý kiến rằng, cần phải ngừng trao cho tổng thống quyền phát động chiến tranh như Tim Kaine, Thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ Mỹ nói: “Quyết định tấn công Syria của Tổng thống Trump mà không được sự phê chuẩn của Quốc hội là bất hợp pháp. Cần phải ngừng trao cho tổng thống quyền phát động chiến tranh. Hôm nay là ở Syria, nhưng điều gì sẽ ngăn ông Trump không tiếp theo đánh bom ở Iran hay Triều Tiên?”

Còn Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Thomas Massie viết: “Tôi chưa từng đọc “Hiến pháp” của Pháp hay của Anh, nhưng tôi đã đọc Hiến pháp của Mỹ và không có chỗ nào viết rằng Tổng thống có quyền tấn công Syria”.

Lộ bài tẩy, gợi nhớ đến Điện Biên Phủ trên không

PV: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của sự tấn công này? Quan điểm của Nga và thế giới ra sao?

Chuyên gia Nguyễn Cảnh Toàn: Vụ tấn công của Mỹ và đồng minh sẽ không khiến quân đội và nhân dân Syria nao núng, IS không yếu đi và hơn thế dư luận thế giới cho rằng không kích nhằm cản trở cuộc điều tra của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW), xóa dấu vết của cái gọi là "Chứng nhận (CQ) Syria sử dụng chất độc hóa học" để coi như chuyện đã rồi, huề cả làng, chỉ có Mỹ, Anh, Pháp là vô can.

chuyen-gia-viet-nam-my-va-dong-minh-bat-loi-du-duong-sau-cuoc-tan-cong-syria
GS. Nguyễn Cảnh Toàn - chuyên gia bình luận quan hệ quốc tế, đặc biệt là quan hệ giữa Nga và phương Tây. 

Hiệu quả cả trên chiến trường lẫn dư luận đều bất lợi cho phía Mỹ. Bởi sau tấn công Syria vẫn đứng vững còn Nga đứng ngoài quan sát, đúc rút nhiều kinh nghiệm những mặt mạnh yếu, "lộ bài" của liên quân, trong lúc liên quân vẫn mù tịt về Nga vì Nga không trực tiếp tham chiến, chỉ để Syria là đủ sức chống chọi.

Theo Bộ Quốc phòng Nga cho hay đêm 13 rạng ngày 14/4, quân đội Mỹ, Anh và Pháp đã bắn 103 quả tên lửa vào Syria, 71 tên lửa đã bị chặn. Hiệu suất trúng đích rất thấp (hơn 31%). Syria bắn hạ 71 tên lửa hành trình của liên quân bởi hệ thống phòng không S200 của mình và không phải bằng hệ thống mới nhất, tiên tiến nhất hiện có ở Syria (S300 & S400 & S500 mà Nga đang triển khai ở đó).

Đây là thất bại cay đắng của Hoa Kỳ làm người ta gợi nhớ đến thất bại của không quân Mỹ 12 ngày đêm tháng 12/1972 ở Việt Nam.

PV: Theo ông tương lai cuộc tấn công sẽ đi đến đâu?

Chuyên gia Nguyễn Cảnh Toàn: Theo tôi chắc chắn Mỹ và liên quân không thể kéo dài cuộc tấn công với rất nhiều lý do và sức ép khác nhau cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao... dù Donald Trump có khuyến cáo là sẽ đánh dài, dài cho đến khi Syria từ "bỏ sử dụng vũ khí hóa học”.

Về cơ bản trong quan điểm của của Donald Trump sẽ sớm rút khỏi cuộc chiến, và theo như ông ta nói rằng “Mỹ không mưu cầu sự hiện diện vô thời hạn tại Syria dù trong bất kỳ trường hợp nào”, để ông ta tập trung toàn bộ sức lực, trí tuệ, của cải làm cho cam kết tranh cử và khi nhậm chức hơn 1 năm về trước làm cho nước Mỹ mạnh trở lại, trước hết là kinh tế, đó là thay đổi bộ mặt chính trị Mỹ, chuyển giao lại quyền lực cho người dân và theo đuổi học thuyết “Nước Mỹ trên hết”.

PV: Xin cảm ơn ông!