Clip 'nóng' xuất hiện ở lớp học trực tuyến, Bộ GĐ&ĐT lên tiếng

Thứ hai, 13/04/2020, 16:32 PM

Trên mạng xã hội xôn xao trước thông tin một số hacker xâm nhập các lớp học trực tuyến đăng tải nội dung không phù hợp, trong đó có trường hợp giáo viên phản ánh có clip 'nóng' xuất hiện trong giờ học.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mới đây, trên một số trang mạng xuất hiện thông tin về việc một số giáo viên phản ánh bị kẻ xấu xâm nhập vào lớp học trực tuyến mở các nội dung phản cảm, ảnh hưởng đến các học sinh... gây xôn xao dư luận.

Đặc biệt, theo phản ánh từ báo chí thì có cả vụ việc 5 tài khoản có tên giống học sinh trong lớp đồng loạt mở clip nóng trong giờ học online làm cô giáo choáng váng.

Báo Dân Trí phản ánh: Một cô giáo dạy toán cấp 2 chia sẻ về tình huống đáng lo ngại mà bản thân gặp phải khi dạy học online qua Zoom.  

Theo phản ánh, khi mở máy dạy học cô giáo thấy hàng loạt clip sex ngay trong giờ học online. Khi vào lớp, cô đã yêu cầu học sinh để họ và tên đầy đủ trong Zoom thì mới duyệt vào phòng, khóa micro của học sinh trong phòng học, khóa tính năng share màn hình của thành viên.

Nhưng buổi học đó, có 5 người lạ vào lớp học đã để tên giống 5 với 5 học sinh khác trong lớp của cô. Vì thế, lúc duyệt thành viên, cô cho vào phòng.

Chỉ một lúc lúc sau, 5 người này đồng thời mở clip sex lên. Dù không share được màn hình nhưng 5 tài khoản này bật camera lên và quay vào một màn hình khác để phát clip sex. Khi đó, cô choáng váng nhưng kịp định thần để xóa các tài khoản này ra nhưng mất khá nhiều thời gian, khoảng 3 phút. Trong lúc này thì các tài khoản này vẫn phát clip sex nên cô đã chọn cách dừng buổi học.

Cô tìm hiểu thì biết có hiện tượng này là do học sinh trong lớp đã lên một nhóm trên Facebook, gửi ID và mật khẩu lớp học cho nhóm để nhóm này vào phá lớp. Tuy nhiên, Zoom bản miễn phí sẽ bị giới hạn 40 phút/lần truy cập, sau đó đăng nhập lại thì những tài khoản này lại có cơ hội vào phá lớp.

Điều cô thấy nguy hiểm nhất là khi giáo viên đang share màn hình để giảng bài, giáo viên sẽ không nhìn thấy tất cả camera của học sinh. Lúc này học sinh mà bật các clip phản cảm lên thì cô không hề biết, trong khi các bạn khác thì lại xem được.

Trước tình trạng này, Bộ GD&ĐT vừa có công văn hướng dẫn tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên trong quá trình học tập qua internet.

Bộ cho rằng, việc hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình; thời gian qua, các địa phương, cơ sở giáo dục, đào tạo đã tích cực triển khai, được học sinh, sinh viên, phụ huynh hưởng ứng và đạt được nhiều kết quả tốt.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức dạy học qua Internet có xảy ra hiện tượng bị kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học/phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, độc, phản cảm, phản giáo dục... có dấu hiệu lạm dụng, quấy rối và bắt nạt trẻ em, học sinh sinh viên trên mạng, không đảm bảo an toàn và đã gây tâm lý hoang mang cho người học, người dạy; ảnh hưởng đến chất lượng dạy học qua Internet.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT; các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm (cơ sở đào tạo) tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ.

Tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức, kĩ năng sử dụng Internet, mạng xã hội đảm bảo an toàn, an ninh mạng khi tham gia hoạt động dạy - học qua Internet; kỹ năng phòng, tránh các nguy cơ, tình huống, tác hại có thể xảy ra đối với thầy cô giáo, học sinh sinh viên và cha mẹ học sinh sinh viên trong dạy học qua Internet.

Giới thiệu, phổ biến cho giáo viên những giải pháp, phần mềm quản lý, tổ chức dạy học qua Internet tin cậy, có uy tín; khuyến khích sử dụng phần mềm có bản quyền, những phần mềm do Bộ GD&ĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu sử dụng miễn phí trong mùa dịch Covid-19.

Xây dựng và thực hiện quy chế quản lý, tổ chức dạy học qua Internet, trong đó hướng dẫn rõ quy trình quản lý, tổ chức một lớp học trực tuyến; các kỹ năng quản lý điều hành lớp học trực tuyến đối với giáo viên; trách nhiệm của người học khi tham gia lớp học trực tuyến, nhất là các hành vi không được làm đối với người học.

Tăng cường các biện pháp phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, tổ chức hoạt động dạy học qua Internet. Đề nghị phụ huynh nâng cao trách nhiệm, dành nhiều thời gian quan tâm, hỗ trợ học sinh kết nối, sử dụng phòng học trực tuyến an toàn và có biện pháp quản lý trong thời gian học sinh tham gia học trực tuyến và sử dụng Internet.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu xảy ra các tình huống tiêu cực, giáo viên, học sinh sinh viên, cha mẹ học sinh sinh viên và cán bộ quản lý cần cung cấp thông tin kịp thời tới lãnh đạo nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bài liên quan