CNN: Trung Quốc mừng thành công nhưng ông Tập bị khủng hoảng vây quanh

Thứ ba, 01/10/2019, 15:16 PM

Theo CNN, hôm nay (1/10), Trung quốc ăn mừng những thành tựu mà nước này đạt được trong 70 năm qua. Thế nhưng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại đang bị vây quanh bởi rất nhiều cuộc khủng hoảng, từ kinh tế đến chính trị.

Chân dung của ông Tập Cận Bình trong lễ diễu hành mừng quốc khánh ngày 1/10/2019.
Chân dung của ông Tập Cận Bình trong lễ diễu hành mừng quốc khánh ngày 1/10/2019.

Kinh tế chồng chất khó khăn

Ông Đặng Tiểu Bình, người nắm quyền lực sau khi ông Mao Trạch Đông qua đời và được tín nhiệm rộng rãi với khởi đầu phép màu kinh tế của Trung Quốc. Ông từng mô tả chính sách đối ngoại của đất nước là "bình tĩnh quan sát, bảo vệ vị thế, đối phó với các vấn đề một cách bình tĩnh, che giấu năng lực, đợi thời cơ, duy trì tốt việc có ít tiếng tăm, và không bao giờ tuyên bố lãnh đạo".

Trong những năm gần đây, ông Tập dường như không làm theo cách đó. Ông định vị mình là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất của đất nước kể từ thời Mao Trạch Đông. Ông tuyên bố biến Trung Quốc trở thành siêu cường về kinh tế, chính trị với các chính sách đầy tham vọng. Tuy nhiên, theo CNN, chính sách đối ngoại, và những thành công kinh tế của ông dường như không có gì mới mẻ.

Phát biểu tại một buổi lễ vào tháng 12/2018 để đánh dấu 40 năm "cải cách và mở cửa" của ông Đặng Tiểu Bình, ông Tập hứa hẹn "những điều kỳ diệu sẽ gây ấn tượng với thế giới" nhưng cung cấp rất ít thông tin về cách thực hiện lời hứa đó.

Một trong những chính sách nổi bật nhất của ông Tập là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một siêu dự án thương mại và cơ sở hạ tầng đầy tham vọng nối Trung Quốc với các thị trường trên khắp Trung Á, Châu Âu và Châu Phi.

Tuy nhiên, BRI đã thất bại trong việc đem lại thời kỳ bùng nổ kinh tế như đã từng hứa và Bắc Kinh buộc phải đánh giá lại cách thức tiếp cận với các quốc gia đối tác trong bối cảnh nhiều quốc gia cho rằng Trung Quốc đang dùng "ngoại giao bẫy nợ".

Thương mại cũng vậy, các chính sách của ông Tập không được đánh giá cao. Theo CNN, cách ông Tập hành động trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thường như kiểu bắt chước Tổng thống Donald Trump như leo thang căng thẳng và từ chối lùi bước.

Trong tháng này có một số dấu hiệu tiến triển khi Trung Quốc miễn thuế quan cho một số sản phẩm của Mỹ và Washington có động thái tích cực trở lại bằng cách trì hoãn tăng thuế sang ngày 15/10, thay vì 1/10 như dự định trước đó.

CNN cho rằng, đôi khi Trung Quốc đã hiểu sai về ông Trump, “chơi quá tay” và không nhận ra sự ủng hộ Bắc Kinh ở Washington rất ít ỏi. Ông Tập có thể không trực tiếp có lỗi cho những sai lầm đó nhưng dường như chúng cho thấy vấn đề trong việc chuyển từ quyết định dựa trên sự đồng thuận sang một người.

Chiến lược của Bắc Kinh dường như xuất phát từ ý tưởng hoặc ít nhất từ một phần ý tưởng rằng ông Tập sẽ tại nhiệm lâu hơn ông Trump. Bắc Kinh có thể hy vọng, một chính quyền mới của Mỹ sẽ đem lại cho Trung Quốc thỏa thuận dễ dãi hơn.

Điều này có thể đúng, nhưng không có gì đảm bảo rằng ngay cả khi ông Trump thất cử và bất kỳ người kế nhiệm Dân chủ nào lên sẽ không tiếp tục gây áp lực đối với Trung Quốc.

Đau đầu ở Hong Kong

Căng thẳng và bạo lực ở Hong Kong đã diễn ra tuần thứ 17 liên tiếp. Gần đây, lãnh đạo Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã hủy bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ nhưng vẫn chưa đủ để xoa dịu các cuộc biểu tình.

Nền kinh tế của thành phố đối mặt với nhiều khó khăn và không có dấu hiệu nào cho thấy các cuộc biểu tình sẽ sớm chấm dứt, bởi giới trẻ Hong Kong đang ngày càng trở nên xa lánh Trung Quốc hơn.

Theo CNN, điều đáng tiếc là tình hình Hong Kong đã không như ngày hôm nay nếu các quyết định từ Bắc Kinh được đưa ra sớm hơn. Nếu dự luật dẫn độ không được đề xuất, nếu bà Lâm rút dự luật trước khi hàng triệu người biểu tình hoặc nếu bà Lâm đáp ứng yêu cầu đó sớm hơn, có lẽ các cuộc biểu tình đã chấm dứt. Sự thỏa hiệp của Bắc Kinh đã quá trễ và sự chậm trễ này không thể làm gì để ngăn chặn phong trào phản kháng.

Trong bối cảnh đó, theo Tân Hoa Xã, lễ kỉ niệm quốc khánh lần thứ 70, sẽ tạo cơ hội cho mọi người nhớ lại những khó khăn và gian khổ mà Trung Quốc đã từng trải qua.

Mục tiêu là truyền cảm hứng cho "toàn xã hội hát một cách hăng hái giai điệu ca ngợi một Trung Quốc mới và cuộc đấu tranh cho một kỷ nguyên mới.