Cò mồi thổi giá đất giữa mùa dịch, luật sư kiến nghị xử lý hình sự

Thứ hai, 06/04/2020, 13:08 PM

Theo luật sư, tình trạng "thổi giá đất" là hành vi nguy hiểm cho xã hội, phải đưa vào chế tài hình sự và chỉ có như vậy mới đảm bảo được đời sống và quyền lợi của người dân làm ăn chân chính.

Hiện tượng sốt đất ảo giữa mùa dịch ở ngoại thành Hà Nội thời gian qua là một điển hình. (Ảnh: IT).

Hiện tượng sốt đất ảo giữa mùa dịch ở ngoại thành Hà Nội thời gian qua là một điển hình. (Ảnh: IT).

Cò mồi thổi giá đất tạo hỗn loạn

Như đã phản ánh, thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng một số nhóm đầu cơ, "cò mồi" lợi dụng thông tin về việc đầu tư phát triển dự án để đẩy giá, tạo sự hỗn loạn trong thị trường bất động sản nhằm mục đích trục lợi.

Điển hình như vụ việc "sốt đất ảo" ở ngoại thành Hà Nội xảy ra vào cuối tháng 3 vừa qua. Theo đó, trong nhiều ngày hàng chục người bất chấp cảnh báo dịch bệnh Covid-19 lây lan, đã ùn ùn kéo nhau về khu vực thôn Trúc Động, xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội (gần Khu công nghệ cao Hòa Lạc) tìm kiếm cơ hội sau khi nghe thông tin ở đây sắp triển khai dự án của một tập đoàn bất động sản lớn .

Cơn sốt đất ảo bị chính quyền và những người dân địa phương vạch mặt cảnh báo sau đó đám đông bị yêu cầu giải tán.

Mặc dù đến thời điểm này vẫn chưa có nhà đầu tư nào phản ánh về việc bị lừa đảo, song vụ việc trên là bài học cảnh tỉnh cho rất nhiều người vì ham rẻ mà sẵn sàng lao như thiêu thân "đón đầu cơ hội làm giàu". 

Tại báo cáo tổng kết quý 1/2020, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cũng đưa hiện tượng "sốt đất ảo" này vào diện đáng quan tâm khi cho biết có "hiện tượng một số nhóm đầu cơ lợi dụng thông tin về việc đầu tư phát triển dự án của các tập đoàn để đẩy giá, tạo sự hỗn loạn trong thị trường nhằm mục đích trục lợi".

Ngoài vụ việc ở Thạch Thất (Hà Nội), vụ việc khác cũng được đưa ra minh chứng cho tình trạng trên là ở Bình Ba (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Trước đó, hồi cuối tháng 2/2020, trên mạng xã hội lan truyền cảnh người, xe tấp nập đến dọc QL56 ở xã xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để mua bán đất.

Cùng với đó là văn bản của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận cho một tập đoàn lớn khảo sát, nghiên cứu lập dự án tại xã Bình Ba và thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức). Ngay sau đó, xuất hiện hiện tượng đi xe mang thương hiệu của chủ đầu tư, đưa thông tin gán ghép, tự trưng biển quảng cáo dự án chưa có… Đó là chiêu thức của một nhóm người để tạo cơn sốt đất.

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam: Kiểu đầu tư theo tin đồn, theo đám đông đã có rất nhiều bài học từ trước đến nay.

Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cảnh báo, nếu nhảy vào thời điểm sốt nóng trong khi giá không đúng với bản chất là giá trị đầu tư tăng thì dễ ngậm trái đắng.

“Nếu tăng do tin đồn, tăng dựng đứng, tăng không đúng với nguyên lý thì rõ ràng đây là chiêu trò của cò mồi. Kích động đẩy giá tạo sóng. Theo cách gọi của dân môi giới thì tạo sóng, dễ tạo nên điểm nóng dễ vỡ dễ nổ".

Theo lãnh đạo Hội môi giới, nguyên lý thông thường giá bán nhà đất và đất nền phụ thuộc vào chất lượng và tiến độ phát triển đô thị cũng như số lượng nguồn cung tại từng địa phương. Khu vực nào có sự đầu tư phát triển đô thị, kinh tế tốt, nguồn dự án chưa nhiều, giá đất trước đó được kiểm soát tốt sẽ tiếp tục giữ giá và có thể tăng chút ít vì những vùng như vậy vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư. Ngược lại, khu vực nào đang tồn nhiều hàng và tốc độ phát triển kinh tế, đô thị không tương xứng thì giá bán có thể giảm.

Kiến nghị hình sự hóa

Trao đổi với PV, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đồng thời cũng là một chuyên gia bất động sản kinh nghiệm, cho rằng: Thị trường bất động sản ở nước ra xảy ra rất nhiều trường hợp tương tự, từ trong Nam ngoài Bắc, từ biên giới tới hải đảo, từ đô thị đến tỉnh lẻ, ở đâu đâu cũng có tình trạng này.

"Đứng trước thực trạng như trên, chúng ta phải thấy rằng trong những năm qua, công tác quản lý thị trường bất động sản – nói một cách thẳng thắn là đang còn rất yếu kém. Chúng ta đứng trước thực trạng, nhưng gần như không có giải pháp mang tính triệt để để xử lý, triệt tiêu được tình trạng này”, luật sư Tú lưu ý.

Là người làm công tác pháp luật, luật sư Tú cho rằng: "Đứng đầu là Bộ Xây dựng quản lý vấn đề bất động sản, chúng ta đang tỏ ra lúng túng và theo quan sát của tôi chưa có giải pháp nào khả dĩ để xử lý được tình trạng này".

Theo Luật sư Tú, nếu không có giải pháp hữu hiệu thì thời gian tới sẽ còn rất nhiều trường hợp tương tự xảy ra.

Đứng dưới góc độ quản lý thị trường về bất động sản, luật sư Tú thấy thị trường bất động sản của chúng ta luôn luôn rơi vào thực trạng cầu vượt quá cung, không đáp ứng được nhu cầu về bất động sản, cụ thể là nhà ở cho người dân. Nguyên tắc là khi sốt đất, sốt nhà ở, nhất định là do nhu cầu của nhân dân quá lớn, thị trường chưa đáp ứng được.

Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm.

Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm.

"Ví dụ: Ở Nhật Bản diện tích tương đương nước ta, nhưng có đến 126 triệu dân, nhưng họ vẫn có những ngôi nhà một vài nghìn đô, vẫn đầy đủ tiện ích, có sân vườn, bên cạnh vẫn còn hàng triệu ngôi nhà hoang, không có người ở. Singapore chật hẹp như vậy, dân số đông như vậy nhưng họ vẫn giải quyết tốt bài toán nhà ở cho người dân.

Bất động sản tính theo thu nhập bình quân đầu người thì ở Việt Nam được xếp vào hàng đắt nhất thế giới. Thế thì đây là biểu hiện rõ nhất về một thị trường bất động sản méo mó, có lẽ do những hành vi trục lợi, thổi giá lên cao như chúng ta đang bàn ở đây”, Luật sư Tú nói.

Chính vì vậy, luật sư Tú cho rằng dưới góc độ thị trường chúng ta phải đưa vào thị trường khối lượng bất động sản lớn, từ đất nền, cho đến nhà ở. Muốn đưa vào số lượng lớn thì chúng ta phải minh bạch, minh bạch trong quy hoạch đô thị, minh bạch trong việc cung cấp thông tin đến người dân, minh bạch trong quá trình tiếp cận nguồn lực về đất đai của các doanh nghiệp…Nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được với bất động sản để kinh doanh kiếm lời, trong đó có yếu tố thiếu minh bạch.

Khi có cơ chế pháp luật minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp bất động sản có cơ hội tiếp cận thị trường bất động sản một cách công bằng, thì đương nhiên, hàng hóa bất động sản sẽ nhiều lên, và điều đó đồng nghĩa với việc nó sẽ rẻ đi.

“Nếu chúng ta minh bạch, liêm chính, công bằng thì không có lý do gì giá bất động sản lại cao bất thường như hiện nay. Khi nguồn cung tăng lên, giá thành giảm xuống, không có lý gì người dân phải đi “mua tranh, bán cướp”, cái gì cũng có lý do của nó “Dưa thâm là do bị khú” Luật sư Tú ví von. Do vậy, vấn đề ở đây là phải giải quyết tận gốc vấn hiện tượng này.

Trở lại câu hỏi về chế tài xử lý, quy định của pháp luật để giải quyết tình trạng “thổi giá” bất động sản. Luật sư Trương Anh Tú cho biết, ngày 27/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản… kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Theo đó, các hành vi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ; cung cấp không chính xác hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình môi giới… chế tài xử phạt từ 10 triệu đến 50 triệu đồng. Tuy nhiên, theo luật sư Tú, hiện nay, chúng ta chưa có chế tài cụ thể và đủ mạnh để xử lý thực trạng này.

Luật sư Tú kiến nghị: Cần thiết phải cải cách pháp luật để khi có thực trạng, chúng ta sẽ giải quyết được nhanh chóng hơn, đó là hình sự hóa các hành vi “thổi giá” bất động sản.

Luật sư Tú cho rằng, tất cả những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tới lợi ích công cộng đều là những hành vi có thể đưa vào chế tài hình sự để xử lý, do vậy, cần phải xây dựng những tội danh mới trong Bộ luật Hình sự. Hành vi thổi giá lên cao thu lợi hằng trăm, hằng nghìn tỷ đồng rõ ràng là hành vi xâm phạm nghiêm trọng tới quá trình quản lý thị trường bất động sản, xâm phạm tới lợi ích của người dân.

“Rõ ràng đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, phải đưa vào chế tài hình sự, tức là hình sự hóa hành vi này. Việc chỉ ra, nhận biết được hành vi nguy hiểm cho xã hội thì cần phải đưa vào Bộ luật Hình sự ngay để đảm bảo tính kịp thời, điều chỉnh các mối quan hệ bất bình thường trong xã hội. Đây là điều chúng ta nên làm ngay, làm sớm để không phải thấy những tình cảnh đau lòng như trên. Chỉ có như vậy mới đảm bảo được đời sống và quyền lợi của người dân”, Luật sư Tú phát biểu.

Bài liên quan