Có nên bỏ phí bảo trì chung cư?

Thứ bảy, 16/03/2019, 06:47 AM

Mới đây, Sở Xây dựng TPHCM đề xuất bỏ 2% phí bảo trì để tránh tranh chấp sau những xung đột xảy ra trong thời gian qua thu hút sự quan tâm của dư luận.

co-nen-bo-quy-bao-tri-chung-cu
Mới đây, Sở Xây dựng TPHCM đề xuất bỏ 2% phí bảo trì để tránh tranh chấp sau những xung đột xảy ra trong thời gian qua thu hút sự quan tâm của dư luận. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Thanh Hải, trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP HCM, kiến nghị bỏ 2% phí bảo trì chung cư. Ông Hải cho rằng nên đưa ra những chế tài liên quan đến trách nhiệm của cư dân khi phát sinh vấn đề cần đến phí bảo trì.

Lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM lập luận phí bảo trì 2% sẽ chỉ dùng được trong một khoảng thời gian nhất định, từ 5 đến 10 năm. Sau đó, khi chung cư cũ đi, nhiều vấn đề khác phát sinh thì cư dân vẫn là người phải tiếp tục đóng phí. Do đó, không nhất thiết phải nộp 2% phí bảo trì ngay từ đầu.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM cho rằng việc đưa ra mức phí 2% phí bảo trì cũng hàm chứa nhiều bất cập. Chẳng hạn, khi chủ đầu tư và ban quản trị nảy sinh những tranh chấp về sở hữu quỹ bảo trì, yếu tố nào là căn cứ để xác định 2% tương đương với bao nhiêu tiền.

Trước đề xuất này TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp thừa nhận thực tế có tình trạng quỹ bảo trì chung cư bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích, thậm chí khi cần không được đáp ứng khiến cư dân rất bức xúc.

Ông Sơn cho biết, về nguyên tắc, quy định đóng 2% phí bảo trì ngay từ đầu là muốn có sẵn tiền, khi phát sinh có thể chủ động thực hiện sửa chữa ngay, không để bị động, kéo dài thời gian, gây nguy hiểm cho cư dân và tòa nhà.

Tuy nhiên, thời gian qua có hiện tượng quỹ bảo trì đã bị lạm dụng, chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì sử dụng vào mục đích đầu tư, mở rộng dự án khác, khi cần tới tiền thì chủ đầu tư không còn tiền để chi trả sửa chữa khiến cư dân bức xúc.

Không những có tình trạng chủ đầu tư lạm dụng quỹ bảo trì mà ngay cả Ban quản trị tòa nhà khi được bàn giao quản lý quỹ cũng có hiện tượng lạm quyền, lạm chi, trục lợi cá nhân gây thiệt hại cho cư dân.

Chính vì xuất phát từ thực tế trên nên có đề xuất không đóng phí bảo trì 2% ngay từ đầu mà thu về sau cũng là một giải pháp.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng lo ngại, nếu không đóng phí từ đầu mà để thu sau này, khi có những phát sinh vấn đề cần phải có chi phí bảo trì, sửa chữa mới yêu cầu cư dân nộp vào sẽ khó khả thi.

Tiền ở trong túi dân muốn lấy ra cũng không dễ dàng gì, nhất là với những hộ dân có điều kiện khó khăn, không có nhiều tích lũy, thậm chí đang phải mua nhà trả góp thì việc thu tiền là rất khó.

Do đó, ông Sơn cho rằng, việc thu quỹ bảo trì ngay từ đầu tạo thành một khoản cố định là giải pháp khả thi hơn cả.

Thực tế hành vi của chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì chung cư phải xét hai trường hợp khác nhau.

Trường hợp thứ nhất là chủ đầu tư không có mục đích chiếm đoạt quỹ bảo trì nhà chung cư, chủ đầu tư vẫn có thiện chí bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư, nhưng vì một lý do nào đó chưa kịp bàn giao cho ban quản trị tòa nhà. Với trường hợp này, do chỉ là giao dịch dân sự, nên các cư dân trong chung cư phải khởi kiện ra tòa có thẩm quyền để yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư theo hợp đồng và theo các quy định pháp luật có liên quan.

Còn với trường hợp chủ đầu tư có mục đích chiếm đoạt quỹ bảo trì nhà chung cư, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư vào mục đích trái với hợp đồng mua, thuê mua nhà đã ký giữa hai bên, trái với các quy định pháp luật, thì hành vi này có thể sẽ bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175, Bộ luật Hình sự 2015.