Cổ phần hóa nhưng HUD vẫn muốn 'ôm' đất vàng

Thứ hai, 04/11/2019, 06:49 AM

Hàng loạt lô"đất vàng tại Hà Nội được Bộ Xây dựng đồng ý cho Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà đô thị (HUD) giữ lại sử dụng nhưng Bộ Tài chính không đồng tình.

co-phan-hoa-nhung-hud-van-muon-om-dat-vang
Hàng loạt lô"đất vàng tại Hà Nội được Bộ Xây dựng đồng ý cho Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà đô thị (HUD) giữ lại sử dụng nhưng Bộ Tài chính không đồng tình.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ diễn ra vào đầu tháng 7/2019, Ban Chỉ đạo đã thừa nhận tiến độ cổ phần hóa chậm so với kế hoạch đề ra.

Theo danh mục đã được Thủ tướng phê duyệt thì giai đoạn 2017 - 2020 phải hoàn thành cổ phần hóa 127 Doanh nghiệp. Nhưng đến nay, mới thực hiện cổ phần hóa 35 Doanh nghiệp, đạt 27,5% kế hoạch.

Việc cổ phần hóa và thoái vốn tại một số tổng công ty còn hạn chế do gặp khó trong đánh giá, định giá tài sản giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế quyền thuê đất, dự án hình thành trong tương lai gắn liền với đất thuê,…

Điển hình như trường hợp của Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà đô thị (HUD).

HUD là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây Dựng, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch và phát triển nhà ở, với hàng loạt dự án quy mô trên cả nước.

Tại thời điểm 31/12/2018, Vốn Nhà nước sở hữu tại Doanh nghiệp này là hơn 3.405,6 tỷ đồng. (Theo thông tin của Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng)

Tại Báo cáo thường niên năm 2018, Doanh thu thuần của HUD đạt 6017,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 212,2 tỷ đồng, nợ phải trả là 9754,8 tỷ đồng, tổng tài sản đạt giá trị 13.748,8 tỷ đồng.

Được biết, tiến độ cổ phần hóa tại HUD đang gặp phải nhiều khó khăn từ nhiều năm nay và doanh nghiệp này trước đó từng phải xin lùi hạn chót hoàn thành cổ phần hóa từ năm 2017 sang năm 2020.

Tại Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg Về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/8/2019, HUD sẽ được cổ phần hoá chậm nhất vào cuối năm 2020 và nhà nước sẽ thoái hết vốn hoặc giữ dưới 50% vốn tại công ty này.

Tuy nhiên, việc cổ phần hóa tại HUD đang trở nên phức tạp sau khi Bộ Xây dựng đề xuất doanh nghiệp được giữ lại nhiều lô với diện tích hàng nghìn m2 tại Hà Nội nhưng Bộ Tài chính không đồng tình với phương án trên.

Theo đó, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Xây dựng về phương án xử lý nhà đất do HUD sử dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hiện HUD đang quản lý 21 cơ sở nhà, đất ở Hà Nội. Trong đó, Bộ Xây dựng đề xuất để doanh nghiệp được giữ lại nhiều lô có diện tích lớn như toà nhà Văn phòng HUD Tower, số 37 Lê Văn Lương, bãi đỗ xe tại hồ Linh Đàm hay văn phòng điều hành Ban Quản lý dự án khu vực I thuộc dự án Khu đô thị mới Mỹ Đình…

Bộ Tài chính cho rằng, căn cứ nghị định này và hồ sơ pháp lý của khu đất thì tài sản này thuộc phạm vi áp dụng Nghị định 167. Cơ quan này đề nghị Bộ Xây dựng căn cứ quy định này để rà soát, đề xuất phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà đất này. Trường hợp Bộ Xây dựng xác định không thuộc đối tượng của Nghị định 167 và không đề xuất phương án xử lý thì Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/co-phan-hoa-nhung-hud-van-muon-om-dat-vang-140654.html