Có quốc tịch Cyprus được hưởng lợi ích gì?

Thứ năm, 27/08/2020, 22:20 PM

Quốc tịch Cyprus cho phép đi lại dễ dàng trong 159 quốc gia, đặc biệt là khối Liên minh châu Âu (EU), ngoài ra đây còn là "thiên đường thuế".

Banner kêu gọi đầu tư tại Cộng hòa Cyprus . (Ảnh: Reuters).

Banner kêu gọi đầu tư tại Cộng hòa Cyprus . (Ảnh: Reuters).

Sở hữu quốc tịch Cyprus tốn bao nhiêu tiền Việt?

Dư luận đang xôn xao trước việc một hãng tin nước ngoài vừa đưa ra thông tin một số công dân Việt Nam đã sở hữu "hộ chiếu vàng" Cyprus hay còn gọi là mua quốc tịch Cyprus (Cộng hòa Síp).

Đáng chú ý, theo tiết lộ từ hãng tin này, để có quốc tịch Cyprus người ta phải chi ra số tiền 2,5 triệu USD (khoảng 59.000 tỷ đồng) dưới dạng đầu tư vào một số lĩnh vực tại nước này như bất động sản, nhà đất, cơ sở hạ tầng...

Hay có thể hiểu chính quyền Cyprus cho phép mọi đối tượng nhập tịch, trở thành công dân Cyprus nếu chịu chi khoảng 2,5 triệu USD đầu tư vào một số lĩnh vực như bất động sản, nhà đất, cơ sở hạ tầng ở đây.

Và đã có 1.400 người mua "hộ chiếu vàng" từ chính phủ Cộng hòa Cyprus trong các năm 2017-2019, trong đó có ít nhất 26 người là công dân Việt Nam.

Sở hữu quốc tịch Cyprus được lợi gì?

Theo phản ánh của báo chí, hiện nay tại Việt Nam không khó để tìm đơn vị tư vấn, làm hồ sơ giúp những cá nhân siêu giàu của Việt Nam trở thành công dân mang quốc tịch Cyprus.

Thật vậy, chỉ cần gõ trên công cụ tìm kiếm, có thể tìm ra hàng chục đơn vị "tư vấn đầu tư" để công dân Việt Nam có thể nhập quốc tịch Cyprus.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện nhan nhản các quảng cáo về lợi ích vượt trội khi chọn Cộng hòa Cyprus làm nơi "đầu tư" để có quốc tịch nước này.

Theo giới thiệu từ một đơn vị tư vấn: Công dân có quốc tịch Cyprus sẽ có rất nhiều lợi thế về phúc lợi xã hội, cũng như thuế má.

Để có quốc tịch Cyprus phải đầu tư khoảng 2,5 triệu USD (tương đương 59 tỷ đồng). (Ảnh: Shutterstock).

Để có quốc tịch Cyprus phải đầu tư khoảng 2,5 triệu USD (tương đương 59 tỷ đồng). (Ảnh: Shutterstock).

Cụ thể: Nếu tham gia chương trình "đổi đầu tư lấy quốc tịch" của Cyprus, các nhà đầu tư sẽ nhận hộ chiếu Cyprus, qua đó có thể đi lại dễ dàng trong 159 quốc gia, đặc biệt là trong khối Liên minh châu Âu (EU).

Khi mang quốc tịch Cyprus, người ta sẽ được sinh sống, làm việc, học tập và hưởng các phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế tại 28 nước EU.

Đặc biệt, với bản chất là một "thiên đường thuế", các nhà đầu tư nhập tịch Cyprus sẽ không bị đánh thuế thu nhập trong và ngoài Cyprus.

Quốc tịch Cyprus chỉ dành cho giới "siêu giàu" - chưa người Việt nào được cấp phép đầu tư?

Cũng theo tìm hiểu, ngoài khoản tiền 2,5 triệu USD như đề cập, nếu muốn đầu tư vào nhiều bất động sản, nhà đầu tư phải có ít nhất một bất động sản giá trị trên 500.000 euro.

Bên cạnh khoản tiền trên, nhà đầu tư cũng được yêu cầu đóng một khoản quyên góp không hoàn lại trị giá 75.000 euro (khoảng 2 tỷ đồng) cho Quỹ nghiên cứu và Đổi mới Cyprus cùng 75.000 euro nữa cho Tập đoàn phát triển đất đai Cộng hòa Cyprus.

Để giữ quốc tịch Cyprus, nhà đầu tư sẽ phải giữ các khoản đầu tư bất động sản tối thiểu trong 5 năm, không được phép bán đi trong thời hạn này và sau 5 năm phải giữ một bất động sản trị giá 500.000 euro để đăng ký làm nơi cư trú thường xuyên.

Bên cạnh đó, mỗi 7 năm, nhà đầu tư phải quay trở lại Cyprus ít nhất một lần để duy trì quốc tịch. Ngoài những khoản chi phí lớn trên, để hoàn thiện hồ sơ, nhà đầu tư và gia đình phải đóng phí nộp đơn quốc tịch là 2.000 euro và 5.000 euro phí quốc tịch với mỗi thành viên gia đình...

Tờ Zing.vn dẫn trao đổi từ một quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết: Hiện tại chỉ một tổ chức được cấp phép đầu tư từ Việt Nam vào Cyprus với số vốn vài trăm nghìn USD. Tổ chức này thành lập để xúc tiến đầu tư từ Cyprus vào Việt Nam.

Ngoài ra, hiện chưa có bất kỳ cá nhân nào được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài từ Việt Nam vào Cyprus.

Theo quy định, bất kỳ khoản đầu tư ra nước ngoài nào của cá nhân, tổ chức Việt Nam phải được Bộ KHĐT cấp phép.

Theo Luật Đầu tư, hoạt động đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, sử dụng lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư này để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài.

Vị quan chức Bộ KHĐT cũng nhấn mạnh theo Luật Đầu tư, đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh. Do đó, đầu tư không có nghĩa là việc mua tài sản ở nước ngoài.

Hàng năm, Bộ KHĐT cũng đều yêu cầu các tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài báo cáo tình hình kinh doanh. Khi tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép đầu tư ra nước ngoài, Bộ KHĐT đều xem xét kỹ việc đầu tư kinh doanh hay mua tài sản.

Trường hợp phát hiện dấu hiệu núp bóng cấp phép đầu tư để mua tài sản nước ngoài, Bộ KHĐT sẽ cảnh báo và không cấp phép theo quy định của pháp luật.

Bài liên quan