Chủ nhật, 25/03/2018, 11:52 AM
  • Click để copy

Bao nhiêu tuổi thì được hiến tạng và những vấn đề ít người biết

Theo lãnh đạo TT Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, việc hiến tạng sau khi chết não không giới hạn độ tuổi. Ở Việt Nam giác mạc từng lấy ở người 83 tuổi.

co-the-lay-tang-o-nguoi-bao-nhieu-tuoi
Nhà báo Tạ Bích Loan và Quách Mỹ Linh đến đăng ký hiến mô, tạng khi chết/chết não.

Mới đây, câu chuyện về cô bé gái Hải An (7 tuổi 3 tháng, ở Hà Nội) mắc bệnh ung thư đã hiến tặng lại giác mạc đã gây xúc động cho nhiều người. Cũng chính vì lẽ đó, phong trào hiến tạng được người dân quan tâm hơn.

Đặc biệt, gần đây 2 biên tập viên, nhà báo nổi tiếng của Đài Truyền hình Việt Nam là Tạ Bích Loan và Quách Mỹ Linh cũng đã đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết/chết não. Cả 2 đều đăng ký với hy vọng nếu không may mình chết não hoặc qua đời, những bộ phận trên cơ thể mình sẽ cứu được những người khác còn mình sẽ tiếp tục được sống thêm một lần nữa để cống hiến cho đời.

Bên cạnh đó, câu hỏi xung quanh về thời gian, độ tuổi để tiến hành lấy mô, tạng trên cơ thể người cũng là việc được nhiều người quan tâm.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho hay: Việc đăng ký hiến tạng sau khi chết não thì không giới hạn độ tuổi. Việc đăng ký hiến, tất cả mọi người ai đăng ký cũng đều tốt vì đây là việc làm tử tế.

Vị này cho hay: Đối với giác mạc ở Việt Nam từng lấy đến người 83 tuổi. Trên thế giới tạng như tim, gan, thận có thể lấy đến người 70 tuổi, thậm chí hơn.

“Tất nhiên với điều kiện là tại thời điểm đó đánh giá chỉ số tốt, với người khỏe thì đó là chuyện bình thường. Những ai có có tâm nguyện đó thì trân trọng và ghi nhận”, vị này bày tỏ.

Về việc hiến tạng, vị này cho biết thêm: Hiện nay những người hiến thận, gan ở Việt Nam xoay quanh cỡ khoảng 60 tuổi (đối với người còn sống). Tất nhiên, đối với những người để được hiến, cho tạng khi còn sống sẽ phải đánh giá chặt chẽ, chi tiết từng thông số để đảm bảo người hiến, cho tạng không ảnh hưởng đến sức khỏe.

"Đối với người còn sống không phải ai cho, hiến cũng được vì còn phải xem người đó có khỏe mạnh không... Đối với những người hiến tạng khi chết não, thì tại thời điểm chết não thì sẽ đánh giá chi tiết xem tạng nào còn dùng được. Trên thế giới họ có thể dùng tạng của người cao tuổi ghép với người cao tuổi là bình thường”, vị này cho hay.

Hiện nay, Luật pháp quy định công dân khi 18 tuổi, có thể hiến tạng ngay khi còn sống hoặc đăng ký sau khi chết, chết não. Độ tuổi này thể hiện ý nghĩa về việc đủ năng lực hành vi dân sự, tâm sinh lý trưởng thành mà không có nguy cơ xảy ra vụ sốc tâm lý sau này. Với những người tim ngừng đập, chết bình thường thì không giới hạn độ tuổi hiến nên có những cháu bé có thể hiến giác mạc, da, gân, xương.

Theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cho biết bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không phân biệt giới tính, tín ngưỡng, địa vị xã hội đều có thể hiến tặng mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến tặng sau khi chết, chết não và hiến xác.

Liên quan tới thông tin người hiến tạng phải tự bỏ một số tiền lớn để trả chi phí xét nghiệm, đại diện Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia khẳng định người tự nguyện hiến tạng phải tự trả chi phí xét nghiệm nhưng đó là trường hợp người hiến tạng còn sống. Điều này được ghi rõ trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, chết não hiện hành (Luật ra đời tháng 11/2006).

Đối với người hiến tặng mô/tạng/ xác khi chết/chết não, toàn bộ các chi phí xét nghiệm trước lúc lấy tạng đều do cơ sở y tế chịu trách nhiệm.

Thông tư 104 của Bộ Tài chính cũng đã quy định chi trả tiền mai táng sau đó. Người đăng ký chỉ cần điền theo mẫu đơn, ký vào đơn, kèm bản photo chứng minh, một ảnh thẻ, và nhận thẻ đăng ký hiến. Hoạt động này hoàn miễn phí. Sở dĩ có sự khác biệt này là vì ngành y tế không khuyến khích hiến tạng khi đang sống.

 

Gặp gỡ gia đình đầu tiên ở Việt Nam có tất cả thành viên đều hiến tạng cho y học

Tại Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, một phút giây ngập ngừng, cuối cùng, cô con gái út của gia đình anh Đặng Hoàng Giang cũng đặt bút tích vào ô hiến hạng tim với đầy cảm xúc.

 

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng ký hiến tạng

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng ký hiến tạng, mô sau khi chết là thông tin khiến không ít người tỏ ra bất ngờ. Quyết định của bộ trưởng được gia đình rất ủng...