Coca-Cola Việt Nam bị phạt 821 tỷ đồng: Khởi kiện vẫn phải nộp thuế

Thứ ba, 23/02/2021, 09:41 AM

Trong vụ ồn ào Coca-Cola Việt Nam bị phạt hơn 821 tỷ đồng tiền thuế, luật sư cho rằng dù có khởi kiện thì doanh nghiệp này vẫn phải nộp số tiền còn thiếu.

Cơ quan thuế đã xác minh và không chấp thuận nội dung khiếu nại của Coca-Cola Việt Nam.

Cơ quan thuế đã xác minh và không chấp thuận nội dung khiếu nại của Coca-Cola Việt Nam.

Giữ nguyên quyết định phạt Coca-Cola Việt Nam 821 tỷ đồng tiền thuế

Tin từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), cơ quan này đã ban hành quyết định về việc giải quyết khiếu nại lần đầu với Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (Coca-Cola Việt Nam).

Theo đó, cơ quan thuế không chấp thuận nội dung khiếu nại và giữ nguyên quyết định xử phạt với doanh nghiệp (DN) này. Như vậy, Coca-Cola Việt Nam vẫn bị giữ nguyên khoản phạt hơn  821 tỷ đồng.

Trước đó, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã ký quyết định xử phạt hành chính về thuế qua thanh tra chấp hành pháp luật thuế đối Coca-Cola, tổng tiền phạt hơn 821 tỷ đồng.

Sau quyết định này, Coca-Cola Việt Nam đã nộp 471 tỷ đồng dù doanh nghiệp này bày tỏ quan điểm không đồng thuận với phần lớn các kết luận của Tổng cục Thuế. Cùng với đó, Coca-Cola Việt Nam nộp đơn khiếu nại lên Tổng cục Thuế về một số nội dung liên quan đến kết luận của cơ quan thuế.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, cơ quan này đã gửi kết luận giải quyết khiếu nại đến Coca-Cola Việt Nam. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định này Coca-Cola Việt Nam có quyền khiếu nại đến Bộ Tài chính hoặc khởi kiện ra tòa.

Nhiều nghi vấn cần làm rõ

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch TAT Law firm đánh giá: Coca Cola là một trong số doanh nghiệp kinh doanh nước giải khát lớn ở Việt Nam. Sự lớn mạnh và quy mô ngày càng rộng mở là một minh chứng rõ nét cho lợi nhuận “khủng” mà Coca Cola đạt được từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thế nhưng, hoạt động tại thị trường Việt Nam 25 năm, Coca Cola lại báo lỗ liên tục trong 20 năm, trong khi đó Coca Cola vẫn không ngừng mở rộng các hoạt động đầu tư.

"Rõ ràng đây là điểm vô cùng bất hợp lí bởi lẽ không có doanh nghiệp nào bị thua lỗ kéo dài, ăn thâm vào vốn tự có mà vẫn hoạt động bình thường, thậm chí quy mô hoạt động còn lớn mạnh và phát triển hơn trước", luật sư Tú bày tỏ.

Luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch TAT Law firm.

Luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch TAT Law firm.

Theo luật sư, hoạt động trên của doanh nghiệp đã đặt ra cơ sở nghi vấn lớn về dấu hiệu chuyển giá, “né thuế” của Coca Cola Việt Nam, tức là khai giá chi phí đầu vào cao bất thường, giá hương liệu đầu vào nhập từ công ty mẹ cao rất nhiều so với nguyên liệu của các công ty giải khát trong nước.

Do đó chi phí cao, lợi nhuận giảm, dẫn đến Coca Cola có thể liên tục kê khai lỗ để “né” thuế. Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc chứng minh Coca Cola có dấu hiệu “chuyển giá” là rất khó và phức tạp, bởi không có cơ sở so sánh, đối chiếu giá nguyên liệu với các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề do nguyên liệu đầu vào của Coca Cola là do công ty mẹ độc quyền cung cấp.

"Chiêu thức kê khai các sản phẩm, vật phẩm khuyến mại, tủ lạnh cung cấp cho các tổ chức, cá nhân sử dụng vào chi phí để hạch toán thuế được Coca Cola sử dụng nhiều năm. Thực hiện chương trình khuyến mãi trong suốt những năm 2007 – 2015, Coca Cola Việt Nam hạch toán vào chi phí lên đến 744 tỷ đồng nhưng thực tế lại rất ít thông báo khuyến mãi gửi đến Sở Công thương các tỉnh, thành nơi thực hiện khuyến mại.

Trong khi đó, pháp luật quy định khi thực hiện khuyến mãi phải thực hiện thủ tục thông báo và đăng ký với Sở Công thương. Do đó, các loại chi phí khuyến mãi mà Coca Cola Việt Nam chưa thực hiện đúng quy trình khuyến mãi sẽ không được coi là hợp lệ và không được hạch toán chi phí để tính thuế", luật sư Tú đánh giá.

Luật sư Tú cũng nhấn mạnh, không chỉ Coca Cola mà hầu hết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nghi vấn, biểu hiện “né thuế” được thực hiện thông qua thủ thuật chuyển giá, tăng chi phí bằng cách quảng cáo, khuyến mại và tận dụng việc này để tuyên truyền quảng cáo, tiêu hết lợi nhuận, chuyển lãi thành lỗ để “tránh” thuế.

Điều này gây ra nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế vĩ mô như: Gây thất thu ngân sách nhà nước, tạo ra sự bất bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế giữa các doanh nghiệp; gia tăng giá trị nhập khẩu và giá trị nhập siêu gây mất cân bằng giữa cán cân thương mại và cán cân thanh toán, từ đó gia tăng áp lực giảm giá đối với đồng tiền nội…. Vì vậy, cần phải có một cơ sở pháp lý chặt chẽ để kiểm soát chặt hoạt động này, đảm bảo chống thất thu ngân sách cho nhà nước.

Theo luật sư Tú: Thực tế, Luật Quản lý thuế số 38/2019 đã có những quy định liên quan đến giao dịch liên kết để chống chuyển giá, Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ và tiến gần với thông lệ quốc tế trong việc kiểm soát chuyển giá.

Các văn bản pháp luật hiện hành đã có những quy định buộc các doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch liên kết phải kê khai, có nghĩa vụ xuất trình đầy đủ các thông tin, tài liệu và chưng từ để chứng minh cho việc áp dụng phương pháp xác định giá trong giao dịch liên kết là phù hợp với giá thị trường, cơ quan thuế cũng có quyền ấn định mức giá được sử dụng để kê khai tính thuế, ấn định thu nhập chịu thuế hoặc số thuế phải nộp.

Tuy nhiên, do chưa có luật chống chuyển giá riêng nên các quy định pháp lý liên quan đến công tác chống chuyển giá còn chưa cao, các quy định về kiểm soát định giá chuyển giao còn chưa mang tính hệ thống. …..Trong khi đó hành vi gian lận, chuyển giá đang diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp, việc xác định giá thị trường khách quan để làm rõ giao dịch liên kết là chuyển giá hay không còn khó khăn, chưa có quy định cụ thể để xác định, dẫn đến tình trạng lúng túng, bị động của cơ quan thuế trong quá trình triển khai.

Vì vậy, để ngăn ngừa hiệu quả các hành vi chuyển giá, cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá, tiến tới ban hành Luật chống chuyển giá, phải đưa vào nội luật quy định yêu cầu người nộp thuế phải xác định giá giao dịch liên kết như trong điều kiện liên kết như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập cho mục đích kê khai, tính và nộp thuế.

Đồng thời cơ quan quản lý thuế phải có một cơ sở dữ liệu thông tin giá cả được cập nhật thường xuyên, liên tục với các nước, nhất là những nước có tập đoàn đa quốc gia, công ty mẹ đóng trụ sở và có quan hệ thương mại với Việt Nam. Hay nói cách khác, cơ quan thuế cần phải xây dựng hệ thống dữ liệu xuyên quốc gia, hợp tác với Chính phủ các nước nhằm thu thập, cung cấp, trao đổi thông tin, trong đó có giả cả và thị trường.

Tại nhiều nước khu vực Châu Âu đã áp dụng phương pháp định giá APA – cơ chế thỏa thuận trước về xác định giá để ngăn ngừa tình trạng chuyển giá, trốn thuế. Theo cơ chế này, doanh nghiệp đa quốc gia phải chủ động đề xuất biện pháp tính giá hoặc mức giá mua, bán hàng hóa giữa các thành viên trong tập đoàn trước khi kê khai và nộp thuế.

Cơ quan thuế sẽ phối hợp với cơ quan thuế nước ngoài đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam tổ chức giám sát, kiểm soát để chống gian lận thuế.

Ở Việt Nam, từ 1/7/2013, cơ quan thuế được phép áp APA. Tuy nhiên APA là một quá trình phức tạp và mất nhiều thời gian, do đó, Tổng cục Thuế cần ban hành hướng dẫn về APA.

Coca-Cola khởi kiện vẫn phải nộp thuế?

Trở lại việc Coca Cola bị truy thu khoản thuế 821 tỷ đồng, luật sư Tú cũng cho biết: “Trong trường hợp không đồng ý với quyết định của Tổng cục Thuế, Coca Cola Việt Nam có quyền khiếu nại đến Bộ Tài chính hoặc khởi kiện ra Tòa.

Tuy nhiên, Coca Cola Việt Nam vẫn buộc phải chấp hành quyết định xử phạt của Tổng cục Thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Nghĩa là Coca Cola Việt Nam kiện hay khiếu nại thì cứ thực hiện, nhưng chấp hành nộp phạt hơn 350 tỷ đồng còn thiếu theo Quyết định xử phạt thì vẫn phải thực hiện trong thời hạn.

"Nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, đồng thời chịu tiền chậm nộp phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020:  Trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 68 hoặc khoản 2 Điều 79 của Luật này, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt….Nếu quá thời hạn nêu trên thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05 % trên tổng số tiền phạt chưa nộp”, luật sư Tú kết luận.