Codotel 'quy trình ngược' trong quản lý?

Thứ hai, 09/12/2019, 07:14 AM

Một quy trình ngược trong quản lý Codotel diễn ra thời gian qua, khi sau 5 năm phát triển bùng nổ, phải đến khi xảy ra sự cố Cocobay Đà Nẵng cơ quan quản lý mới tiến hành xây dựng văn bản quản lý.

codotel-o-at-phat-trien-5-nam-nhung-sap-toi-moi-hoan-thien-van-ban-quan-ly
Một quy trình ngược trong quản lý Codotel diễn ra thời gian qua. Ảnh minh họa

Liên quan đến việc quản lý Codotel, trả lời câu hỏi của báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nói, sự phát triển của loại hình căn hộ du lịch (condotel) phát triển từ 2015, cao trào phát triển là 2016-2017, tới 2018 và 2019 thì giảm mạnh. Các dự án condotel tới 2019 giảm khoảng 80% so với cao điểm, giao dịch căn hộ thì giảm khoảng một nửa. Hiện ước chừng có khoảng hơn 30 nghìn căn hộ condotel trong cả nước.

Đây là sự phát triển của thị trường, đây như là căn hộ khách sạn, phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng nhưng có đặc điểm là sở hữu của một chủ thể (chủ đầu tư thứ cấp) trong một tổng thể của một khách sạn thuộc sở hữu của một chủ đầu tư, ông Hùng giải thích.

Sau đó, Thứ trưởng cũng cho biết loại hình này hiện có một số vướng mắc.

Cụ thể, về hành lang pháp lý, hiện chỉ có Luật Du lịch quy định các loại hình cơ sở lưu trú du lịch, bao gồm biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, nhà ở/văn phòng cho khách du lịch thuê.

Còn các luật có liên quan như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai chưa quy định loại hình này.

Đến nay, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng cho loại hình này cũng chưa có dẫn đến chúng ta chưa triển khai việc cấp quyền sở hữu cho loại hình này, ông Hùng nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc vận hành, quản lý condotel, Thứ trưởng cho biết trong Luật Kinh doanh bất động sản chưa quy định rõ mà mới quy định vận hành nhà ở, văn phòng… nhưng condotel chưa có dẫn đến việc quản lý, sử dụng chưa có quy định điều chỉnh.

Ông Hùng cho biết, trên thị trường xuất hiện sự cam kết của nhà đầu tư đầu tiên lẫn các nhà đầu tư thứ cấp, trong đó cam kết tỷ lệ lợi nhuận cao dẫn đến việc không đủ khả năng chi trả.

Về giải pháp, Thứ trưởng nói, ngay từ 2017, Bộ Xây dựng và các tỉnh, thành đã có báo cáo về việc phát triển quá nóng của thị trường này và đề nghị phải có sự quản lý và siết chặt. Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi 63 tỉnh, thành, đặc biệt là những tỉnh, thành có nhiều condotel, lưu ý trong việc thẩm định chất lượng, chủ trương đầu tư, chú ý vấn đề chỉ tiêu dân số, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật để tránh việc biến condotel thành nhà ở… Việc này khiến từ 2018 đã giảm hẳn việc xem xét chủ trương đầu tư condotel.

Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo, đặc biệt là chỉ thị số 11/2019 về việc phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, trong đó có condotel. Văn bản này giao hai nhóm nhiệm vụ, trong đó giao Bộ Xây dựng nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến condotel cũng như ban hành quy chế vận hành condotel, tiến tới đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch được giao ban hành quy chế quản lý, kinh doanh loại hình này trong các pháp luật về du lịch cần hướng dẫn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với condotel và cấp quyền sở hữu đối với condotel…

Tất cả các văn bản này được yêu cầu phải xong trong tháng 12/2019 để tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh, Thứ trưởng Hùng cho biết.

Từ chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Xây dựng có thể thấy quy trình quản ngược Codotel đang diễn ra. Theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, resort hay khách sạn là cấp cho 1 chủ đầu tư duy nhất. Chủ đầu tư duy nhất mới làm ra những đơn vị nhỏ để bán.

“Đây là một cách lách luật, bởi vì nhà nước hiện giờ chưa có loại hình condotel hay office-tel để bán. Nếu Nhà nước nhìn nhận việc bán condotel hay office-tel thì lại không đúng vì giao cho 1 doanh nghiệp làm chủ đầu tư resort, khách sạn này”, ông Đực nêu.

Do đó ông Nguyễn Văn Đực nhận định việc các chủ đầu tư xúc tiến việc cấp sổ đỏ cho condotel chỉ là để trục lợi và điều này sẽ kéo theo một số rủi ro không mong muốn.

“Hệ lụy lớn nhất có lẽ là việc chủ đầu tư trục lợi. Nhiều chủ đầu tư mang sổ đỏ đi thế chấp, vay ngân hàng vì về mặt pháp lý vẫn là tên của họ. Họ có thể thiếu tiền thi công, tiền thuế nhà nước, tiền vay ngân hàng nhưng họ vẫn thu của khách hàng đủ”, ông Đực nói.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/codotel-quy-trinh-nguoc-trong-quan-ly-144297.html