Con hổ Leng (Kỳ 11)

Thứ tư, 28/02/2018, 22:44 PM

Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc truyện ký đặc biệt về Con Hổ Leng vào lúc 7h sáng hàng ngày.

Lão nhìn quanh, ánh mắt lấc láo và cầu mong sẽ nhìn thấy cặp hổ. Nhưng rừng xanh bưng kín mít… Rồi như vô thức, lão lấy chân xóa những vết chân hổ đi. Lão muốn xóa càng nhanh càng tốt bởi lẽ lão biết, nếu một gã thợ săn mà nhìn thấy, thì chúng sẽ hô hào, kéo nhau đi lùng…

Nhưng chả hiểu sao, mấy vết chân hổ ấy cứ ám ảnh, khiến lão thấy bứt rứt trong người. Gặp ai, lão cũng muốn kể về mấy vết chân hổ ấy. Nhưng hễ định nói thì lại thấy có cặp mắt hổ nghiêm khắc nhìn lão.

Một buổi trưa, lão đang chuẩn bị ăn cơm thì có tiếng người gọi: “Lão Puôn có nhà không?”. Nghe cái giọng nhừa nhựa hơi rượu, lão Puôn biết ngay là thằng Pấng đến.

Ở bản Pó, ngoài con chó vàng, thì người duy nhất không ghê tởm cái mặt Puôn chính là Pấng. Gã là người coi lão Puôn như bậc thầy về săn bắn và cũng như một một người bạn. Chuyện vui buồn, chuyện làm ăn, gã có thể dốc bầu tâm sự với lão Puôn.

Lão Puôn nói hóng ra: “Tao đây”. Ðúng là Pấng đang ngà ngà say. Gã đi ngất ngưởng, tay vẫn cầm chai nhựa đựng thứ rượu đục như nước cơm loãng. Gã sà vào mâm cơm rồi cười: “Ăn ngon nhỉ. Có cả thịt kho, cá nướng kia à. Lão ăn thế này là sang hơn tôi nhiều đấy. Nhà tôi, cả tháng may ra được vài lần ăn thịt”. Lão Puôn bảo: “Cá tao bắt dưới suối. Thịt lợn thì tao xin được ở nhà con Mén… Nó có con lợn chết vì bị lở mồm long móng. Cán bộ thú y bảo phải đem chôn. Tao xin được một đùi… Ăn có làm sao đâu. Mày ăn cơm luôn nhé”. Gã Pấng cười hồn nhiên: “Cứ có thịt là được. Cho tôi một bát. Mà này, tôi có ăn hết phần của chó không đấy?” . Lão Puôn nói luôn: “Nó không có cơm thì đã có cứt… Lo gì chó chết đói”. Rồi lão đi lấy thêm bát và đôi đũa cho Pấng.

Thằng Pấng rót rượu ra bát: “Uống đi một hớp. Cao hổ tôi còn giữ được một miếng… Con hổ này bắn bên Lào bốn năm trước đấy”.

Lão Puôn tợp một hớp. Ðúng là cao hổ thật. Rượu cao hổ nếu nấu đúng cách, đúng kiểu, không pha chế tạp nham thì uống vào sẽ có vị hơi beo béo, bùi và có vị ngọt hậu. Cao hổ làm cho rượu không còn vị gắt và nhạt đi chút ít. Uống thêm hớp nữa, lão bảo Pấng: “Cao này tốt đấy. Mày còn nhiều không, cho tao một miếng. Dạo này tao hay đau người”. Thằng Pấng cười: “Ðược, tôi cho lão một miếng”.

Thằng này cũng là một tay thợ săn khét tiếng. Gã cũng từng bắn chết hai con hổ, nhưng mà ở tận rừng bên Lào. Gã bắn được hổ, lột da phơi tại chỗ, lóc xương hổ, gùi về để nấu cao. Mà cũng chả hiểu có phải do bắn chết hổ không mà năm này gã gần 40 tuổi rồi nhưng không sao lấy được vợ. Thật ra thì gã có hai lần cưới vợ, nhưng cô nào cũng chỉ ở với gã được không quá ba tháng là phải bỏ đi. Chung quy cũng chỉ vì cái tội gã hay uống rượu, mà đã uống là say, mà đã say là chửi càn, nói bậy, thậm chí đứng đái cạnh mâm cơm. Ðã thế, gã lại còn là kẻ vũ phu, có hơi men vào là hành hạ vợ… Gần đây, gã cùng với mấy thằng nữa tổ chức nấu cao để lừa bán cho người dưới xuôi. Chúng đi nhặt xương trâu bò, rồi về Hà Nội gom mua xương chó ở phố thịt chó Nhật Tân đem về nấu cao. Và thế là chúng biến tất cả thứ xương hổ lốn đó thành cao hổ cốt. Cũng là miếng cao có màu vàng nâu nhạt, có lớp bọt trắng ở dưới, pha ra cũng có màu đục như nước gạo… Chúng nấu cao rồi chia làm hai loại. Một loại dành cho người bị bệnh đau xương, thấp khớp. Loại cao này, cứ một cân, chúng cho nửa lạng thuốc phiện sống vào. Thuốc phiện có tác dụng giảm đau rất mạnh. Nên ai đang bị cơn đau xương hành hạ, uống vào chỉ vài giờ sau là thấy dịu hẳn… vậy là tin sống, tin chết đó là cao hổ thật. Rồi có loại cao, gã đi mua thuốc kích dục từ bên Trung Quốc về, cho vào. Uống loại cao này, sẽ thấy “hăng hái” hẳn lên, vậy là người mua tin sái cổ đó là cao hổ cốt. Gã kiếm được khá nhiều tiền, nhưng được bao nhiêu, đổ hết vào rượu, nướng hết vào mấy chiếu bạc và lũ gái điếm hạ đẳng ở thị xã. Cứ bán xong nồi cao, gã lại cho tiền vào chiếc túi du lịch ra thị xã ăn chơi… Cũng đã vài lần, gã dúi cho tiền cho lão Puôn.

Lão Puôn uống thêm mấy hớp rượu nữa và tự nhiên trong lòng thấy thư thái, vui vẻ. Lão bảo gã: “Sao mày không sợ cái mặt tao nhỉ? Ở bản này, chỉ có mày là dám đến ngồi uống rượu với tao, cho tao rượu, cho tao cao, cho tao tiền”. Pấng cười khùng khục: “Tôi mà là con gái, tôi sẽ thích cái mặt lão… Cái mặt lão mới là mặt đàn ông đích thực. Mà bọn con gái, nó cần gì cái mặt đẹp, nó cần thằng đàn ông là con hổ đích thực, cần thằng có nhiều tiền. Tôi muốn bây giờ, tôi và lão cùng làm ăn. Bọn người Kinh dưới xuôi thèm cao hổ lắm. Nhưng chúng nó ngu, không biết phân biệt cao thật, cao giả… Tôi nấu cao một mình, vất vả lắm. Bây giờ, tôi muốn lão ở nhà nấu cao, tôi đi bán. Xương thì không phải lo. Có người ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình chở xương chó, xương mèo từ các quán ăn lên cho mình”. Nghe gã nói thế, lão Puôn vội bảo: “Hay đấy, nấu cao là nghề của tao mà”. Thằng Pấng bỗng chẹp miệng: “Bây giờ mà kiếm được con hổ thì tốt quá. Chỉ cần có tin mình bắn được con hổ là có thể nấu hàng tạ cao mà không bị ai nghi ngờ”. Gã nói vậy, lão Puôn hiểu ý ngay. Bỗng dưng, mấy bàn chân hổ trên nền đất chợt hiện ra, làm lão thấy bần thần. Lão rất muốn nói cho thằng Pấng biết chuyện có hai con hổ đang ở quanh đây, nhưng lại như bị cái gì chặn ngang họng khiến lão ngắc ngứ. Thằng Pấng tinh ý nhận ra lão Puôn đang có điều gì muốn nói nhưng chưa thoát được thành lời. Mà như vậy, điều lão định nói, ắt phải quan trọng lắm. Gã rót thêm rượu đưa cho lão Puôn: “Uống đi. Rượu làm cho con người ta dám nói những điều chưa dám nói; dám làm những điều lúc tỉnh không dám làm. Từ nay, tôi với lão là anh em, là thủ túc, là bạn bè, là cha con. Ðời này, tôi chỉ còn tin vào mỗi mình lão thôi”. Lời nói bộc bạch thật lòng của gã khiến lão Puôn thấy dũng cảm hẳn lên. Lão uống hớp rượu rồi bá vai Pấng: “Tao nói cho mày chuyện này… nhưng mà… nhưng mà mày phải giữ kín. Ngoài rừng có hai con hổ… hai con đang kỳ phủ nhau…”. Thằng Pấng nghe nói thế thì há hốc mồm, một lúc sau, gã mới lắp bắp: “Lão nhìn thấy hay… hay nghe kể?”. “Tao nhìn thấy mà… tao nhìn thấy lốt chân của nó trên đường ra suối Leng. Tao biết là nó vẫn còn quanh đấy thôi”. Mắt thằng Pấng sáng rực lên, gã nói luôn: “Tôi với lão đi tìm xem nó còn gần đây không?”. Lão Puôn ngần ngừ: “Tao không đi đâu. Nhưng chắc chắn nó đang ở mấy ngọn đồi ven ngã ba suối Mo Cứ và suối Leng. Tao biết bọn hổ đang say tình là thế nào mà. Tao dặn này, nếu mày tìm thấy chúng, trước khi bắn, phải thắp hương tế sống nó trước, thì nó mới tha tội”. Thằng Pấng cười sằng sặc: “Lão Puôn ơi. Sao bây giờ lão lại hèn thế. Con hổ, nó có là Chúa sơn lâm, có là thần hổ đi nữa thì cũng chi là con… hổ. Nó mà khôn như người… hi hi… thì nó đã nuôi được người để ăn thịt dần rồi. Ðược rồi, lão để tôi. Mà chớ có tiết lộ tin này cho ai nữa đấy”. Lão Puôn lúc này như bừng tỉnh, lão lắc đầu: “Tao lại sai rồi. Tao đã hứa với nhà sư là không làm hại hổ nữa… Tao nói cho mày, tao biết mày sẽ giết chúng nó”.

***

Ðúng trên dãy đồi tranh ở ngã ba suối Mo Cứ, con Leng đang có những ngày đắm chìm trong hạnh phúc và hoan lạc.

Hóa ra lão hổ già cũng không đến nỗi quá yếu như nó nghĩ ban đầu và lão vẫn xứng đáng là kẻ trượng phu đa tình. Hôm qua, lão phục kích và tóm được một mụ lợn rừng. Lão vẫn nhường cho con Leng ăn trước và trong khi con Leng ăn, lão nằm bên cạnh ngắm nghía. Cái đuôi vẫy qua, vẫy lại vui vẻ, hoan hỉ, hài lòng. Con lợn nặng có đến hơn năm chục cân, nên con Leng chỉ ăn hết hơn một phần ba rồi lùi ra nhường cho lão. Lão cũng ăn chỉ khoảng một phần ba cái chỗ còn lại rồi kéo xuống suối ngâm dưới đó, để cho lũ chó sói hoặc bọn gấu không tìm thấy.

Chỉ sau khoảng chục ngày ở gần nhau, con Leng đã cảm thấy cái sự truyền giống đã có kết quả và ngay lập tức, nó tỏ ra lạnh lùng với lão hổ. Còn lão hổ thì cũng biết rất rõ, chẳng có niềm vui nào kéo dài mãi… Chúng sẽ lại phải chia tay nhau, mỗi đứa đi một ngả…

Loài hổ là thế, chúng chỉ đến với nhau trong khoảng thời gian ngắn ngủi, rồi sau đó, rừng nào cọp ấy, mỗi con khoanh một khoảnh rừng. Chúng đánh dấu lãnh thổ bằng nước tiểu và phân… Kẻ nào xâm phạm lãnh thổ là không được.

Loài hổ cũng rất cao thượng. Với chúng, hầu như không có chuyện kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu để tranh cướp đất đai. Con nào có lãnh thổ của con ấy. Con khác đi tới, phát hiện ra vùng rừng đã có chủ là lập tức rời xa.

Thỏa mãn vì được bên nhau. Thỏa mãn vì được ăn no, hai con hổ lại kéo nhau lên đồi tranh, nằm ngửa ra bên cạnh nhau. Bốn chân con Leng khua chới với đập những con ruồi, con bướm trắng chấp chới bay quanh. Còn lão hổ thì nằm ngủ, ngáy hộc lên từng hồi nặng nhọc.

Con hổ Leng (Kỳ 11)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Gió từ thung lũng thổi lên mát rượi. Bỗng con Leng ngửi trong gió thấy có mùi là lạ… Ðó không phải là mùi của cây cỏ, mùi của đất đồi, mùi của gió mà có mùi như mùi của giống người… Một thứ mùi hôi hôi, khét khét, một thứ mùi pha trộn của rượu, thuốc lào, của những cơ thể bẩn thỉu vì không tắm tỏa ra theo ngọn gió cuốn ngược lên đỉnh đồi. Loại mùi đấy là mùi của sự nguy hiểm…

Con Leng chồm dậy nhẹ nhàng và nghiêng tai về hướng gió. Quả nhiên, nó nghe thấy tiếng bước chân đang rẽ cỏ tranh, tiếng người thầm thì, tiếng thở hổn hển… Nó nhỏm dậy và thấy ngay những cái đầu người đang thoắt ẩn, thoắt hiện trong bãi tranh và cây dã quỳ… Khẽ rít lên một tiếng nhỏ để báo động và nó nhổm dậy cao hơn để tìm lối thoát. Tiếng rít của con Leng làm lão hổ bừng tỉnh và cũng gần như ngay tức khắc, lão cảm thấy ngay mối nguy hiểm đang tới gần.

Ðến lúc này, con Leng mới nhận ra do chúng đã quá say tình nên quên đi sự cảnh giác, vì vậy đã chọn một quả đồi và phía sau là dốc đứng gần như thẳng tuột. Phía trước và bên phải, bên trái thì đều bị bọn người vây… Có lẽ đến ngót hai chục người đang vây kín đường thoát của hai con hổ.

Bỗng có tiếng nổ lép bép… Từ hai bên, bọn thợ săn bản Pó đã đốt cỏ tranh để chặn đường thoát của hai con hổ. Con Leng phát hiện ra ngay âm mưu này. Như vậy là chỉ còn một đường thoát là ở phía trước. Mà chạy theo hướng đó thì chắc chắn sẽ có nhiều nòng súng với đủ các cỡ đạn đang nhằm sẵn.

Lão hổ cuống quýt chạy quanh, nhưng con Leng vẫn bình tĩnh nhìn ngọn lửa đang lồng lộn bò lên. Khói bắt đầu bị cuốn lên đỉnh đồi.

Có tiếng súng nổ chát chúa, một viên đạn găm đúng thân cây phía sau con Leng, phá bung một mảng vỏ. Lửa lan lên mỗi lúc một gần. Bầu không khí nóng hầm hập. Khói thốc vào mắt con Leng cay xè. Con Leng thừa biết nếu bây giờ chạy về phía trước, nơi không bị lửa cháy thì sẽ lao vào các họng súng đang chờ sẵn. Còn nếu băng qua màn lửa, có thể cháy lông, bỏng da, nhưng phía đó thưa người hơn và bọn người sẽ không cảnh giác như ở phía trước. Lao vào đường chết thì sẽ tìm ra lối thoát.

Những suy nghĩ, tính toán lóe lên trong đầu con Leng nhanh như tia chớp… Con Leng ngoái đầu lại và thấy lão hổ già vẫn lồng lộn chạy quanh. Trong một thoáng, hai ánh mắt gặp nhau. Ánh mắt con Leng vẫn bình tĩnh và như muốn nói với lão hổ già rằng: “Mình hãy đi theo em… Ðừng sợ. Em sẽ đi trước…”. Nhưng ánh mắt của lão hổ lại lộ rõ vẻ tuyệt vọng và cầu khẩn: “Ta sợ lắm… Ta chết ở đây mất. Nàng đi đi…!”. Con Leng khẽ gầm và lao đến bên lão hổ già lấy đầu ủi mạnh vào ngực lão hổ thúc giục. Nhưng ánh mắt lão hổ đã bạc đi vì sợ hãi.

Nhìn ánh mắt bạc nhược ấy, con Leng biết là phải tự mình thoát thân.

Ý nghĩ và hành động diễn ra gần như đồng thời.

((Phần tiếp theo mời quý độc giả đón đọc vào 7h sáng mai trên Tin tức Việt Nam)

 

Đại gia đình tướng cướp khét tiếng miền Đông (Kỳ 1): Thôn nữ xinh đẹp

Những năm sau giải phóng, hầu hết những băng cướp làm mưa làm gió tại Sài Gòn, Đồng Nai, Sông Bé… lần lượt sa lưới trước sự tấn công, truy quét quyết liệt của lực lượng CA. Thế nhưng, có một băng cướp phải mất 3 thập kỷ mới bị xóa sổ.

 

Tướng cướp Sáu Thẹo

Sáu Thẹo không chỉ là một gã cướp của, hiếp dâm, giết người mà kinh hoàng hơn, Sáu Thẹo trở thành nỗi khiếp sợ của lương dân với những kỹ năng sử dụng vũ khí quân dụng, kỹ năng ẩn thân và đào thoát thành thục. Hắn là tên cướp siêu hạng.