Condotel có 'giấy thông hành' sắp trở lại thời hoàng kim?

Thứ hai, 17/02/2020, 06:51 AM

Khi được công nhận về pháp lý, condotel sẽ có nhiều cơ hội để phát triển tuy nhiên để tạo sức hút với nhà đầu tư không dễ nhất là khi chưa rõ được bài toán phần trăm lợi nhuận.

Chủ đầu tư dự án Cocobay (dự án condotel điển hình) tuyên bố ngừng trả thu nhập cam kết ở mức 12%/năm.

Chủ đầu tư dự án Cocobay (dự án condotel điển hình) tuyên bố ngừng trả thu nhập cam kết ở mức 12%/năm.

Mới đây Bộ Tài nguyên & Môi trường đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất và chứng nhận quyền sở hữu cho loại hình căn hộ khách sạn (condotel).

Theo đó, đất xây condotel là đất thương mại, dịch vụ và sẽ có thời hạn sử dụng đất từ 50 - 70 năm. Khi hết thời hạn, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất.

Đồng thời, Nhà nước chỉ cấp Giấy chứng nhận cho các trường hợp các dự án có công trình đủ điều kiện được chuyển nhượng theo Luật Kinh doanh bất động sản. Việc chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ) quy định tại Điều 32 của Nghị định số 43/2014 và Nghị định số 01/2017 quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Trước đó, cuối năm 2019, Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn điều chỉnh sản phẩm căn hộ du lịch (condotel, officetel…). Bên cạnh đó, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành quy định quản lý căn hộ du lịch.

Như vậy sau một thời gian dài chờ đợi, condotel đã chính thức được chứng nhận “khai sinh”, condotel sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. 

Đánh giá thay đổi về chính sách liên quan condotel, chuyên gia kinh tế, tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc ban hành văn bản hướng dẫn này đáng ra phải làm từ lâu. Bởi nếu nhìn vào những thông tin hướng dẫn được đưa ra từ các văn bản pháp luật đã có thì rõ ràng cơ sở pháp lý cho condotel về cơ bản đã đầy đủ trong pháp luật hiện hành. Do vậy hoàn toàn có đủ cơ sở để công nhận quyền sử dụng đất của các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng như condotel tùy vào chế độ sử dụng đất.

“Vấn đề có thể giải quyết một cách đơn giản và nhanh chóng để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, doanh nghiệp nhưng chúng ta đã phải chờ đợi trong một thời gian dài, khiến nhiều chủ đầu tư, nhà đầu tư mệt mỏi và làm cho phân khúc bất động sản này mất đi nhiều cơ hội phát triển”, ông Thịnh nói.

Khuyến khích condotel không chỉ giúp kích thích việc xây dựng các cơ sở lưu trú mà còn gia tăng sản phẩm lưu trú cao cấp, đặc biệt trong phân khúc 4,5 sao - điều mà du lịch Việt Nam tại nhiều tỉnh thảnh đang yếu và thiếu. Với đặc thù là sản phẩm phục vụ trực tiếp cho du lịch, các chủ đầu tư sẽ tăng cường thêm các tiện ích, dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, góp phần “níu chân” du khách, đặc biệt là du khách quốc tế ở lại lâu hơn cũng như quay trở lại với Việt Nam.

Năm 2019 vừa qua, du lịch Việt Nam tiếp tục đạt dấu mốc tăng trưởng ngoạn mục khi đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa ước đạt 85 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 726 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo các chuyên gia, với lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng bình quân 9 - 11%/năm thì năm 2020 cả nước cần có 650.000 - 700.000 buồng lưu trú du lịch và đến năm 2030 cần có 1.300.000 - 1.450.000 buồng để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Về mặt kinh tế, mô hình này mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư, khi doanh nghiệp có thêm một kênh đầu tư hiệu quả, tăng cường dòng tiền lưu thông vào thị trường, phát triển kinh tế còn nhà đầu tư thì vừa giữ được tài sản vừa có khả năng sinh lời.

Chính vì thế, các chuyên gia đánh giá việc condotel được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu sẽ khiến giao dịch tăng mạnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng cần lưu ý thêm với phân khúc condotel là các cam kết lợi nhuận và khả năng đảm bảo cam kết của chủ đầu tư. 

Câu chuyện Cocobay Đà Nẵng phá vỡ cam kết lợi nhuận 12%/năm đối với khách hàng mua căn hộ khách sạn và khách sạn mini diễn ra dịp cuối năm 2019 vẫn là bài học nhãn tiền. 

Đây là câu chuyện liên quan đến bài toán tài chính, thiếu sự ràng buộc, rất lỏng lẻo ở chỗ người cho vay là khách hàng nhưng cũng chính là nhà đầu tư và họ có thể buộc phải ôm nợ xấu.

Nếu ngân hàng cho vay, họ quan tâm nhất đến phương án kinh doanh. Trong khi nhà đầu tư cho vay lại không biết nhiều về phương án kinh doanh, không biết chủ đầu tư lấy tiền đâu ra để trả lợi nhuận cam kết 12%.

Theo phân tích giới đầu tư, cam kết lợi nhuận condotel là trả trên giá mua bán bất động sản trong khi suất đầu tư bao nhiêu mới là yếu tố quyết định giá bán và lợi nhuận.

Ví dụ, nếu suất đầu tư 1 tỷ đồng thì có thể bán phòng với giá 1 triệu đồng/đêm vẫn có thể sớm thu hồi vốn. Nhưng suất đầu tư chỉ 1 tỷ đồng mà bất động sản lại được bán với giá 3 tỷ đồng thì muốn có tỷ suất lợi nhuận tốt thì phải bán phòng với giá 3 triệu đồng/đêm. Nhưng nếu bán phòng 3 triệu đồng/đêm thì chẳng ai ở cả, mâu thuẫn ngay lập tức.

Điều đó có nghĩa là các dự án condotel hiện nay cam kết lợi nhuận trên giá thị trường chứ không cam kết trên suất đầu tư, trong khi tỷ suất lợi nhuận trên suất đầu tư chênh lệch rất lớn so với tỷ suất lợi nhuận trên giá bán. 

Bài liên quan