Công an triệu tập một số người nghi liên quan đến vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu

Thứ sáu, 18/10/2019, 08:24 AM

Công an Hòa Bình đã triệu tập một số người nghi liên quan đến vụ việc đổ dầu bẩn gây ô nhiễm nguồn nước cấp đến nhà máy nước sạch sông Đà.

Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án liên quan đến việc xả dầu thải gần nhà máy nước sạch sông Đà.
Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án liên quan đến việc xả dầu thải gần nhà máy nước sạch sông Đà.

Ngày 18/10, tin từ lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình cho biết: Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an đã triệu tập một số người nghi có liên quan để đấu tranh, làm rõ việc vụ xả thải dầu bẩn gây ô nhiễm nguồn nước cấp đến nhà máy nước sạch sông Đà.

Trước đó, nhận thấy có dấu hiệu hình sự, ngày 16/10, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ-CSĐT về tội "Gây ô nhiễm môi trường” theo quy định tại điều 235, Bộ luật Hình sự.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình đang tập trung truy xét, điều tra, làm rõ đối tượng đổ thải chất thải nguy hại gây ô nhiễm nguồn cung cấp nước để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Để đẩy nhanh tiến độ công tác điều tra, truy xét, cơ quan Công an đã phát động quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, cung cấp thông tin có liên quan đến vụ việc.

Trao đổi với PV Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) cho rằng việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án để điều tra về tội gây ô nhiễm môi trường là cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cũng nên xem xét thêm hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 360 Bộ luật Hình sự.

Luật sư Diệp Năng Bình phân tích, hành vi phát hiện nguồn nước nhiễm bẩn nguy hại nhưng không có bất cứ hành động nào, từ báo cáo đến ngăn chặn, thì đã có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, hành vi này của một số cán bộ, công nhân của Công ty Nước sạch Sông Đà cũng đã vi phạm tại các Điều 227 Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.

"Về cơ bản, nước cũng được xem là một tài nguyên. Căn cứ theo yếu tố này, với tình tiết gây sự cố môi trường thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Đối với pháp nhân phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này như gây ra sự cố môi trường, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm”, Luật sư Diệp Năng Bình cho hay.

Luật sư Bình cho rằng cũng có thể vi phạm theo quy định Điều 237 BLHS Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường: Nếu cá nhân gây thiệt hại 7.000.000.000 đồng trở lên thì thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì mức phạt có thể dao động 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 năm đến 3 năm”. luật sư Bình nóiNếu xác định Viwasupco vi phạm các quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị doanh nghiệp có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.