Công bố kiểm tra giá điện: EVN đúng có nghĩa phản ánh người dân là sai?

Thứ hai, 20/05/2019, 03:50 AM

Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra giá điện và khẳng định Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện đúng quy định trong việc tăng giá điện. Vậy phải chăng phản ánh người dân là sai?

cong-bo-kiem-tra-gia-dien-evn-dung-co-nghia-phan-anh-nguoi-dan-la-sai
Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra giá điện và khẳng định Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện đúng quy định trong việc tăng giá điện. Ảnh minh họa

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về việc kiểm tra giá điện tại các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo Nghị quyết 30/NQ-CP.

Theo đó, cơ quan này khẳng định, kết quả kiểm tra thực tế công tác niêm yết công khai giá điện mới theo Quyết định số 648/QĐ-BCT được được các đơn vị thực hiện đúng quy định tại Điều 6 Luật Giá và đảm bảo thông tin về việc điều chỉnh giá điện đến các khách hàng kịp thời.

Trong báo cáo, Bộ Công Thương cho biết tính toán trên thông số đầu vào cho thấy chi phí mua điện năm 2019 tăng khoảng 20.900 tỉ đồng. Như vậy, giá điện bình quân năm 2019 là 1.864,44 đồng/kWh, tương ứng tỉ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 8,36%.

Cũng theo bộ này, phương án tăng giá bán lẻ điện bình quân đã thực hiện chưa bao gồm khoản chênh lệch tỉ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện dự kiến năm 2018. Do đó nếu tính thêm thì giá bán sẽ là khoảng 1.879,90 đồng/kWh, tăng tương ứng 9,26%.

cong-bo-kiem-tra-gia-dien-evn-dung-co-nghia-phan-anh-nguoi-dan-la-sai
Giá điện tăng và mức tiền tăng theo của 6 bậc giá điện.

Việc sử dụng biểu giá điện lũy tiến theo Bộ Công Thương cũng là để khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và thực hiện an sinh xã hội, vốn là phương pháp được nhiều áp dụng. Mức giá bán lẻ điện bình quân của Việt Nam so với 8 nước Đông Nam Á bằng 66%, và bằng 37% của Campuchia và 78% giá điện của Lào.

Liên quan đến kiểm tra thực hiện Quyết định 648, qua kiểm tra về công tác niêm yết, công khai giá điện mới, chốt chỉ số công tơ, tính tiền điện, áp giá bán lẻ, Bộ Công Thương cho hay các đơn vị thực hiện đúng quy trình kinh doanh của EVN.

Với các phản hồi, kiến nghị của khách hàng, Bộ cho biết theo thống kê của EVN từ số liệu phần mềm quản lý chăm sóc khách hàng, từ ngày 20/3 đến ngày 4/5, toàn tập đoàn tiếp nhận và giải đáp 71.504 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện.

Trong đó có 14.541 kiến nghị của khách hàng, chiếm tỉ lệ gần 20%, thắc mắc về chỉ số công tơ điện, hoá đơn tiền điện. Các thắc mắc của khách hàng đã được trả lời 100%, các khách hàng đều hải lòng, đồng ý với kết quả giải quyết.

cong-bo-kiem-tra-gia-dien-evn-dung-co-nghia-phan-anh-nguoi-dan-la-sai
Kể từ năm 2010 đến 2019, năm 2018 là năm duy nhất giá điện không được điều chỉnh tăng.

Trước việc Bộ Công Thương công bố kiểm tra giá điện trong đó khẳng định EVN thực hiện đúng. Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đặt câu hỏi: “Nếu EVN đúng thì những phản ánh của người dân là sai?”.

Từ câu hỏi này chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đánh giá, ngành điện vẫn là ngành độc quyền, từ độc quyền nhà nước sang độc quyền doanh nghiệp.

“Riêng với vấn đề 6 bậc thang giá điện nhiều chuyên gia nói cần phải chia lại. Nhiều phân tích, số liệu cho thấy khi giá điện tăng nhóm người sử dụng đa số chịu thiệt phải mua điện với giá cao hơn mức giá bình quân. Vậy điều hành giá chú ý đến đa số hay thiểu số? Thiểu số đã có nhà nước bù giá” - Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết

Theo ông Vũ Vinh Phú, điều đáng nói nhất ngành điện là vấn đề độc quyền, vấn đề minh bạch công khai. Điện có các khâu từ sản xuất, chuyển tải, bán lẻ. Đáng ra phải tách biệt thì vẫn gộp lại trong EVN.

“Thứ hai bình quân gia quyền của thủy điện, nhiệt điện, điện mua không bao giờ thấy công bố. Có lúc thủy điện chiếm 60% tổng sản lượng điện cung cấp ra thị trường không thấy EVN giảm giá. Giá điện chỉ tăng lên không giảm xuống, điều kiện giá điện giảm xuống là gì?” - ông Phú nhấn mạnh.

cong-bo-kiem-tra-gia-dien-evn-dung-co-nghia-phan-anh-nguoi-dan-la-sai
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, vấn đề khác của ngành điện như hao hụt điện, chi phí sản xuất, phân phối ngành điện nhiều cái vô lý đẩy vào người dân.

Ngoài ra theo ông Vũ Vinh Phú, vấn đề khác của ngành điện như hao hụt điện, chi phí sản xuất, phân phối ngành điện nhiều cái vô lý đẩy vào người dân.

“Hàng triệu công tơ để ra cột. Sao không để trong nhà người dân để tiết kiệm chi phí như hộp công tơ, để tránh tình trạng “mạng nhện” chằng chịt do dây điện và công tơ từ cốt điện vào nhà dân. EVN lo ngại người dân “ăn cắp” điện?

Trước đây nhiều thông tin việc EVN đưa chi phí khấu hao bể bơi, sân tennis... vào giá thành điện, đây là điều vô lý. Thứ nữa, thu nhập ngành điện bao nhiêu? Từ lãnh đạo cao nhất EVN đến tổ trưởng tổ điện hưởng lương bao nhiêu không được công bố.

Càng không minh bạch càng dễ “xào xáo”, phải tách sản xuất, chuyển tải và bán lẻ ra. Có thêm nhà đầu tư khác vào như xăng dầu, phát triển điện mặt trời, điện gió để hạ giá thành điện”, ông Phú nói.

Chốt lại câu chuyện giá điện chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, chúng ta nói rất nhiều việc tiến tới kinh tế thị trường, thực ra nền kinh tế thị trường số một của nó là minh bạch. EVN chưa minh bạch, chưa công khai người dân vẫn có quyền nghi ngờ việc tăng giá điện, dù kết luật của Bộ Công Thương khẳng định đúng.

 

Từ Khaisilk đến Nhật Cường: Kinh tế ngầm và công tác quản lý thuế

Trong khi Khasilk bán khăn lụa Trung Quốc gắn mác hàng Việt, đến vụ việc Nhật Cường gây xôn xao dư luận gần đây đặt ra trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước.

 

Vietinbank: Vì sao nợ xấu tăng đột biến?

Kết thúc quý 1/2019, nợ xấu ngân hàng Vietinbank tăng đột biến, trong đó, nợ nhóm 3 và nhóm 5 tăng. Tỷ lệ nợ xấu Vietinbank tăng lên mức 1.85% so với con số 1.58% hồi đầu năm.

 

Ngân hàng, bất động sản có nguy cơ 'rửa tiền' cao nhất

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản có nguy cao và trung bình dựa trên các tiêu chí rủi ro rửa tiền.