Công ty đòi nợ thuê: Giám đốc có trình độ đại học, nhân viên có bằng trung cấp trở lên

Thứ ba, 19/06/2018, 16:13 PM

Doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này phải có vốn điều lệ không dưới 2 tỷ đồng. Giám đốc chi nhánh doanh nghiệp đòi nợ phải trình độ học vấn đại học trở lên, nhân viên đòi nợ thấp nhất phải có trình độ trung cấp

mao-danh-bo-cong-thuong-de-tong-tien-doanh-nghiep
Nhân viên đòi nợ thuê phải có bằng trung cấp trở lên. Ảnh minh họa

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính có điều chỉnh một số điều kiện trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện nay.

Theo đó những người muốn mở doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này phải có mức vốn điều lệ không dưới 2 tỷ đồng.

Dự thảo cũng quy định điều kiện, tiêu chuẩn với lãnh đạo quản lý. Giám đốc chi nhánh doanh nghiệp đòi nợ phải trình độ học vấn đại học trở lên, và thuộc một trong các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh. Bên cạnh đó, những người này phải chưa từng bị kết án.

Ngoài ra, “sếp” công ty đòi nợ thuê cũng không được giữ chức danh quản lý doanh nghiệp đòi nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước đó.

Dự thảo đưa ra lần này cũng sửa đổi một số điều kiện đối với người lao động của công ty đòi nợ thuê.

Người lao động ở đây phải được tuyển dụng theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ 6 tháng trở lên. Các nhân viên thu nợ cũng phải có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên, thuộc một trong các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.

Các trường hợp người lao động đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng trong và ngoài nước đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử sẽ không được phép làm việc trong các doanh nghiệp đòi nợ thuê.

Ngoài ra, người lao động trong lĩnh vực này phải không thuộc các đối tượng đã từng bị kết án, đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; cải tạo không giam giữ; quản chế, cấm cư trú...

Những người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương; xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; nghiện ma túy; tạm hoãn, tạm đình chỉ giáo dục bắt buộc... cũng sẽ không được tham gia hoạt động đòi nợ này.

Người lao động tại đây cũng không được thuộc các trường hợp đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính vì chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, làm nhục người khác, lừa đảo...

Theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng: Thời gian gần đây dịch vụ đòi nợ thuê phát triển mạnh một phần do khủng hoảng kinh tế và vỡ bong bóng bất động sản, nên doanh nghiệp và cá nhân vay nợ mất khả năng trả nợ tăng cao.

Trong khi đó, việc đòi nợ không dễ qua con đường công khai, khi thủ tục hành chính nhờ can thiệp của các cơ quan nhà nước, thanh lý tài sản thế chấp quá phức tạp, chưa kể các chi phí không chính thức.

Ông Thịnh cho rằng, những việc gây ảnh hưởng xấu xã hội của hoạt động đòi nợ thuê vừa qua tới từ việc quản lý, giám sát trật tự xã hội và quy định chưa rõ ràng. Không phải từ các điều kiện như vốn tối thiểu, bằng cấp người quản lý, nhân viên… Cũng nên bỏ suy nghĩ kinh doanh gì cũng phải có bằng cấp, chứng chỉ, tư duy đó rất không ổn.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC) phân tích: đòi nợ hiện có nhiều loại. Trong đó, kiểu đòi nợ trực tiếp với nhau, không thông qua đòi nợ thuê luôn được khuyến khích, và nhà nước phải có chính sách ưu tiên việc này.

Các bên khi thiết lập quan hệ thương mại và dân sự nói chung cần phải chú ý đến đối tác - khách hàng của mình. Nếu thương lượng, hòa giải được thì cơ quan thi hành án – tòa án cần đảm bảo tuân thủ kết quả hòa giải đó. Bộ luật tố tụng Dân sự đã công nhận kết quả hòa giải là cơ sở để thi hành án (như bản án được tuyên). Vấn đề thi hành án cần được nâng cao hiệu quả, giảm bớt việc thuê tổ chức thứ 3 giải quyết.

 

Lo sức khỏe cho dân, Bộ Tài chính muốn tăng thuế đường, nước ngọt

Bộ Tài chính đã bổ sung nước ngọt vào danh sách chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với lý do nước ngọt "chứa đường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người".

 

Bộ Tài chính lên tiếng lý giải vì sao tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế nguồn thu từ tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu sẽ được đưa vào ngân sách dùng cho chi tiêu chung trong đó có chi cho bảo vệ môi trường.

 

Bị Thanh tra Bộ Tài chính truy thu trên 1.900 tỷ đồng, EVN nói gì?

Theo nguồn tin của Dân trí, vừa qua Thanh tra Bộ Tài chính đã thanh tra và có kết luận yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải nộp lại ngân sách khoản tiền khá lớn, lên tới trên 1.900 tỷ đồng. Về việc này, EVN giải thích thế nào?