Thứ hai, 14/10/2019, 15:34 PM
  • Click để copy

Công ty nước sạch sông Đà có che đậy tin nước đầu nguồn bị nhiễm dầu thải?

Theo phản ánh từ người dân, khoảng 50 người đã được Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) thuê vớt dầu trên suối trước thời điểm người dân Hà Nội phát hiện nước sạch có mùi khét. Như vậy, phải chăng Viwasupco đã biết trước nguồn nước bị ô nhiễm nhưng vẫn sử dụng để sản xuất nước sinh hoạt cho người dân?

Có hay không việc Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) biết nước ô nhiễm vẫn sản xuất nước sạch cho dân Hà Nội dùng?Có hay không việc Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) biết nước ô nhiễm vẫn sản xuất nước sạch cho dân Hà Nội dùng?

Biết nước ô nhiễm vẫn sản xuất cho dân ăn?

Liên quan đến vụ việc nước sạch ở Hà Nội có mùi khét xảy ra mấy ngày qua khiến hàng vạn người dân sống trong lo lắng. 

Mặc dù đến thời điểm hiện tại cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận về nguyên nhân dẫn đến việc nước có mùi khét nhưng người dân ở Hòa Bình, nơi gần nhà máy nước sạch sông Đà đã phản ánh về việc có xe tải đổ trộm dầu thải ra suối dẫn vào hồ cung nước cho nhà máy nước sạch sông Đà.

Theo thông tin trên báo Tiền Phong, người dân xóm Vật Lại (xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) cho biết, từ ngày 9/10, Cty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã thuê khoảng 50 người dân vớt dầu loang trên bề mặt nước.

"Dầu này rất lạ, có mùi khét và không thể giặt sạch. Mỗi lần vớt xong là chúng tôi phải bỏ quần áo”, một người dân nói. Cũng theo người dân việc đổ trộm dầu thải diễn ra đêm 8/10. 

Trước thông tin trên, nhiều người dân ở Hà Nội không khỏi bức xúc cho rằng: "Như vậy, phải chăng Viwasupco đã biết trước nguồn nước sử dụng sản xuất nước sạch bị ô nhiễm nhưng họ vẫn làm ngơ sản xuất nước sạch cho cả vạn người dân ở Hà Nội dùng...".

Điều càng làm họ bức xúc hơn là bởi khi những người dân ở Hà Nội phát hiện nước sạch có mùi khét nhưng vẫn không có đơn vị nào đưa ra cảnh báo, trong khi hỏi han thì Công ty Cổ phần VIWACO lẫn Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đều không công bố thông tin rõ ràng là nước đầu nguồn bị nhiễm dầu.

Thậm chí, trong Công văn số 435/2019/TB-VIWASUPCO do Phó Tổng giám đốc Bùi Đăng Khoa ký ngày 11/10 gửi VIWACO cũng không hề đề cập đến thông tin nước đầu nguồn bị nhiễm dầu thải mà chỉ quanh co nói rằng, hiện đang cùng các cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm. Đồng thời cũng không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào đến người dân rằng có nên dùng nước tiếp không hay thế nào?

Đặc biệt, nhiều người dân sống tại Hà Nội còn phản ánh rằng khi phát hiện nước có mùi khét họ đã xuống hỏi ban quản lý tòa nhà thì được khẳng định nước vẫn bình thường, không ảnh hưởng sức khỏe.

"Họ nói qua liên hệ với bên Công ty cấp nước, họ nói đang thực hiện chiến dịch khử loăng quăng, bọ gậy, phòng chống dịch sốt xuất huyết, nên tăng độ diệt khuẩn trong nước, nhưng đảm bảo với dân là trong mức độ cho phép, ko gây hại sức khoẻ, vẫn sử dụng được bình thường, qua vài ngày sẽ đỡ mùi", một cư dân ở khu Hoàng Mai cho biết.

Cảnh dầu luyn bám 2 bên bờ suối. (Ảnh: CTV).
Cảnh dầu luyn bám 2 bên bờ suối. (Ảnh: CTV).

Trong khi đó, trả lời trên báo An Ninh Thủ Đô, đại diện Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông thông tin: Từ tối qua (10/10), đơn vị đã biết về sự việc nước sạch sinh hoạt bán tới các hộ dân bốc mùi lạ.

“Ngay sau khi nắm được thông tin, chúng tôi đã liên hệ với bên cung cấp nước là Công ty CP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) để tìm hiểu thì được thông tin lại, mùi “lạ” ở nước là mùi Clo. Và, có sự việc này là do trong quá trình xử lý nước có thể “quá tay” với liều lượng Clo”, lãnh đạo Công ty Nước sạch Hà Đông nói.

Trong khi đó, tại văn bản số 1561/Viwaco-KD thông tin về nguồn nước mặt sông Đà có mùi cấp cho địa bàn Công ty VIWACO do ông Cao Hải Tháp - Phó giám đốc Công ty CP Viwaco ký lại thể hiện việc chưa tìm ra nguyên nhân việc nước sạch có mùi.

Văn bản cho biết: "Ngay khi nhận thông tin phản ánh từ khách hàng Công ty Viwaco đã thực hiện các biện pháp kiểm tra hiện trường. Thông báo và đề nghị các cơ quan quản lý chuyên môn, các bên liên quan phối hợp giải quyết".

Đến thời điểm hiện tại VIWACO chưa nhận được văn bản trả lời chính thức từ phía công ty Viwasupsco cũng như kết quả xét nghiệm mẫu nước tại vị trí đầu nguồn mạng cấp nước từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội.

Đến lúc phải thừa nhận?

Thông tin trên VOV cho hay:  Sáng 14/10, đại diện Viwasupco đã có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc quản lý vận hành nhà máy từ ngày 9-11/10, trong đó có diễn giải về dây chuyền công nghệ xử lý nước tại nhà máy.

Viwasupco cho biết, vào khoảng 12h ngày 9/10, nhân viên bảo vệ phát hiện ngoài cửa kênh dẫn nước hồ có váng chưa rõ nguyên nhân. Sau đó bảo vệ đã báo lãnh đạo Công ty cho hướng xử lý.

Ngay sau khi nhận được thông tin, nhà máy đã đóng van cấp nước vào nước ở bể chứa trung gian và xúc xả toàn bộ nước qua nhà máy thông qua van xả cặn đoạn từ nhà máy về đến bể chứa trung gian. Do không có nước về bể chứa nên đơn vị phải giảm áp để duy trì cấp nước.

Văn bản của Viwasupco hôm 11/10 không hề đề cập việc nguồn nước sông Đà bị nhiễm dầu.
Văn bản của Viwasupco hôm 11/10 không hề đề cập việc nguồn nước sông Đà bị nhiễm dầu.

Về việc xử lý váng dầu, Viwasupco đã sử dụng phao, gối hút dầu chuyên dụng trên kênh dẫn nước hồ 500 m làm khu vực tách dầu và thu gom, vị trí đặt phao.

Về xử lý công nghệ, Công ty thực hiện chắn bổ sung than hoạt tính vào khu xử lý để tăng cường xử lý, cũng như châm tăng vào nước hóa chất xử lý, trong đó có clo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế là 0,8 mg/l.

Để tìm nguyên nhân xuất hiện váng dầu, đơn vị đã huy động toàn bộ cán bộ công nhân viên nhà máy đi kiểm tra và thông báo với Công an xã, chính quyền địa phương, Công an huyện để điều tra, làm rõ.

Tại cuộc họp sáng 14/10, trước câu hỏi của báo chí về việc xử lý trách nhiệm của nhà máy nước sạch sông Đà khi phát hiện ra dầu loang mà vẫn để dùng nguồn nước này đưa vào nhà máy để sản xuất nước sạch, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: Đã giao cho Cục Môi trường miền Bắc làm việc với sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hòa Bình để làm rõ trách nhiệm.

Cũng theo đại diện Tổng cục Môi trường, nguyên nhân khiến nước sạch từ Viwasupco cung cấp cho nhiều hộ dân tại Hà Nội có mùi lạ là do bị dính dầu.

Theo thông tin ban đầu được cung cấp bởi Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình, một con suối chảy qua xã Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) xuất hiện rất nhiều dầu. Đáng chú ý, con suối này cách kênh dẫn nước của Viwasupco chỉ 800 m.

Đêm mùng 8, rạng sáng 9/10, tại Hòa Bình có mưa lớn, lượng dầu lớn bị đổ trộm xuống khe núi đã tràn xuống con suối nói trên, sau đó chảy ra kênh dẫn nước, nơi đặt nhà máy nước sạch sông Đà.

Hiện tại, toàn bộ số dầu đã được công nhân thu gom. Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cũng đã lấy mẫu nước để đi kiểm tra.

Có thể xử lý hình sự kẻ đổ dầu thải lẫn Công ty nước sạch?

Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Hà Nội) cho hay: Đối với việc để dầu thải làm ô nhiễm hồ Đồng Bài gây hậu quả nghiêm trọng là nguồn nước sạch bị ô nhiễm thì tùy theo mục đích "kẻ đổ trộm" có thể sẽ bị xử lý hình sự.

"Nếu đối tượng là cá nhân mà thực hiện với Lỗi cố ý nhằm mục đích làm ô nhiễm nguồn nước của nhà máy cấp nước sinh hoạt gián tiếp thiệt hại cho người dân thì có thể bị xử lý hình sự với tội danh "Tội gây ô nhiễm môi trường” theo điều 235 bộ luật hình sự 2015.

Nếu là pháp nhân thương mại hoặc tổ chức có thể xử phạt theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của CP quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hoặc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 235, điều 237 của BLHS 2015.

Ngoài ra chủ thể vi phạm này còn bị phạt tiền với mức phạt trên 50 triệu đồng, Bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động Vĩnh viễn và buộc khôi phục khắc phục xử lý ô nhiễm trả lại tình trạng như ban đầu khi chưa bị ô nhiễm".

Đối với Viwasupco, nếu công ty này đã biết nguồn nước bị ô nhiễm chưa khắc phục mà vẫn cố tình cũng cấp nước bẩn không đảm bảo chất lượng cho khách hàng với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nói trên thì hành vi đó của doanh nghiệp cần cá thể hoá trách nhiệm của cá nhân người quản lý có nghĩa vụ đã chỉ đạo vẫn cố tình vận hành cấp nước bẩn.

"Khi cá thể hoá được người có quyền hạn của đơn vị ViWasupco có thể xem xét hành vi vi phạm quy định trong quản lý vận hành được đơn vị giao gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc đồng phạm với "Tội gây ô nhiễm môi trường nguồn nước sinh hoạt" theo điều 235 BLHS 2015.

Trường hợp này doanh nghiệp ViWAsupco bị xử phạt vi phạm hành chính còn phải chịu nghĩa vụ bồi thường theo hợp đồng cung cấp đã ký và theo quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành.

Buộc Viwasupco khắc phục khẩn cấp những sự cố này ngay lập tức đảm bảo ổn định sinh hoạt đời sống hàng triệu hộ gia đình nhân dân bị ảnh hưởng