'Cục máu đông' nợ xấu đã an toàn?

Thứ tư, 16/10/2019, 06:57 AM

Một thông tin rất lạc quan về tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, theo đó mỗi tháng các tổ chức tín dụng xử lý gần 10.000 tỉ đồng nợ xấu.

cuc-mau-dong-no-xau-da-an-toan
'Cục máu đông' nợ xấu đã được xử lý dứt điểm?

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 Ngân hàng Nhà nước  cho biết: Lũy kế từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến 31/8/2019, toàn hệ thống đã xử lý được 236.800 tỉ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.

Tính trung bình mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9.600 tỉ đồng/tháng, cao hơn 4.700 tỉ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (theo Thông tư số 2) của hệ thống tiếp tục được duy trì dưới mức 2% (đến 31.8.2019 là 1,98%).

Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động tiền tệ, ngân hàng, các cơ chế chính sách hỗ trợ cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, quy định về quản trị, điều hành, quản lý rủi ro của các tổ chức tín dụng...; theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện phương án đã được phê duyệt để chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh việc bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các bộ ngành có liên quan để tham mưu xử lý về vấn đề tăng vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước và cổ phần hóa Agribank.

Đồng thời tập trung xử lý phương án cơ cấu lại một số ngân hàng mua bắt buộc trên cơ sở bảo đảm tuân thủ đúng quy định và tiếp tục xử lý các tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém; phối hợp với các bộ ngành chủ quản trong việc xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng là công ty con của tập đoàn trực thuộc...

Đại diện tổ chức tín dụng, ông Phạm Quang Dũng, Thành viên HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) cho rằng, nghị quyết 42 này đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho TCTD đẩy nhanh xử lý nợ xấu thực chất và bền vững. Tuy nhiên, ông Dũng chỉ ra thực trạng, Nghị quyết 42 quy định ưu tiên thanh toán nghĩa vụ nợ được bảo đảm của TCTD khi xử lý tài sản đảm bảo nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nội dung này.

Nhiều trường hợp cơ quan thuế địa phương yêu cầu thanh toán tiền thuế nợ đọng của doanh nghiệp mới thực hiện thủ tục tiếp theo. Điều này gây khó khăn trong chuyển quyền cho người mua tài sản đảm bảo và làm giảm giá trị thu được từ xử lýnợ xấu.

“VCB kiến nghị Bộ Công an và UBND các tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan công an các cấp và chính quyền địa phương hỗ trợ đảm bảo an ninh, trật tự (trong trường hợp cần thiết) khi thu giữ tài sản đảm bảo khi xử lý nợ xấu”, ông Dũng cho biết.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận, Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an), việc thu giữ tài sản đảm bảo hiện nay chỉ hiệu quả với các tài sản là bất động sản. Với tài sản là nhà ở duy nhất của hộ gia đình, nhà ở nông thôn; vườn tiêu, vườn cà phê rất khó thu giữ vì chạm quyền lợi của con người. Thậm chí, nhiều tài sản thu giữ xong không bán được. Tài sản đảm bảo như vườn cây công nghiệp sau khi thu giữ mất nhiều thời gian trông giữ, thu hái.