Cục thuế TP HCM: Asanzo trốn thuế hơn 40 tỷ đồng, đang chuyển điều tra xử lý hình sự

Thứ tư, 23/10/2019, 16:50 PM

Cục thuế TPHCM vừa có quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trốn thuế đối với Công ty Cổ phần tập đoàn Asanzo (MST: 0314074316) cho Công an TP HCM và Bộ Công an.

chu-tich-vcci-noi-gi-ve-ket-luan-asanzo-khong-gian-lan-xuat-xu-hang-hoa
Cục thuế TPHCM vừa có quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trốn thuế đối với Công ty Cổ phần tập đoàn Asanzo (MST: 0314074316) cho Công an TP HCM và Bộ Công an.

Thông tin được Báo Sài Gòn giải phóng đăng tải cho biết, theo kết luận Thanh tra thuế số 650/KLTT-CT ký ngày 15/10 và các hồ sơ liên quan thể hiện Asanzo thành lập 19 công ty liên kết do gia đình và nhân viên công ty đứng tên (nay đã bỏ địa chỉ kinh doanh - Công ty "ma") để các công ty này nhập hàng về bán lại cho Asanzo.

Cụ thể, Asanzo mua linh kiện điện lạnh từ các Công ty Trần Thoàn, Công ty Việt Tài, Công ty An Thiên về thuê gia công lại một phần rồi lắp ráp thành phẩm, dán tem Asanzo và bán cho doanh nghiệp cũng thuộc tập đoàn Asanzo. Asanzo mua "linh kiện" nhưng lại ghi nội dung hóa đơn là "mặt hàng thành phẩm" để không khai thuế tiêu thụ đặc biệt; sau đó bán hàng thành phẩm không xuất hóa đơn…

Do vậy, Cục thuế TPHCM đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Asanzo với các hành vi vi phạm về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, về giao dịch liên kết, về bán hàng không xuất hóa đơn, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (hóa đơn nội dung không có thực), mua linh kiện rồi thuê gia công lắp ráp nhưng không kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt… Tổng số tiền phạt, truy thu, chậm nộp của Asanzo là 68 tỷ đồng.

Asanzo bị xử phạt với tình tiết tăng nặng là sau khi vi phạm có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm nên mức phạt chính là 26,3 tỷ đồng (gồm phạt về hành vi khai sai là 4,9 tỷ đồng, phạt 1,5 lần về hành vi không xuất hóa đơn là 6,3 tỷ đồng, phạt 1,5 lần thuế tiêu thụ đặc biệt là 14,6 tỷ đồng); truy thu thuế với số tiền 40,5 tỷ đồng và số tiền chậm nộp thuế 1,6 tỷ.

cuc-thue-tp-hcm-tron-thue-hon-40-ty-dong-chuyen-dieu-tra-xu-ly-hinh-su
Quyết định của Cục thuế TP HCM. Ảnh SGGP

Tuy nhiên, cơ quan thuế cho biết, do vi phạm có dấu hiệu hình sự nên sau khi chuyển hồ sơ cho công an khởi tố vụ án hình sự thì cơ quan thuế sẽ rút lại phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 26,3 tỷ đồng, để đảm bảo một hành vi vi phạm không bị xử phạt 2 lần (vừa hành chính, vừa hình sự).

Mới đây, tại buổi họp báo thường kỳ quý 3/2019 của Bộ KH-CN (chiều 9/10), liên quan đến vấn đề giả mạo nhãn mác hàng hóa, như vụ việc của Asanzo, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH-CN) cho biết đây là một vụ việc hết sức phức tạp, có rất nhiều yếu tố liên quan chứ không chỉ riêng về việc ghi nhãn “Made in Vietnam”.

Ông Linh cũng cho biết có những tình tiết đang được xem xét cụ thể. Về nhãn cũng như vậy, có một số điểm đang xem xét nhưng vi phạm ở mức độ nào và ai chịu trách nhiệm thì hiện nay đang xem xét cụ thể. Liên quan đến hoạt động này, Bộ KH-CN đã thông tin cho Ban Chỉ đạo 389 để thực hiện đúng theo quy định.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy thông tin thêm, liên quan đến quá trình điều tra, chỉ Ban Chỉ đạo 389 mới được phép công bố thông tin. Theo Thứ trưởng Duy, Chính phủ phân công các khâu tương đối rõ, trong đó Bộ KH-CN làm các bước về các quy định pháp luật liên quan đến việc phải ghi nhãn như thế nào. Khi được trưng cầu thì Bộ KH-CN sẽ nghiên cứu và trả lời những trường hợp ghi nhãn đó là đúng hay sai.

vu-asanzo-tong-cuc-hai-quan-noi-chua-co-ket-luan-cuoi-cung
Asanzo tổ chức họp báo hôm 17/9.

Trả lời tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra vào chiều tối ngày 2/10, liên quan đến việc điều tra, xác minh tại CTCP Tập đoàn Asanzo, chánh Văn phòng Bộ Công an, ông Tô Ân Xô cho biết, Asanzo là vụ án phức tạp, liên quan đến Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường và công nghệ… để xác định có tội hay không có tội.

“Bộ Công an đã chỉ đạo điều tra phối hợp với các bộ, ban, ngành xác minh làm rõ sai phạm của Tập đoàn Asanzo”, ông Xô nói.

Trước đó, giữa tháng 6/2019, theo điều tra của báo Tuổi trẻ TP.HCM, CTCP Tập đoàn Asanzo đã nhập thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa... về bóc tem "made in China" và dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường.

Sau đó, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh việc Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam. Kết luận này cần báo cáo Thủ tướng trước 30/7, nhưng sau đó đã được lùi lại.

Ngày 30/8, Asanzo tuyên bố tạm đóng cửa nhà máy do tổn thất quá lớn trong thời gian chờ kết luận thanh tra nghi án "bán hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam".

Ngày 17/9, Asanzo đã tổ chức họp báo công bố mở cửa hoạt động trở lại bình thường, lên kế hoạch mở thêm nhà máy thứ 5 tại khu công nghiệp cao quận 9, TP.HCM với công suất bằng 4 lần một nhà máy trước đó.

Asanzo cũng đưa bằng chứng chứng minh việc hợp tác với Sharp Roxy - một công ty con tại HongKong của Tập đoàn Sharp (Nhật Bản).

Tuy nhiên, sau đó 2 ngày, đại diện Sharp Việt Nam lại cho biết, ngày 25/9/2016 Tập đoàn Sharp kết thúc việc liên doanh cùng Công ty Điện tử Roxy và Sharp - Roxy (Hong Kong) – SRH trở thành công ty con 100% vốn sở hữu tại Tập đoàn Sharp.