Cuộc ‘di dân lịch sử’ ở Thừa Thiên Huế: Xin ý kiến Trung ương tháo gỡ chính sách đang vướng mắc

Thứ tư, 03/06/2020, 06:24 AM

Các trường hợp giải phóng không nằm trong khung chính sách đang còn vướng mắc, vượt thẩm quyền của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan tham mưu cơ chế để tỉnh xin ý kiến Trung ương để sớm trả lời dân.

Người dân tháo nhà để trả lại mặt bằng cho chính quyền. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Người dân tháo nhà để trả lại mặt bằng cho chính quyền. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Đã bàn giao 9,8ha đất nông nghiệp trên đất di tích

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có cuộc họp với UBND TP Huế cùng các sở ngành về công tác giải phóng mặt bằng, di dời dân cư khu vực Kinh thành Huế vào ngày 2/6.

Báo cáo về tiến độ triển khai dự án di dời dân cư khu vực Kinh thành Huế, ông Hoàng Hải Minh, Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, hiện nay Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đã bàn giao 9,8ha đất nông nghiệp trên đất di tích để Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý và tổ chức rà phá vật liệu nổ, san gạt mặt bằng.

Ngay sau khi bàn giao đất, UBND TP Huế đã cấp 339 giấy phép xây dựng và nộp 334 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng loạt. Công tác xây dựng nhà ở theo mẫu cho các hộ nghèo đang được đẩy nhanh tiến độ dự kiến hoàn thành trước ngày 30/6.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao sự nỗ lực, tích cực của UBND TP Huế cũng như các sở ngành liên quan trong việc bám sát tiết độ thực hiện dự án.

Cùng với việc đảm bảo tiến độ di dời, giải phóng mặt bằng khu vực Thượng thành, ông Thọ đề nghị UBND TP Huế thực hiện song song công tác thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư các khu vực Eo Bầu; Hộ Thành Hào, Tuyến Phòng Lộ; Nam Kinh Thành; khu vực di tích Trấn Bình Đài (Mang cá con); để sau khi hoàn thành việc di dời đợt 1 (khu vực Thượng thành) sẽ tiến hành ngay di dời đợt 2 (khu vực Eo Bầu), các khu vực còn lại trong thời gian tiếp theo. 

Đây là dự án trọng điểm, dự án lịch sử của tỉnh, mặc dù đang gặp khó khăn về nguồn lực, ràng buộc về cơ chế nhưng "khó đến đâu cũng phải quyết tâm làm bằng được". Tỉnh sẽ tranh thủ nguồn vốn, cơ chế hỗ trợ của Trung ương cũng như các nguồn lực xã hội khác, tập trung các nguồn lực cho dự án. Mong muốn của tỉnh là nhận được sự đồng thuận cao từ người dân để công tác giải phóng mặt bằng được triển khai đúng tiến độ, người dân sớm về nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn, sung túc hơn, di tích Huế được trả lại mặt bằng sạch.

Ông Thọ yêu cầu UBND TP Huế phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế, Lữ đoàn Công binh 414 đẩy nhanh tiến độ rà phá bom mìn khu vực Kinh thành Huế, có sơ đồ cụ thể để việc rà phá không bị bỏ sót, đảm bảo khi giao đất phải là đất sạch không có chất liệu nổ.

Người dân xây nhà mới trên khu tái định cư. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Người dân xây nhà mới trên khu tái định cư. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Công tác giải phóng mặt bằng khu vực Thượng thành phải được hoàn thành dứt điểm sớm để đến ngày 20/6, tỉnh sẽ tổ chức Ngày Chủ nhật xanh, huy động nhiều lực lượng ra quân tổng vể sinh, xử lý môi trường khu vực Kinh thành Huế.

Xin ý kiến Trung ương tháo gỡ chính sách đang vướng mắc 

Theo UBND TP Huế, hiện tại ở khu vực Thượng thành đã bàn giao mặt bằng 211 hộ, còn lại 78 hộ. Các hộ chưa bàn giao do chưa thuê được nhà ở tạm cư, mới nhận đất tái định cư bổ sung, đang đề nghị bổ sung tái định cư...; trong đó có 6 hộ đang vướng mắc về chính sách liên quan đến nguồn gốc đất thừa kế, sử dụng vào mục đích thờ tự ông bà, cha mẹ và các trường hợp hộ phụ có sinh sống nhưng không có hộ khẩu tại thửa đất thu hồi.

Ông Thọ đề nghị UBND TP Huế rà soát lại thật kỹ, phối hợp với các sở ngành tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ di dời. Trong quá trình giải phóng mặt bằng phải đảm bảo quyền lợi chính đáng cho dân, tuy nhiên không để lợi dụng chính sách để trục lợi.

Ông Thọ dẫn người dân đi xem nơi ở mới. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Ông Thọ dẫn người dân đi xem nơi ở mới. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Liên quan đến các trường hợp giải phóng không nằm trong khung chính sách đang còn vướng mắc, vượt thẩm quyền của tỉnh, yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động tham mưu cơ chế để tỉnh xin ý kiến của Bộ Tài nguyên & Môi trường, Thủ tướng Chính phủ để sớm trả lời cho dân.

"Làm sao phải thấu đáo, hết trách nhiệm với dân, đảm bảo quyền lợi cho người dân nhưng phải đảm bảo pháp luật, nếu các hộ nào không chấp hành theo pháp luật thì sẽ cưỡng chế để đảm bảo tiến độ của dự án. Di dời dân cư khu vực Thượng thành phải đảm bảo tiến độ, thực hiện tốt việc đi và đến của người dân, tạo sự đồng thuận cao trong dân, xem đây là đợt di dân kiểu mẫu cho các đợt tiếp theo”, ông Thọ cho hay.

Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng ở khu vực 1 di tích Kinh thành Huế nhằm đưa hơn 4.200 hộ dân ra khỏi Kinh thành Huế với tổng mức đầu tư 4.097 tỉ đồng.

Mục tiêu của đề án nhằm đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị di sản và ổn định cuộc sống cho hơn 1,5 vạn dân đang sinh sống tại khu vực I các di tích Kinh thành Huế.

Đồng thời, tăng cường, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, bảo tồn kho tài nguyên văn hóa đồ sộ, đặc sắc tiêu biểu của văn hóa dân tộc Việt Nam. Qua đó, tạo ra những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.