Cuộc gặp tại thời điểm ‘nhạy cảm’ của lãnh đạo Hong Kong và ông Tập Cận Bình

Thứ tư, 11/12/2019, 08:42 AM

Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga dự kiến sẽ tới Bắc Kinh ngày 14/12, gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng nhiều quan chức cấp cao khác ngày 16/12 và quay trở lại Hong Kong vào ngày sau đó, South China Morning Post dẫn các nguồn tin cho hay.

Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 12/2018.
Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 12/2018.

Khi Trưởng đặc khu Hong Kong chuẩn bị tới Bắc Kinh vào cuối tuần này để thực hiện chuyến thăm nghĩa vụ hàng năm lần thứ ba của bà, mọi ánh mắt đang đổ dồn vào những gì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ nói về tình trạng bất ổn đang diễn ra của thành phố.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, mọi người sẽ chỉ thấy được những lời chào, thông điệp, ngôn ngữ cơ thể mang tính xã giao, những chỉ dẫn chính sẽ được đưa ra trong cuộc họp kín.

Họ tin rằng các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Phó Thủ tướng Hàn Chính, có thể tận dụng cơ hội này để chỉ dẫn cho bà Lâm cách giải quyết các vấn đề từ bảo vệ an ninh, xây dựng lại quan hệ với phe thân Bắc Kinh, áp đặt các biện pháp trừng phạt với các tổ chức của Mỹ.

Cuộc gặp dự kiến giữa bà Lâm với ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường ngày 16/12 diễn ra trong bối cảnh phe thân Bắc Kinh thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử hội đồng quận, với phe dân chủ giành được 392 trên tổng số 452 ghế, nắm quyền kiểm soát 17 trong số 18 hội đồng quận.

Lau Siu-kai, phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Hong Kong và Macau, cho biết mặc dù cả ông Tập Cận Bình và ông Hàn Chính đã gặp bà Lâm vào ngày 4 và 6/11, nhưng chuyến thăm thường niên của bà Lâm tới Bắc Kinh lần này không chỉ là cuộc gặp gỡ của bà với các chính trị gia hàng đầu của Trung Quốc.

cuoc-gap-tai-thoi-diem-nhay-cam-cua-lanh-dao-hong-kong-voi-ong-tap-can-binh
Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga.

“Đây là dịp thường niên khi Trưởng đặc khu Hong Kong nộp báo cáo của mình cho các nhà lãnh đạo, và sau đó họ sẽ đánh giá công việc trước đó của bà ấy cũng như thể hiện kỳ vọng trong năm sắp tới”, ông nói.

Sau cuộc họp toàn thể kéo dài 4 ngày vào tháng 10/2019, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ban hành một thông cáo dành sự quan tâm đáng kể cho Hong Kong. Họ nói rằng Bắc Kinh sẽ tăng cường giám sát các vấn đề của thành phố, và thiết lập một hệ thống pháp lý, cơ chế thực thi hợp lý để bảo vệ an ninh quốc gia, tại Hong Kong và Macau.

Ông Lau tin rằng ông Tập và ông Lý sẽ cho Lâm biết kế hoạch của chính quyền trung ương là gì, đặc biệt là về an ninh quốc gia, và những gì họ mong đợi bà sẽ làm. Họ cũng có khả năng thúc giục bà Lâm làm nhiều hơn để ngăn chặn bạo lực và chấm dứt sự hỗn loạn ở Hong Kong.

Gặp bà Lâm tại Thượng Hải ngày 4/11, ông Tập cho biết ông tin tưởng bà Lâm, dập tắt những đồn đoán rằng bà có thể bị thay thế.

Hai ngày sau, trong một cuộc họp với bà Lâm, ông Hàn Chính – người chịu trách nhiệm hàng đầu trong giám sát các vấn đề Hong Kong, cũng công nhận nỗ lực của bà Lâm. Nhưng ông cũng nói rõ rằng việc chấm dứt tình trạng hỗn loạn là trách nhiệm của toàn bộ chính quyền - cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp.

Ông Song Sio-chong, giáo sư của Trung tâm Luật cơ bản của Hong Kong và Macau tại Đại học Thâm Quyến, cho biết với việc tình trạng bạo lực hiện nay, dường như bà Lâm có rất ít để báo cáo với ông Tập.

Khi Chủ tịch Trung Quốc gặp bà hồi tháng trước, hướng dẫn đã rõ ràng. Bà ấy cần phải ngăn chặn bạo lực. Tuy nhiên, những gì bà Lâm làm được cho đến nay rất hạn chế và không hiệu quả.

Bruce Lui Ping-kuen, một người theo dõi Trung Quốc và giảng viên cao cấp về báo chí tại Đại học Baptist, cảnh báo rằng các chính trị gia Bắc Kinh ngày càng bất bình đối với bà Lâm. Các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh có thể thảo luận với bà Lâm về kế hoạch thay thế bà.

“Bắc Kinh có thể xem xét liệu bà Lâm có phải là một yếu tố tiêu cực, làm suy yếu cơ hội của phe thân Bắc Kinh tại các cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp vào tháng 9/2020 hay không”, ông Lui nói.

Tuy nhiên, ông cho rằng ông TậpCận Bình sẽ không công khai khiển trách người mà ông đã chọn để lãnh đạo Hong Kong.

Trong khi đó, ông Lau cho rắng khó có khả năng bà Lâm bị khiển trách hoặc thay thế trong tình hình các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh có quá nhiều việc cần giải quyết như hiện nay.

“Khi có những xáo trộn ở Hong Kong, Trung Quốc và Mỹ đang chiến tranh thương mại và an ninh quốc gia của Trung Quốc đang bị thách thức nghiêm trọng, không có nhà lãnh đạo Trung Quốc nào muốn tạo ra thêm yếu tố bất ổn”, ông nói.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/cuoc-gap-tai-thoi-diem-nhay-cam-cua-lanh-dao-hong-kong-va-ong-tap-can-binh-144996.html