Cuối năm đường sắt Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác?

Thứ sáu, 10/07/2020, 13:43 PM

Thông tin này được ông Đường Hồng, giám đốc Tổng thầu Trung Quốc dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chia sẻ với báo giới.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông có chiều dài hơn 13 km, ngốn trên 891 triệu USD, từ ngày khởi công đến nay gần 10 năm vẫn chưa thể vận hành.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông có chiều dài hơn 13 km, ngốn trên 891 triệu USD, từ ngày khởi công đến nay gần 10 năm vẫn chưa thể vận hành.

Cụ thể, trao đổi với Vietnamnet, đại diện Tổng thầu Trung Quốc cho biết, hiện nay tổng thầu đang phối hợp với BQL dự án đường sắt (Chủ đầu tư) nghiệm thu các hạng mục công trình dự án. Theo yêu cầu của chủ đầu tư công tác nghiệm thu phải hoàn thành trong tháng 7 này.

31 nhân sự người Trung Quốc sang Việt Nam đã hết thời gian cách ly tiếp tục bám sát công việc. Trong số này có 12 người đang phối hợp với Chủ đầu tư tiến hành các thủ tục nghiệm thu, số còn lại tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống thiết bị trên toàn tuyến.

Đại diện Tổng thầu thông tin thêm, sau khi hoàn thành hồ sơ thanh toán, làm thủ tục quyết toán dự án sẽ đưa vào chạy thử 20 ngày. Sau đó, Chủ đầu tư sẽ mời Hội đồng Nghiệm thu nhà nước vào nghiệm thu công trình và bàn giao cho Metro Hà Nội.

Tuy nhiên, khi được hỏi về mốc thời gian chạy thử tàu 20 ngày, ông Đường Hồng cho hay, mốc thời gian chạy tàu thử phải đợi chủ đầu tư thanh toán cho tổng thầu.

Ông Đường Hồng cũng xác nhận thông tin, tổng thầu muốn được thanh toán 50 triệu USD và nói như vậy là hoàn toàn chính xác.

Liên quan đến ý kiến, đường sắt Cát Linh – Hà Đông có vận hành được hay không phụ thuộc vào đơn vị tư vấn đánh giá an toàn dự án (Tư vấn ACT- Pháp), ông Đường Hồng cho biết, theo quy định của Việt Nam các dự án đều phải thông qua đánh giá an toàn hệ thống nên Tổng thầu hoàn toàn tuân thủ quy định của Việt Nam.

Thông qua BQL dự án đường sắt, Tổng thầu và tư vấn trao đổi, đánh giá chi tiết các vấn đề liên quan đến các hạng mục của dự án. Trong đó có cái đánh giá theo hồ sơ, có cái theo hiện trường theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Đại diện Tổng thầu cho rằng, việc tư vấn ACT vào thời kỳ giữa của dự án nên hồ sơ thời gian trước tư vấn yêu cầu tổng thầu không thể cung cấp đúng.

Trước đó, tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, còn TP Hà Nội chỉ là đơn vị thụ hưởng. Tức là sau khi Bộ GTVT xây dựng, nghiệm thu và bàn giao, TP Hà Nội mới tiếp nhận vận hành thương mại.

Theo ông Chung, đến nay Hà Nội đã hoàn tất các công việc được giao và đã sẵn sàng tiếp nhận, vận hành tuyến đường sắt. “Tuy nhiên, TP Hà Nội chỉ tiếp nhận khi công trình đã được nghiệm thu và bàn giao an toàn” - ông Chung nói.

Sau kỳ họp thứ 7, cử tri Hà Nội đề nghị xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan đối với các dự án chậm tiến độ, đội vốn của dự án nêu trên.

Trả lời câu hỏi này, văn bản của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, thay mặt Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, cho hay dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA Chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, quá trình triển khai thực hiện dự án chậm, tăng tổng mức đầu tư do nhiều nguyên nhân bao gồm cả chủ quan và khách quan.

Về chủ quan, ông Đông trình bày 6 nguyên nhân, gồm: thiết kế cơ sở ban đầu còn sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng, nên phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật; chờ nhà tài trợ phê duyệt hợp đồng, cấp hiệu lực cho Hiệp định vay vốn bổ sung kéo dài; Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) là cơ quan quản lý, cung cấp nguồn vốn vay không thiết lập đại diện tại Việt Nam, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành cấp vốn thực hiện dự án.

Thứ 4, theo ông Đông, Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) chưa có kinh nghiệm trong triển khai thực hiện dự án tổng thể theo hình thức hợp đồng EPC, đồng thời chưa thực hiện theo đúng cam kết về tiến độ.

Bên cạnh đó, cách thức triển khai thực hiện dự án ở mối nước có sự khác biệt, đặc biệt là cách thức lập hồ sơ thiết kế, hồ sơ nghiệm thu thanh toán; trong khi đây là lần đầu tiên Tổng thầu Trung Quốc thực hiện dự án tại Việt Nam, dẫn đến công tác quản lý điều hành còn nhiều lúng túng.

Cuối cùng, ông Đông giải thích, công tác giải ngân của Hiệp định vay bổ sung gặp nhiều vướng mắc do các bên chưa thông nhất được ý kiến pháp lý.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông lúc đầu số tiền đầu tư 552 triệu USD, sau đó tăng lên 891,92 triệu USD. Chậm tiến độ 10 năm và hiện đang phải trả lãi mỗi năm 650 tỉ đồng mà chưa biết khi nào đưa vào vận hành thương mại đang là câu chuyện thời sự hiện nay.

Bài liên quan