Cựu danh thủ Thể Công treo giày và bước ngoặt thay đổi số phận cả đời người

Thứ bảy, 25/01/2020, 19:00 PM

"Bóng đá gắn bó với tôi như một định mệnh. Lúc bắt đầu không hề nhận được sự ủng hộ của gia đình, nhưng cuối cùng bóng đá lại gắn bó với tôi suốt cả cuộc đời".

 

 

Cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải.

Treo giày sau 16 năm thi đấu

"Sau 16 năm thi đấu cho Thể Công, tôi chính thức treo giày vào năm 1981. Ngày ấy tôi mới ngoài 30 tuổi, bản thân cảm thấy thể lực mình vẫn tốt, vẫn đá được tiếp. Nhưng ở Thể Công người ta quy hoạch chọn tôi đi học để chuyển sang làm HLV.

Thế rồi, tôi đi học 3 năm, đến năm 1984 thì trở về. Kế hoạch sau khi ra trường vốn đã được hoạch định sẵn rồi. Tôi sẽ đảm nhận công tác huấn luyện thế hệ Thể Công lứa 1984 của Đức Thắng, Hồng Sơn…

Nhưng khi chuẩn bị nhận quân thì một hôm Thiếu tướng Ngô Hùng, Cục trưởng Cục Quân huấn cho gọi tôi, ông bảo: "Tướng Lư Giang, Tư lệnh Quân khu Thủ Đô muốn Thể Công cử một HLV sang huấn luyện đội chuẩn bị mùa giải 1985 và xin đích danh đồng chí. Đề nghị đồng chí nhận nhiệm vụ mới, về làm HLV trưởng Đội Quân khu Thủ Đô!", ông Vũ Mạnh Hải kể.

 

 

Các cựu danh thủ Ba Đẻn, Vũ Mạnh Hải vẫn dẻo dai khi về nghỉ hưu.

Ông Hải cũng không biết làm gì hơn bởi đã có lệnh trước khi đi lãnh đạo cũng bảo thêm: ''Thể Công và Quân khu Thủ Đô cùng ở Hà Nội mà, tôi muốn về lúc nào mà chả được".

Theo ông Vũ Mạnh Hải, hồi ấy cũng…ngây thơ, chẳng biết gì về công tác tổ chức và cũng chẳng nghĩ gì xa xôi quá đâu. Nếu đá bóng thì phải đá tử tế, còn không thì cũng vui vẻ xin xung phong ra chiến trường. Tinh thần đó thấm nhuần từ ngày xưa rồi.

Sự nghiệp huấn luyện ngắn ngủi

"Tôi sang huấn luyện đội Quân khu Thủ đô trong 3 năm. Đội đang trong quá trình trẻ hóa, chế độ cũng không được như Thể Công, chưa kể lại có một vài vấn đề nhức nhối nên thành ra gặp rất nhiều khó khăn.

Mỗi đội bóng quân đội khi đó đều được Bộ cấp cho một khoản kinh phí hoạt động, ngoài ra Quân khu có thể cũng cho thêm một chút. Nhìn chung tính ra ngân sách như vậy đủ để đảm bảo cho đội bóng tập luyện, ăn ở, sinh hoạt.

Thế nhưng lại có sự cắt xén. Một đội bóng 20 người, đáng ra mỗi người được 1 quả bóng nhưng lại bị cắt chỉ còn 10 quả cho cả đội; giày bata lẽ ra mỗi tháng đều phải được cấp mới thì cầu thủ 3 tháng mới được một đôi. Ngày đó không hiểu, tôi cứ phản ứng, vì như giày bata thì chỉ tập 1 tháng thôi là đã bị rách rồi", ông nói.

Nhưng ông Hải nghĩ, do đội bóng cũng nghèo nên mình cứ cố gắng vậy. "Những đội như Quân khu Thủ Đô vất vả lắm, đi đến đâu cũng lại vào các tỉnh đội ăn nhờ, khó so được với Thể Công. Đơn giản như Thể Công đi xa có thể liên hệ máy bay quân sự, hay ô tô cũng tốt hơn, có máy lạnh. Về huấn luyện ở đó 3 mùa, tôi cũng chỉ có thể giúp đội bóng cố gắng trụ hạng chứ không thể lên cao hơn được".

"Đến năm 1987, cũng do hoàn cảnh đất nước khi đó, Bộ Quốc phòng quyết định giải thể các đội bóng Quân khu, chỉ giữ lại duy nhất Thể Công làm đại diện cho khối quân đội. Người ta gọi tôi lên bảo bây giờ có hai lựa chọn: một là học cấp tốc tiếng Đức để đi xuất khẩu lao động, còn nếu đồng chí không đi, Quân khu sẽ giải quyết cho "về hưu một cục".

Tôi nghĩ ngay trong bụng "Thôi kiểu này thì chết rồi". Thử sang Cục Quân huấn xin về lại Thể Công thì các ông ấy lại bảo hết biên chế rồi, muốn ở được Thể Công thì phải thật xuất sắc, chứ bình thường thì giờ nhiều lắm.

Lúc đó tôi cũng đi tìm nhưng lãnh đạo cũng tránh mặt, chẳng cho tôi gặp. Lúc đấy đúng chẳng biết làm thế nào cả...", ông Vũ Mạnh Hải nói thêm.

Bước ngoặt cuộc đời

Sau khi đội bóng bị giải thể, ông Hải không về được Thể Công và đứng giữa 2 lựa chọn xuất khẩu lao động sang CHDC Đức hoặc về hưu ở tuổi 38.

 

 

Ông Hải hiện tại vẫn luôn là khách mời của các chương trình bình luận bóng đá trên truyền hình.

"Ngày ấy vợ tôi ốm liên tục, hai cậu con trai lại còn bé, tôi chỉ sợ con mình không được kèm cặp cẩn thận sẽ sinh hư nên cũng quyết định không đi xuất khẩu lao động. Nghĩ bụng thôi thì về hưu vậy, rồi xem có đội bóng nào gần gần muốn mình về huấn luyện sẽ lại tiếp tục làm nghề.

Thế rồi tôi nhận được lời mời từ Giám đốc Sở của tỉnh Sông Bé bảo về dẫn đội. Người ta còn bảo tôi cứ cho cả gia đình vào đó, vợ tôi đang làm công an thì cũng xin cho chuyển công tác về cùng luôn. Nhưng thực tình lúc đó cũng chưa biết cuộc sống ở miền Nam thế nào cả nên tôi ngại và không đi", ông nhớ lại.

Vũ Mạnh Hải cứ lang thang ở nhà, cũng chưa làm thủ tục gì cả và gặp được một người đã giúp ông tạo ra bước ngoặt lớn cho cuộc đời.

"Sau khi biết hoàn cảnh dở khóc dở cười của tôi khi 38 tuổi đã chuẩn bị về hưu, tôi được gợi ý bảo ra gặp anh Nguyễn Thế Hào - Tổng Biên tập báo Thể thao Việt Nam để xin thử việc làm phóng viên xem sao. Nguyên nhân cũng bởi tờ Thể thao Việt Nam khi đó có một số cây bút chuyên ngành nhưng bóng đá lại "chưa có ai viết được sâu, đọc không sướng."

Lúc đầu tôi cũng băn khoăn, nhưng sau được động viên bảo "mày trình độ đại học, lại là cầu thủ rồi HLV, biết đấu pháp, phân tích chiến thuật các thứ, có gì mà không viết được".

Nghe động viên thế, dù không tự tin lắm nhưng vì cũng chẳng còn con đường nào khác nên sáng hôm sau, tôi đánh liều ra Tòa soạn của báo ở Trịnh Hoài Đức, ngay cạnh sân Hàng Đẫy xin gặp Tổng biên tập", ông Hải kể lại.

Sau khi trình bày với Tổng biên tập, ông Hải được nhận để thử việc. Lúc ấy có giải bóng đá Giải phóng Thủ đô chuẩn bị khởi tranh nên ông được giao bình luận và viết tường thuật.

"Tôi vừa xem vừa ghi chép, xong trận thì viết. Tất nhiên đây là bài báo không được đăng vì tôi còn nhớ, mình chỉ viết được chừng 2 trang giấy cả tường thuật xen lẫn bình luận mà mất cả đêm vì sửa đi sửa lại nát hết cả mấy tờ giấy mới xong, trong khi đó tối hôm ấy bài bình luận về trận đấu chiều đã lên trang rồi.

Sáng hôm sau, tôi hồi hộp mang sản phẩm đầu tay tới Tòa soạn. Tôi đã thấy các anh Trần Can, Nguyễn Hùng (Phó TBT), Trưởng ban Thư kí tòa soạn Lê Ngọc Phúc đợi và uống nước trò chuyện với tôi.

Các anh nhận bài xem, rồi ai cũng cười. Anh Hào bảo: "Chữ đẹp và rõ, câu cú gọn gàng và có chất bóng đá đấy nhỉ. Mình sẽ cùng anh em trong Ban Biên tập hội ý thêm, có gì sẽ điện thoại cho Hải nhé". Tôi rời khỏi Tòa soạn với sự lo lắng nhưng Tổng biên tập vẫn động viên, bảo cứ yên tâm về, đừng lo.

Thế rồi chỉ mấy ngày sau, tôi nhận được tin từ Tòa soạn báo tin tôi được nhận. Mọi người đánh giá rất cao bài viết của tôi, với những góc nhìn đánh giá rất hay mà trước đó chưa hề có. Đó là điều tất cả thích thú nhất và quyết định đặt niềm tin vào tôi".

Cũng kể từ đây, cả phần đời còn lại của ông Vũ Mạnh Hải bước sang một trang mới...

(Còn tiếp)