Nhiều ý kiến trái chiều quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030

Thứ bảy, 09/11/2019, 12:37 PM

Vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo phản biện điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

da-nang-lay-y-kien-quy-hoach-chung-da-nang-den-nam-2030
Toàn cảnh TP Đà Nẵng.

Vừa qua tại Hội thảo phản biện “Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045".

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết: Thực hiện Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 1/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND TP. Đà Nẵng đã phối hợp Liên danh Công ty Sakae Corporate Advisory và Công ty tư vấn Surbana Jurong tiến hành lập Đồ án từ tháng 3/2019 đến nay.

Qua 8 tháng thực hiện, trải qua 3 giai đoạn: Thu thập số liệu, đánh giá quy hoạch được duyệt, phân tích hiện trạng phát triển, định vị kinh tế-xã hội và đề xuất ý tưởng với nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Đại diện Công ty Subana Jurong (Singapore) – đơn vị tư vấn lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã trình bày đề xuất quy hoạch chung về TP. Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn 2045.

Theo đó, tầm nhìn chung Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố sông nước bền vững với những bản sắc riêng gồm kết nối toàn cầu, toàn khu vực, toàn thành phố; khách biệt với không gian đô thị, kiến trúc, thiên nhiên…, là thành phố thông minh ứng dụng các công nghệ số 4.0 vào phục vụ phát triển kinh tế.

Xác định Đà Nẵng là thành phố môi trường bền vững, thành phố kinh tế bền vững, lấy con người làm trung tâm phát triển và thành phố có quản lý tốt.

Đối với tầm nhìn trở thành thành phố kết nối, đơn vị tư vấn đề xuất phát triển giao thông về phía Tây TP. Đà Nẵng (huyện Hòa Vang); mật độ đường cao tốc đề xuất là 52 km/triệu dân số (dự kiến chia sẻ 35% cho phương tiện công cộng); ở khu vực trung tâm hiện nay sẽ hình thành khu vực phố cổ, các con đường nhỏ chuyển thành đường một chiều, thu hẹp các con đường ven sông để thúc đẩy đi bộ.

Đề xuất không xây dựng cảng Liên Chiểu mà biến Vịnh Đà Nẵng thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế; mở rộng cảng Tiên Sa, trong đó, xây dựng tuyến đường cầu cạn vận chuyển hàng hóa dọc theo tuyến Điện Biên Phủ - Đống Đa – Vân Đồn phục vụ cảng biển và Nguyễn Tri Phương – Nguyễn Hữu Thọ phục vụ sân bay. Kết nối trực tiếp cảng và sân bay với đường cao tốc, đường sắt (tại vị trí mới được đề xuất) mà không ảnh hưởng đến giao thông thành phố.

Bên cạnh việc nghiên cứu phản biện đối với đề xuất mới và chi tiết hơn từ đơn vị tư vấn, UBND TP. Đà Nẵng mong muốn các chuyên gia tập trung phân tích, góp ý các vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều gồm: Mức tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2030 đạt 10,1% theo đề xuất của Tổ tư vấn có phù hợp hay không khi thấp hơn so với Nghị quyết 43/NQ-TW đã xác định mức tăng GRDP trong giai đoạn này là 12%, thu nhập bình quân đầu người năm 2030 là 8.700USD/người/năm; tỷ lệ tăng dân số 2,2% do tư vấn đề xuất thấp hơn so với tỷ lệ thống kê 2,45% đã công bố; vấn đề lựa chọn cảng biển; cấu trúc đô thị; lựa chọn tối ưu hình thái kiến trúc đô thị phù hợp với phát triển đô thị.

“Việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Đà Nẵng lần này có một tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa quyết định cho một giai đoạn phát triển mới, hướng tới một đô thị hiện đại, văn minh, đạt tầm cỡ khu vực theo tinh thần Nghị quyết 43/NQ của Bộ Chính trị.

Những đóng góp phản biện tại Hội thảo này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng nghiên cứu của đồ án, đồng thời có tác động to lớn đến thực tiễn phát triển đô thị Đà Nẵng trong hàng chục năm tới”,  ông Đặng Việt Dũng cho biết.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/nhieu-y-kien-trai-chieu-quy-hoach-chung-da-nang-den-nam-2030-141240.html