Đại biểu Quốc hội kiến nghị đưa vụ án Hồ Duy Hải lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ ba, 12/05/2020, 19:00 PM

Nói về giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng, kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao là không trái quy định pháp luật.

Tử tù Hồ Duy Hải.

Tử tù Hồ Duy Hải.

Ngày 12/5, trao đổi với Tiền Phong bên lề buổi tiếp xúc cử tri tại quận Bình Thạnh (TP HCM), đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho biết, vừa qua cử tri có nêu vấn đề về vụ án Hồ Duy Hải, với trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, sẽ nêu ý kiến của cử tri lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

"Theo luật định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể có ý kiến với TAND Tối cao hoặc có thể đề xuất Quốc hội giám sát tối cao việc xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Đây là những vấn đề sẽ do Quốc hội quyết", đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nói.

Trong khi đó, chia sẻ trên Bảo vệ Pháp luật, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đánh giá: "Tôi cho rằng quyết định của Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao trong phiên giám đốc thẩm là thiếu tính thuyết phục, giải quyết không thoả đáng các căn cứ mà Viện trưởng VKSND tối cao đưa ra trong kháng nghị và trước nhiều vấn đề không tường minh mà công luận đưa ra".

"Trong quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao không đề cập việc Hồ Duy Hải bị oan mà chỉ kiến nghị yêu cầu xem xét lại đúng pháp luật các diễn biến của vụ án. Tôi và nhiều người khác cũng yêu cầu vụ việc xử lý theo trình tự và căn cứ vào pháp luật một cách thuyết phục chứ chưa bình luận Hải có oan hay không.

Quyết định giám đốc thẩm của HĐTP TAND tối cao nhận định có sai sót trong quá trình tố tụng nhưng không huỷ án để điều tra lại theo như quan điểm đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao.

HĐTP TAND tối cao lập luận rằng, những sai sót này “không làm thay đổi bản chất vụ án" nên “không cần thiết phải hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm”.

Tôi cho rằng, lập luận này của HĐTP TAND tối cao nại ra để từ chối kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao sẽ tạo tiền lệ không tốt vì người ta cho rằng sai phạm trong tố tụng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án, từ đó có thể chủ quan, xem thường quy trình tố tụng. Nếu tiền lệ ấy trở nên phổ biến thì niềm tin vào công lý của dân chúng lại càng rơi rớt tệ hại hơn. Và, khi ấy sức mạnh thuyết phục của Nhà nước đối với xã hội sẽ suy giảm nghiêm trọng", Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhận định.

Về đơn xin giảm hình phạt tử hình, Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng là quyền của người bị kết án tử hình. Quyền này được trao cho tử tù trong thời điểm bản án tử hình đã có hiệu lực pháp luật. Người bị kết án tử có thể xin hoặc không xin ân giảm. Việc Chủ tịch nước quyết định bác hoặc chấp nhận đơn xin ân giảm không tác động đến tính đúng sai của bản án.

Ông Trương Trọng Nghĩa nói thêm, quyết định của Chủ tịch nước khác với các quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án TAND Tối cao hay Viện trưởng VKSND Tối cao.

Bài liên quan