Chủ nhật, 24/11/2019, 07:22 AM
  • Click để copy

Đại gia Lê Văn Vọng có vô sự trước sai phạm của Lã Vọng?

Theo luật sư, trong trường hợp đại gia Lê Văn Vọng thoái vốn khỏi Tập đoàn Lã Vọng trước khi có kết luận Thanh tra thì đại gia này vẫn phải chịu trách nhiệm với những sai phạm trong thời kỳ đương nhiệm tại doanh nghiệp.

Trước khi TTCP tiến hành thanh tra toàn diện toàn bộ các dự án của Tập đoàn Lã Vọng thì ông Lê Văn Vọng (giữa) đã thoái toàn bộ vốn tại doanh nghiệp này. (Ảnh: IT).
Trước khi TTCP tiến hành thanh tra toàn diện toàn bộ các dự án của Tập đoàn Lã Vọng thì ông Lê Văn Vọng (giữa) đã thoái toàn bộ vốn tại doanh nghiệp này. (Ảnh: IT).

Liên quan đến những sai phạm tại 9 dự án của Tập đoàn Lã Vọng ở Hà Nội vừa được Thanh tra Chính phủ kết luận mới đây đang nhận được sự chú ý của dư luận, một thông tin đáng chú ý được truyền thông đưa tin đó là: Trước thời điểm Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra toàn diện các dự án của Tập đoàn Lã Vọng thì dư luận đã xôn xao về thông tin Đại gia Lê Văn Vọng đã thoái toàn bộ vốn tại Tập đoàn Lã Vọng (tháng 3/2018).

Trước đó, Lã Vọng Group có vốn điều lệ 500 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập, trong đó ông Lê Văn Vọng nắm giữ 60% cổ phần Tập đoàn này, đồng thời là người đại diện pháp luật, Tổng Giám đốc.Dư luận sau đó đặt dấu hỏi: Phải chăng đại gia Lê Văn Vọng đã biết trước 9 dự án sai phạm nên đã thoái vốn... hòng thoát nạn?

Trao đổi với PV, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Công ty Luật TAT Law firm) cho biết, “Vốn” là một trong những vấn đề quan trọng cốt lõi nhất của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện tại, các quy phạm pháp luật hiện hành chưa có định nghĩa cụ thể thế nào là thoái vốn.

Tuy nhiên, ở khía cạnh kinh doanh có thể hiểu thoái vốn là một hình thức rút lại vốn đầu tư ban đầu của mình của các nhà đầu tư. Động cơ thoái vốn của các nhà đầu tư trong doanh nghiệp có thể bao gồm các nguyên nhân sau: "Một công ty có thể thoái vốn (bán) các doanh nghiệp không phải là một phần của hoạt động cốt lỗi để có thể tập trung vào những ngành nghề hoạt động tốt nhất.Việc thoái vốn có thể tạo ra nguồn vốn cho Công ty vì họ đang bán những doanh nghiệp để đổi lấy tiền mặt.

Thoái vốn của Công ty có thể loại bỏ một bộ phận hoạt động kém hoặc thậm chí không thành công và cũng có thể nguyên nhân từ áp lực của các cổ đông hay vì lý do xã hội…Chính vì vậy, việc Tổng Giám đốc Tập đoàn Lã Vọng thoái vốn khỏi Công ty có thể là do một trong những lý do trên".

Đề cập đến kết luận của Thanh tra Chính phủ đã công bố về các sai phạm tại 9 dự án của Tập đoàn Lã Vọng và trách nhiệm của ông Lê Văn Vọng, luật sư Thảo cho rằng theo quy định tại Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2014 qui định về người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp như sau: "“Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau:

Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp, không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về người đại diện đó và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp khác”.

Tại khoản 2 Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2014 có qui định “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm nghĩa vụ qui định tại khoản 1 Điều này”.

Như vậy, trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền điều tra đối với việc vi phạm pháp luật do người đại diện theo pháp luật gây thiệt hại cho Công ty thì người này phải chịu trách nhiệm cá nhân do vi phạm các nghĩa vụ.

Kể cả trong trường hợp, nếu sau khi điều tra xác minh cơ quan có thẩm quyền phát hiện ra sai phạm mà người này không còn là người đại diện thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm đối với hành vi đã gây ra khi họ đương chức.

Do đó, ông Lê Văn Vọng vẫn phải chịu trách nhiệm đối với các sai phạm trong thời kỳ đương nhiệm tại doanh nghiệp.

Luật sư Thảo cho hay vụ việc có nhiều biểu hiện sai phạm của Tập đoàn Lã Vọng trong việc thực hiện các dự án liên quan đến đất đai, qui hoạch, dự án công trình theo hình thức hợp đồng BT đã được chỉ ra trong kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Do đó, cơ quan có thẩm quyền thời gian tới phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan có thẩm quyền và xử lý sai phạm kịp thời trong quá trình tư vấn tham mưu, thực hiện dự án.

Đặc biệt là việc giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất vi phạm Luật đất đai 2013, giao Dự án và chỉ định nhà đầu tư khi qui mô Dự án thay đổi, có biểu hiện sai phạm liên quan đến đấu thầu, vi phạm qui định theo Điều 22 Luật đấu thầu 2013 và hàng loạt các sai phạm khác.. gây thất thoát tài sản của nhà nước và biểu hiện có lợi ích nhóm khi thực hiện các Dự án quốc gia.

Nếu trong quá trình thanh tra kiểm tra có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự cần chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý về hình sự nghiêm minh đối với cá nhân, tổ chức có liên quan theo qui định hiện hành.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/dai-gia-le-van-vong-co-vo-su-truoc-sai-pham-cua-la-vong-142735.html