Đại tướng Lê Đức Anh với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Thứ tư, 24/04/2019, 15:25 PM

Đại tướng Lê Đức Anh là một trong những vị tướng tham gia chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.

nguyen-chu-tich-nuoc-le-duc-anh
Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh.

Dưới đây là chương 8 của cuốn Hồi ký "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng" của Đại tướng Lê Đức Anh với nhan đề Chỉ huy cánh quân hướng Tây - Tây Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Sau khi giải phóng tỉnh Phước Long, Bộ Tư lệnh Miền Tây bắt tay xây dựng kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn. Chúng tôi thảo phương án sử dụng lực lượng, lấy lực lượng tại chỗ là chủ yếu, tính toán kỹ thấy thiếu một quân đoàn. Bộ Tư lệnh Miền họp thống nhất điện xin Trung ương đưa Quân đoàn 3 vào tăng cường cho B2.

Cả Bộ Tư lệnh Miền gần như thống nhất là sẽ giải phóng Sài Gòn vào tháng 4, vì sang tháng 5 đã vào đầu mùa mưa ở Nam Bộ, việc cơ động của ta sẽ khó khăn; mà khó khăn nhất là hướng Tây - Tây Nam Sài Gòn, vùng Long An với đồng nước, kênh rạch và sình lầy. Cùng với việc soạn thảo kế hoạch là xây dựng "quyết tâm chiến đấu”, sơ đồ đã phác ra năm hướng tiến công của chủ lực và lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị tại chỗ đánh vào sào huyệt cuối cùng của quân thù.

Khi hai anh Lê Đức Thọ - Ủy viên Bộ Chính trị và Văn Tiến Dũng -Tổng Tham mưu trưởng được Bộ Chính trị cử vào, các anh xem và nói: "Kế hoạch làm tốt, nhưng phải thêm quân". Hướng ra tiền tuyến lớn, miền Bắc dốc toàn bộ sức mạnh to lớn của mình cho miền Nam. Miền Bắc đã chi viện liên tục, toàn diện cả sức người, sức của với nhịp độ ngày càng tăng, đáp ứng đòi hỏi của chiến trường miền Nam.

Chỉ riêng bốn tháng đầu năm 1975, miền Bắc đã đưa nhanh vào miền Nam 110.000 cán bộ, chiến sĩ, 230.000 tấn vật chất các loại góp phần quyết định để quân và dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi hoàn toàn. Sau khi hoàn thành chuẩn bị chiến lược cả về thế và lực, cả ở miền Bắc và miền Nam, cuộc Tổng tiến công chiến lược của ta đã mở đầu. Ngày 4/3/1975, ta thực hiện cắt đường 19, đánh một số mục tiêu ở Pleiku để nghi binh tạo thế chiến dịch TâyNguyên. Sáng ngày 10 tháng 3, ta đánh Buôn Ma Thuột, mở đầu chiến dịch Tây Nguyên, cũng là mở cửa đột phá của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy chiến lược mùa Xuân 1975.

Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên.Ngày 14 tháng 3, Nguyễn Văn Thiệu quyết định rút khỏi Tây Nguyên về Nha Trang, giữ đồng bằng. Ý định của địch là tháochạy theo các đường 21, 19, 14, nhưng các con đường này đã bị ta chiếm giữ, địch buộc phải rút theo đường đi Cheo Reo. Đến 19 giờ ngày 16 tháng 3, Đại tướng Văn Tiến Dũng điện cho Bộ Tư lệnh Quân khu 5: "Địch rút chạy trên đường 7, tổ chứctruy kích ngay"; cho lực lượng vũ trang Phú Yên kịp thời tổ chức đánh địch.

Cuộc rút lui của địch bị bộ đội địa phương tỉnh PhúYên đánh tan rã và bắt sống. Ngày 16 tháng 8, lực lượng địa phương giải phóng Kon Tum, ngày 18 tháng 3, giải phóng Pleiku. Đến ngày 24 tháng 3, quân ta giải phóng Tây Nguyên. Chiến thắng Buôn Ma Thuột và cả Tây Nguyên tạo ra bước phát triển nhảy vọt cả về thời cơ và thế chiến lược mới. Ngày 25 tháng 3, lực lượng quần chúng ở cả ba vùng chiến lược đã trong tư thế sẵn sàng phối hợp với bộ đội chủ lực thực hiện ba mũi giáp công (chính trị, quân sự, binh vận và địch vận).

Phối hợp với hướng tiến công chiến lược của ta ở hướng chủ yếu Tây Nguyên và áp lực của các lực lượng chủ lực của Bộ, địch hoang mang, quân và dân Quân khu Trị - Thiên và Quân khu 5 đã đồng loạt tiến công xóa sổ hai quân đoàn, hai quân khu và một số trung đoàn cơ động của địch, giải phóng toàn bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế (trưa 26 tháng 3); và 3 giờ chiều ngày 29 tháng 3, ta giải phóng Đà Nẵng.

Sau khi giải phóng Tây Nguyên, Huế, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, thì lực lượng Quân khu 7, Quân khu Sài Gòn - Gia Định, Quân khu 8, Quân khu 9 đã bám sát trong và ngoài đô thị với tư thế sẵn sàng phối hợp với quân chủ lực thực hiện ba mũi giáp công, giải phóng toàn miền Nam.Ngày 1-4-1975, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền nhận được điện của anh Lê Duẩn truyền đạt nội dung Nghị quyết Bộ Chính trị họp ngày 31-3-1975:"Gửi: Anh Bảy Cường, anh Sáu, anh Tuấn.

Bộ Chính trị đã họp ngày 31/3/1975 nghe Quân ủy Trung ương báo cáo tình hình phát triển của cuộc tổng tiến công của ta trong ba tuần qua, đặc biệt trong thời gian gần đây. Bộ Chính trị nhất trí nhận định: Tiếp theo thắng lợi lớn của ta ở Khu IX và giải phóng tỉnh Phước Long ở miền Đông Nam Bộ, cuộc tổng tiến công chiến lược của ta trên thực tế đã bắt đầu với việc đánh chiếm Tây Nguyên và trong một thời gian rất ngắn đã giành được những thắng lợi cực kỳ to lớn.

Chúng ta đã tiêu diệt và làm tan rã trên 35% sinh lực địch, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hai quân đoàn địch, tiêu diệt khoảng 40% các binh chủng kỹ thuật hiện đại, thu và phá hơn 40% cơ sở vật chất hậu cần, giải phóng 12 tỉnh, đưa tổng số dân vùng giải phóng lên gần 8 triệu. Đặc biệt trong trận Đà Nẵng, đã thực hiện được kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng do có những nhân tố mới là: nhân dân căm phẫn địch cao độ chỉ chờ cơ hội là vùng dậy; đại bộ phận sĩ quan và binh lính địch mất hẳn tinh thần chiến đấu.

Quân và dân mặt trận Quảng - Đà đã lập được một chiến công xuất sắc: chỉ trong 30h từ khi nổ súng, với lựclượng ít hơn địch, đã kịp thời, táo bạo, tiến công và nổi dậy đánh chiếm căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất của quân ngụy ở miền Nam. Qua những chiến thắng nói trên, các lực lượng vũ trang ta đã lớn mạnh vượt bậc: bộ đội thương vong ít, tinh thần và trình độ chiến đấu được nâng lên rõ rệt; vũ khí, đạn dược tiêu hao không đáng kể; ta lại thu được một khối lượng rất lớn vũ khí, đạndược của địch.

Quân chủ lực, trong một thời gian ngắn, đã tăng lên gấp bội, có sức cơ động khắp các chiến trường.Trong tình hình đó, Bộ Chính trị nhận định: về chiến lược, về lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo, địch đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong. Mỹ tỏ ra hoàn toàn bất lực, dù có tăng viện cũng không thể cứu vãn được tình thế của ngụy. Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu.

2. Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ "một ngày bằng hai mươi năm". Do vậy, Bộ Chính trị quyết định: Chúng taphải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm. Phải hành động "thần tốc, táo bạo, bất ngờ". Phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp.

Tập trung lực lượng lớn hơn nữa và những mục tiêu chủyếu trên từng hướng, trong từng lúc.Phát huy sức mạnh của ba đòn chiến lược, kết hợp tiến công và nổi dậy, từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra. Trên từng hướngvà trong từng trận, phải tập trung lực lượng áp đảo, tiêu diệt gọn, làm tan rã nhanh quân địch; tận dụng thời cơ và thuận lợi mới mà dồn dập tiến công, phát triển thắng lợi. Trước mắt - như trước đã định, nay cần làm nhanh hơn - gấp rút tăng thêm lực lượng ở hướng tây Sài Gòn, thực hiện chia cắt và bao vây chiến lược, triệt hẳn đường số 4 và áp sát Sài Gòn.

Đồng thời, nhanh chóng tập trung lực lượng ở hướng đông và đông - nam, đánh chiếm những mục tiêu quan trọng, thực hiện bao vây, cô lập hoàn toàn Sài Gòn từ phía Long Khánh, Bà Rịa - Vũng Tàu.Tổ chức sẵn sàng những đơn vị chủ lực được trang bị binh khí, kỹ thuật thật mạnh, để lúc thời cơ xuất hiện thì tức khắc đánh chiếm những mục tiêu quan trọng nhất ở trung tâm thành phố Sài Gòn. Ở đồng bằng sông Cửu Long, cần thúc đẩy các lực lượng quân sự, chính trị của ta hành động mạnh bạo, khẩn trương, phát triển tiến công và nổi dậy, tiêu diệt chi khu, quận lỵ, phá banh từng mảng lớn hệ thống kìm kẹp của địch, nhanh chóng mở rộng vùng giải phóng ở các khu vực trọng điểm.

3. Muốn thực hiện phương hướng chiến lược nói trên cho kịp thời gian, thì ngay bây giờ, cần vạch kế hoạch hành động táo bạo với lực lượng sẵn có tại chiến trường miền Đông. Quân ủy Trung ương đã quyết định nhanh chóng chuyển Quân đoàn 3 cùng các binh khí, kỹ thuật từ Tây Nguyên xuống, đồng thời ra lệnh đưa quân đoàn dự bị vào. Nhưng để tranh thủ thời gian, không nên chờ đợi lực lượng tăng cường đến thật đầy đủ, cũng cần tránh điều động quân không hợp lý, làm ảnh hưởng đến kế hoạch tiến hành chiến dịch.

4. Trong khi Trung ương Cục và Quân ủy Miền vẫn làm nhiệm vụ như hiện nay, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy mặt trận Sài Gòn để tập trung, thống nhất cao độ sự lãnh đạo và chỉ đạo đối với chiến trường trọng điểm này. Khi anh Sáu, anh Tuấn vào đến nơi thì các anh trao đổi ý kiến để thực hiện ngay.

5. Ngoài này, Bộ Chính trị sẽ tập trung lực lượng chỉ đạo, và đã có những chỉ thị cần thiết cho toàn quân, cho các chiến trường và các ngành, các cấp để bảo đảm trận quyết chiến lịch sử này giành thắng lợi. Tôi gửi đến các anh lời chào quyết thắng. Theo quyết định của Bộ Chính trị, anh Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng từ Tây Nguyên vào cùng các anh Đinh ĐứcThiện - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Lê Ngọc Hiền - Phó Tổng Tham mưu trưởng và một số cán bộ tổ chức thành một bộphận ở chiến trường miền Nam, mang bí danh Đoàn A75. Chiều 3/4/1975, Đoàn A75 đã tới cơ quan Bộ Tư lệnh Miền ở phía tây thị trấn Lộc Ninh (sau này trở thành chỉ huy sở cơ bản của chiến dịch giải phóng Sài Gòn).

Phần lớn các đồng chí ở Trung ương Cục đã tới họp với Đoàn A75 để nghiên cứu quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị và bàn các giải pháp thực hiện. Chiều ngày 7 tháng 4, chúng tôi đang họp thì anh Lê Đức Thọ tới. Anh Thọ cho biết: trước khi anh lên đường, Bộ Chính trị và bác Tôn căn dặn là "Ra đi thắng lợi mới trở về”. Ngày 8 tháng 4, trong cuộc họp đông đủ Trung ương Cục, Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh B2, anh Thọ nhắc lại tinh thần điện ngày 1 tháng 4 của anh Lê Duẩn và phổ biến quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, gồm có: Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, anh Phạm Hùng làm Chính ủy, Thượng tướng Trần Văn Trà, tôi - Trung tướng Lê Đức Anh làm Phó Tư lệnh. Riêng tôi lại kiêm phụ trách chỉ huy cánh quân phía tây - tây nam Sài Gòn.Trung tướng Lê Trọng Tấn đang chỉ huy cánh quân phía đông cũng được chỉ định làm Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Trung tướng Đinh Đức Thiện là Phó Tư lệnh phụ trách về hậu cần. Trung tướng Lê Quang Hòa làm Phó Chínhủy.

le-duc-anh-0928
Các thành viên thuộc Bộ Tư lệnh Miền tại căn cứ Tà Thiết, Lộc Ninh, Sông Bé trước khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. (Trong ảnh: Đại tướng Lê Đức Anh, người thứ hai từ phải sang). Ảnh: Tư liệu

Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền được chỉ định làm quyền Tham mưu trưởng. Đại tướng Văn Tiến Dũng đã nêu đặc điểm tình hình địch, những mặt ta cần khắc phục trong trận quyết định này ở chiến trường mới và giao nhiệm vụ cho từng quân đoàn, từng hướng. Bộ Chỉ huy chiến dịch được quyền sử dụng các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần của Miền phục vụ cho chiến dịch.

Bộ Chỉ huy chiến dịch còn được tăng cường thêm số cán bộ Đoàn A75 mới vào. Theo quyết định của Bộ Chính trị, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền vẫn tiếp tục nhiệm vụ như trước đối với toàn miền.Với cương vị là đại diện Bộ Chính trị, anh Lê Đức Thọ tham gia ý kiến vào mọi mặt công tác của Trung ương Cục cũng như củachỉ huy chiến dịch.

Bộ Chỉ huy chiến dịch điều động năm quân đoàn (trên dưới 15 sư đoàn). Đó là các quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 có đủ cácbinh chủng hợp thành, với năm cánh quân theo năm hướng (bắc, tây bắc, đông, đông nam và Tây - Tây Nam) cùng các lực lượng bộ đội địa phương, dân quân và lực lượng nổi dậy của quần chúng ở nông thôn và thành thị,... Trong khi đó địch chỉ còn khoảng năm sư đoàn đang bảo vệ vòng ngoài Sài Gòn và Quân đoàn 4 đang ở đồng bằng sông Cửu Long, một số quân dù và liên đoàn biệt động quân...

Bộ Chỉ huy chiến dịch xác định phải đánh địch, không cho chúng co cụm về Sài Gòn; ngược lại, không để cho quân địch chạyvề miền Tây. Tổ chức các mũi thọc sâu, mũi đánh vòng ngoài kết hợp giữa chủ lực với bộ đội địa phương và kết hợp giữa bộđội với quần chúng nhân dân, đột phá liên tục, dồn dập cho đến toàn thắng. Từ ngày 9 đến 14 tháng 4, Bộ Chỉ huy chiến dịch thảo luận kế hoạch tạo thế trận bao vây Sài Gòn và các công tác chuẩn bị khác. Anh Phạm Hùng và anh Văn Tiến Dũng cùng ký vào các bản mệnh lệnh điều động lực lượng.

Kế hoạch đã điều chỉnh bố trí và phân công các lực lượng như sau:Trên hướng tiến công chủ yếu tây bắc, sử dụng Quân đoàn 3 (do đồng chí Vũ Lăng làm Tư lệnh, đồng chí Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy), có nhiệm vụ: tiến công tiêu diệt căn cứ Đồng Dù, chặn không cho Sư đoàn 25 địch co cụm về Sài Gòn; tổ chức một lực lượng mạnh (cỡ sư đoàn tăng cường) thọc sâu vào nội đô, đánh chiếm mục tiêu chủ yếu là sân bay Tân Sơn Nhất và tổ chức một bộ phận hợp điểm ở dinh Độc Lập, chiếm lĩnh các quận Tân Bình, Phú Nhuận; tổ chức một sư đoàn có binh chủngphối thuộc, chặn đánh tiêu diệt Sư đoàn 25 địch ở Gò Dầu, Trảng Bàng, sau đó về làm dự bị cho chiến dịch và quân đoàn, chủyếu là tăng cường cho đơn vị thọc sâu.

Trên hướng bắc, sử dụng Quân đoàn 1 (đồng chí Nguyễn Hòa làm Tư lệnh, đồng chí Hoàng Minh Thi làm Chính ủy), có nhiệm vụ: Bao vây tiêu diệt địch ở căn cứ Phú Lợi, Bình Dương, Lai Khê, Bến Cát, Tân Uyên, ngăn chặn và tiêu diệt Sư đoàn 5 địch,không cho chúng co cụm về Sài Gòn; tổ chức một lực lượng binh chủng hợp thành (cỡ sư đoàn tăng cường) thọc sâu vào nộiđô đánh chiếm mục tiêu chủ yếu là Bộ Tổng Tham mưu địch, các bộ tư lệnh binh chủng địch ở Gò Vấp; tổ chức một bộ phậnhợp điểm ở dinh Độc Lập, chiếm lĩnh các quận Gò Vấp, Bình Thạnh.

Trên hướng đông nam, sử dụng Quân đoàn 2 (đồng chí Nguyễn Hữu An làm Tư lệnh, đồng chí Nguyễn Công Trang làm Chínhủy), có nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Nước Trong, Chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ - phà Cát Lái, Chi khu Đức Thạnh, khu Long Bình, căn cứ Long Bình - thị xã Bà Rịa, pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất, đánh chiếm Vũng Tàu, phát triển sang Cần Giờ,tiêu diệt địch ở hữu ngạn sông Đồng Nai, đánh chiếm các quận 9 và 4; tổ chức một mũi hợp điểm ở dinh Độc Lập.

Trên hướng đông, sử dụng Quân đoàn 4 (đồng chí Hoàng Cầm làm Tư lệnh, đồng chí Hoàng Thế Thiện làm Chính ủy), có nhiệm vụ đánh chiếm khu vực Biên Hòa - Hố Nai (gồm Sở Chỉ huy Quân đoàn 3 địch và sân bay); sử dụng một lực lượng mạnh binh chủng hợp thành thọc sâu vào nội đô đánh chiếm dinh Độc Lập, chiếm lĩnh quận 1, 2, 3 và một số mục tiêu quan trọng như căn cứ hải quân, bộ quốc phòng địch, đài phát thanh.

Trên hướng Tây - Tây Nam, Đoàn 232 gồm các sư đoàn 3, 5 và 9, 4 trung đoàn độc lập, một trung đoàn đặc công, được tăng cường một tiểu đoàn xe tăng T54, một tiểu đoàn PT85, một tiểu đoàn pháo 130 ly, một trung đoàn và một tiểu đoàn phòngkhông, cùng với Sư đoàn 8 Quân khu 8 và các lực lượng vũ trang địa phương có ba nhiệm vụ: một là, chia cắt hai lực lượng Sài Gòn và miền Đông cùng lực lượng ở đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu là đoạn từ Bến Lục đến Mỹ Tho; hai là, tấn công Biệt khu Thủ đô; ba là, tấn công Tổng nha Cảnh sát, sau đó hợp điểm tại dinh Độc Lập và một bộ phận vào căn cứ Tư lệnh Hải quân (Ba Son và Bạch Đằng).Các lực lượng ở vùng ven và nội đô tổ chức đánh phá các sân bay, bến tàu, kho tàng, trận địa pháo địch, phát động quầnchúng nổi dậy, chiếm lĩnh và quản lý các cơ sở trong thành phố, mở rộng địa bàn đứng chân, đánh chiếm, giữ các cầu.

Trong tổng tiến công, phối hợp chặt chẽ với chủ lực đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố, làm nòng cốt cho quần chúng nổi dậy. Các binh chủng bảo đảm chỉ huy, cơ động và chi viện cho bộ binh chiến đấu. Không quân và hải quân còn sẵn sàng làm nhiệm vụ phối hợp cùng bộ binh giải phóng các đảo.Có năm hướng đều được tăng cường lực lượng rất mạnh cả về bộ binh và các binh chủng, trừ công binh do thiếu nhiều về đơn vị và phương tiện, đặc biệt là phương tiện vượt sông. Riêng các hướng đông, tây và nam được tăng cường chỉ huy mạnh vìgồm nhiều lực lượng và có nhiều khó khăn. Chỉ huy sở tiền phương của chiến dịch nằm trên khu vực Văn Tám, ở phía tây nam Châu Thành, bắc Bến Cát.

Trước khi chỉ huy các cánh quân trở về đơn vị triển khai kế hoạch tấn công, anh Phạm Hùng đã gặp gỡ và nói: "Bằng mọi cách, chúng ta phải chiến thắng trận quyết chiến chiến lược cuối cùng này. Làm sao lúc kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ, chúng ta đã có mặt ở Sài Gòn".Bộ Chỉ huy chiến dịch nhất trí điện về Bộ Chính trị đề xuất xin được lấy tên Bác đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Đến 11h ngày 9/4/1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận được điện của anh Lê Duẩn, thay mặt Bộ Chính trị chỉ thị: "Khi đã phátđộng tiến công thì phải tấn công thật mạnh và liên tục, dồn dập cho đến toàn thắng, vừa phát động tấn công ở ngoại vi, vừa có lực lượng đã chuẩn bị sẵn sàng nắm thời cơ thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn từ nhiều hướng. Thực hiện từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào, tạo điều kiện cho đồng bào nổi dậy. Không chia làm hai bước... Đó là phương án cơ bản và chắc thắngnhất; đồng ý có dự kiến và chuẩn bị tình huống cuộc chiến đấu có thể kéo dài một thời gian".

Chiều ngày 14/4/1975, trong bức điện số 37-B/TK của anh Lê Duẩn gửi Bộ Chỉ huy chiến dịch nêu rõ: "Đồng ý chiến dịch SàiGòn lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh".Khi nhận nhiệm vụ cùng tôi chỉ huy cánh quân hướng Tây - Tây Nam đánh vào Sài Gòn, anh Lê Văn Tưởng rất phấn khởi vì ở "thời điểm lịch sử" lại được cấp trên giao nhiệm vụ đúng với ước nguyện của mình là "trận cuối cùng được trực tiếp về tham gia giải phóng quê hương" (anh là người gốc Long An). Tôi đã có dịp sát cánh cùng anh trong đợt 2 của Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968.

Nhận nhiệm vụ xong, tôi bảo anh về trước chuẩn bị về tổ chức; chiều 13 tháng 4 anh đi, ngày 14 anh đã cómặt ở sở chỉ huy tây nam. Tôi ở lại họp Bộ Chỉ huy chiến dịch, đến ngày 17 tháng 4 thì xuống Long An chính thức "cầm quân"ở hướng này.Sau khi cùng anh Lê Văn Tưởng trao đổi, chúng tôi đề xuất và được trên chấp thuận, điều anh Lê Quốc Sản, Tư lệnh Quân khu 8 làm Phó chỉ huy, anh Trần Văn Nghiêm (trước đó là Phó chỉ huy Đoàn 232) làm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh cánh quân Tây- Tây Nam. Trên hướng Tây - Tây Nam, việc chia cắt quân địch tại lộ 4 là điểm rất khó khăn, nhiệm vụ này được giao cho Sư đoàn 5 do anh Bùi Thanh Văn (Út Liêm), sau là anh Thược làm Sư đoàn trưởng, anh Nguyễn Xuân Hòa làm Chính ủy.

Cũng vì khó khăn nên Sư đoàn 5 đã xuống từ hai tháng trước đó, tìm mọi cách để cắt đứt lộ 4 trước ngày N-3, tức là làm xong trước khi toàn tuyến nổ súng tiến công ba ngày; phối hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ cắt đứt đoạn từ Tân An tới Bến Lức, giải phóng Tân An, BếnLức và giữ cho được hai đầu. Lúc đó có cô du kích tên là Sáu Sửa dẫn trung đoàn ra cắt lộ.

Cô được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau này cô làm Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa và Bí thư Huyện ủy Đức Huệ, rồi làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An.Tôi giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 5 tổ chức một trung đoàn đánh Thủ Thừa, hai trung đoàn đánh thị xã Tân An. Sư đoàn 5 phải làm tốt nhiệm vụ cắt lộ 4, sau đó phát triển vào thành phố, chiếm Phú Lâm.Sư đoàn 8 cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích Khu 8 đánh chiếm Mỹ Tho và đoạn Cái Bè, kiên quyết không cho quân địch từ Sài Gòn chạy về co cụm ở sở chỉ huy Vùng 4 chiến thuật tại Cần Thơ.

Còn một mũi tiến công nữa cũng rất khó, đó là Cần Giuộc, Nhà Bè, vì vùng này ngập nước, nhiều sình lầy. Bởi vậy, chúng tôi đãcử ba đồng chí đảm nhiệm mũi này. Đó là đồng chí Huỳnh Công Thân (Huỳnh Văn Mến, Tư Thân) - Phó Tư lệnh Quân khu 8; đồng chí Võ Văn Thạnh (Ba Thắng) - Cục phó Chính trị Miền, quê gốc Nhà Bè; và đồng chí Nguyễn Văn Chiểu (Tư Chiểu) - Chỉhuy trưởng Tỉnh đội Long An, quê gốc Long An. Lực lượng trên mũi này phải nhờ những xuồng nhỏ của dân để vận động, cảquãng đường dài tiến công là hệ thống đồn bốt giặc dày đặc, đi tới đâu phải gỡ đồn bốt tới đó.

Nhưng khi bộ đội ta đánh phủđầu vài đồn, thì các đồn khác thấy quân ta tiến đến là địch bỏ chạy liền.Việc hóc búa nhất đối với hướng tây - tây nam là vấn đề công binh bảo đảm vượt sông cho các đơn vị tiến quân vào nội đô.Đoàn 232 được Bộ Chỉ huy chiến dịch tăng cường thêm lực lượng bộ binh, pháo và cao xạ, cả pháo nặng 130 ly, có đến một trung đoàn xe tăng và thiết giáp, trong đó một phần ba là tăng T54. Tất cả xe, pháo các loại gần 800 chiếc. Thế mà từ lâu nay Miền chỉ có một phần hai bộ cầu phà nặng (TPP của Liên Xô). Bộ Chỉ huy chiến dịch đã xin Trung ương cho thêm nửa bộ nữa nhưng chưa vào. Tất cả các hướng khác lực lượng công binh cũng thiếu. Bộ Chỉ huy chiến dịch dự tính đơn vị cầu phà nào tới nơi sẽ đưa ngay cho Đoàn 232 vì các đơn vị của 232 phải dựa vào lực lượng hiện có và huy động phương tiện tại chỗ mà vượt sông Vàm Cỏ Đông.

Một vấn đề đặt ra là nếu địch ngoan cố rút nhanh vào nội thành và phá hoại các cầu trên các trục đường tiến vào Sài Gòn thì sao? Ta phải dự kiến để có kế hoạch sẵn sàng đối phó. Ta dùng đặc công chiếm và giữ cho kỳ được các cầu trọng yếu trên các hướng tiến quân.Chúng ta có tất cả sáu trung đoàn đặc công sẵn sàng từ vùng ven đến nội thành. Quân đoàn 3 lại có riêng một trung đoàn đặc công nữa.

Như vậy là ta có đủ sức làm nhiệm vụ giữ không cho địch phá cầu, bảo đảm cho các quân đoàn tiến thẳng vào mục tiêu không bị trở ngại. Đoàn 232 vượt sông Vàm Cỏ Đông trước khi chiến đấu nên phải giữ bí mật, tiến hành vượt sông ban đêm và chiếm lĩnh tuyến xuất phát tấn công cũng vào ban đêm trong một khu vực địch còn kiểm soát: khu Mỹ Hạnh ở gần ngã ba đường 9 và đường10 (Đức Hòa, Long An). Đoạn sông Vàm Cỏ Đông phải vượt nằm trên xã An Ninh, cách Bào Trai (tức Khiêm Hạnh, tỉnh lỵ tỉnh Hậu Nghĩa) trên 10km về phía tây bắc.

Đoạn sông dự bị sẵn sàng khi cần thì vượt bằng sức mạnh, qua thẳng thị trấn Hiệp Hòa rồi lên đường 10. Sông Vàm Cỏ Đông ở những đoạn này cả hai bên đều sình lầy. Bên bờ tây sông là vùng ta đã giải phóng từ đầu đợt, vùng "Mỏ Vẹt", một bộ phận của Đồng Tháp Mười, chủ yếu là bưng sình, chỉ có một số giồng đất cao có dân cư. Ở đây cây củi rất hiếm. Trong chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bộ đội ta về đây, đồng bào có thể giúp ta gạo,thực phẩm, nhưng củi đốt thì rất hiếm. Mỗi người mang theo một bó củi mà dùng. Dọc bờ sông là vùng địch kiểm soát xen kẽcó những căn cứ du kích của ta. Xã An Ninh là một xã có truyền thống cách mạng.

Trong Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, Sư đoàn 9 của ta cũng về đóng quân ở xã này để tiến về Sài Gòn trong đợt 2 tấn công và nổi dậy. Địa hình ở đây tương đối tốt,có rẻo đất trồng cây liền ra đường 10, xuống ấp Bào Công rồi đến xã Mỹ Hạnh, xã căn cứ đầu tiên của "Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa" thời chống thực dân Pháp, xã của Anh hùng quân giải phóng Nguyễn Thị Mỹ Hạnh trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Đoạn sông vượt từ vùng bưng sình của ta đổ bộ lên vùng đất tương đối cao ở phía địch kiểm soát có thể triển khai chiến đấu ngay được. Đường từ hậu phương ra tới bến vượt rất lầy lội, không có biện pháp khắc phục thì khó mà hành quân cơ giới nổi. Cán bộ Đoàn 232 đã cùng cán bộ các địa phương lân cận vận động nhân dân chặt và bó hàng nghìn bó cây, phân tán cất giấu nhiều nơi.

Như đã nói, ở đây củi hiếm nên phải vận động nhân dân chuẩn bị từ trước và trongmột vùng rộng thì mới đủ và kịp thời gian. Thế mà mọi việc đều thực hiện rất tốt và đặc biệt là địch không hề biết gì cả. Ngày 18 tháng 4, anh Lê Đức Thọ, đại diện Bộ Chính trị, cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch duyệt lại lần cuối cùng quyết tâm chiến dịch. Tất cả đều nhất trí cao là thực hiện đúng phương châm của Bộ Chính trị đề ra: "Thần tốc - táo bạo - bất ngờ - chắcthắng". Riêng lực lượng chủ lực, ưu thế của ta đã gấp ba lần so với địch về số lượng và gấp nhiều lần về chất lượng.

Ta phải bố trí lực lượng tiêu diệt quân địch phòng thủ bên ngoài, đồng thời cùng lúc có lực lượng mạnh thọc thẳng và nhanh vào mụctiêu chủ yếu bên trong. Phải đánh nhanh, mạnh từ ngoài vào kết hợp với tấn công và nổi dậy từ bên trong để địch không kịp trở tay, không kịp phá hoại. Bộ đội kết hợp với lực lượng quần chúng nổi dậy chiếm lĩnh ngay mọi cơ sở, phố phường trong toàn thành, trong thời gian ngắn nhất. Đây là nội dung và ý nghĩa của thần tốc. Bộ Chính trị, Bộ Chỉ huy chiến dịch quy định năm cánh quân phải hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, năm mục tiêu chủ yếu phân chia cho năm cánh quân phải được chiếm gần như cùng một thời gian nhưng lấy mục tiêu dinh Độc Lập làm mục tiêu trung tâm cuối cùng.

Cánh quân nào đã chiếm xong mục tiêu chủ yếu của mình thì phải tiến ngay về dinh Độc Lập. Nếu chưa có lực lượng nào chiếm thì phải đánh chiếm vàtreo cờ chiến thắng của ta lên. Nếu đã có lực lượng ta chiếm rồi thì lui ngay về khu vực tấn công của mình.Phân tích, tổng hợp tình hình từ nhiều nguồn, từ ngày 15/1 đến 20/4/1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã nắm rõ ý đồ của địch.Chúng tập trung lực lượng còn lại (khoảng trên dưới năm sư đoàn) lập tuyến cố thủ ngoại vi Sài Gòn - Gia Định, tăng quân bảo vệ lộ 4 và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hiện ở Sài Gòn chỉ có hai lữ đoàn dù yếu, địch đang lúng túng điều chỉnh binh lực.

Trong khi đó, Mỹ đã bắt đầu thực hiện di tản, dự kiến đến ngày 19/4/1975 sẽ di tản phần lớn người Mỹ ra khỏi miền Nam. Quốc hội Mỹ biểu quyết không viện trợ cho Thiệu. Mỹ cũng bỏ rơi Campuchia. Tình hình đó, càng làm cho quân đội Sài Gòn thêm hoang mang, lo sợ. Tình hình đang chứa đựng nhiều biến đổi bất ngờ, mau lẹ... Trên cơ sở đó, cùng với những diễn biến cụ thể trên chiến trường và hướng tiến quân của mỗi cánh quân ta, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã kịp thời ra những mệnh lệnh, chỉ thị đốc thúc các cánh quân đánh mạnh, tiến nhanh hơn nữa.

Ở phía đông, ngày 9/4/1975, theo kế hoạch từ trước, Quân đoàn 4 của ta nổ súng đánh Xuân Lộc - Long Khánh - "cánh cửa thép" của địch trên hướng phòng thủ phía đông. Quân đoàn 3 của địch, được chi viện một lữ đoàn dù cùng phi pháo, không quân và đám tàn quân từ các quân khu 1, 2 và 3 kéo về, đã chống trả quyết liệt. Trận chiến đấu ở đây diễn ra rất gay go, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 và Quân khu 7 đã anh dũng chiến đấu.

vai-tro-cua-dai-tuong-le-duc-anh-trong-chien-dich-ho-chi-minh

Đến ngày 12 tháng 4, thế trận vẫn giằng co. Bộ Chỉ huy chiến dịch tăng cường cho Quân đoàn 4 Trung đoàn 95, đồng thời chỉ đạo Bộ Tư lệnh Miền và ban lãnh đạo Quân đoàn 4 thay đổi cách đánh. Theo cách này, Quân đoàn 4 cho một bộ phận đánh cắt quốc lộ 1 tại Dầu Giây, đồng thời bắn phá khống chế sân bay Biên Hòa liên tục ngày đêm. Ngày 19/4/1975, dưới sự chỉ huy của hai anh Trần Văn Trà và Hoàng Cầm, lực lượng vũ trang ta tấn công địch ở Xuân Lộc.Đêm 20 tháng 4, toàn bộ lực lượng địch ở đây bỏ chạy tán loạn về Bà Rịa, Xuân Lộc giải phóng, "cánh cửa thép" phía đông đãmở, đón Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 của ta vào thế trận mới.

Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định điều Sư đoàn 3 của Quân khu 5 tiến về giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời lệnh cho Quân đoàn 4 của ta áp sát Trảng Bom chuẩn bị tổng công kích. Ở phía bắc và tây bắc, địch chỉ còn Sư đoàn 25 và liên đoàn biệt động, bảo an ở Tây Ninh. Toàn bộ hệ thống chính quyền địch đã bỏ chạy về Sài Gòn. Do đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch thống nhất chỉ bao vây Sư đoàn 25, không cho địch chạy về Sài Gòn. Tìnhhình này tạo điều kiện thuận lợi cho Quân đoàn của ta vào tập kết ở nam Sông Bé, Quân đoàn 3 vào khu vực Dầu Tiếng.

Bộ Tư lệnh cánh quân hướng Tây - Tây Nam chỉ huy các lực lượng đẩy mạnh tiến công trên các hướng Bến Lức, Long An, đánh thông hành lang Tây Ninh - Kiến Tường, mở xong các vùng Bến Cầu, Bến Sỏi, Quéo Ba, làm chủ một vùng sông Vàm Cỏ Tây, tiếp tục tiến xuống vùng Tân An, Thủ Thừa, áp sát đánh giao thông lộ 4 và cắt lộ 4 thành nhiều đoạn mà ta làm chủ, bao vâychặt Cần Thơ và pháo kích sân bay Trà Nóc không để chúng chi viện cho Sài Gòn.Trước ngày 20/4/1975, theo lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, cánh quân hướng Tây - Tây Nam đã vào vị trí tập kết. Đoàn 232 đã áp sát tuyến sông Vàm Cỏ Đông và Hậu Nghĩa, Sư đoàn 5 và Sư đoàn 8 đã áp sát lộ 4 từ Tân An đến Cai Lậy, áp sát Mỹ Tho.

Hai trung đoàn bộ binh đã tập kết ở Cần Đước và Cần Giuộc sát phía nam quận 8 Sài Gòn,... Cánh quân hướng Tây - Tây Nam đã cài thế chuẩn bị sẵn sàng tổng công kích. Ở phía đông nam, theo lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, Quân đoàn 2 cùng Sư đoàn 3 thuộc Quân khu 5 cũng đã áp sát LongThành, Vũng Tàu, Nước Trong, Bà Rịa,... sẵn sàng đợi lệnh tấn công vào Sài Gòn.

Bộ Chỉ huy chiến dịch tích cực nghiên cứu tổ chức và giao nhiệm vụ cho các đơn vị đặc công. Đại tá Nguyễn Chí Điềm được giao giúp Bộ Chỉ huy chiến dịch về đặc công, đồng chí Trần Văn Danh (Ba Trần) được giao phụ trách chung bộ đội đặc công. Các đơn vị đặc công được tổ chức lại thành sáu đoàn có chỉ huy thống nhất. Đoàn 10 ở khu Nhà Bè - Lòng Tàu, Đoàn 116 ở Nước Trong - Long Bình, Đoàn 117 ở Vườn Thơm - Bà Dụ, Đoàn 429 ở tây nam Sài Gòn,... Nhiệm vụ của các đoàn này là đánhtàu và cắt đường sông ra biển của địch, đánh chiếm và bảo vệ các cầu vào Sài Gòn, hỗ trợ phong trào nổi dậy của quầnchúng, đánh vào các sân bay và các trận địa pháo binh…, liên hệ chặt chẽ với các cánh quân ở khu vực hoạt động của mình.

Để nhận nhiệm vụ cụ thể hoặc phối hợp tác chiến cả phía trước và trong quá trình diễn biến của chiến dịch. Bộ Chỉ huy chiến dịch giao cho biệt động thành hai việc: một là, dẫn bộ đội chủ lực vào mục tiêu nội đô; hai là, làm nòng cốt cho quần chúng nổi dậy ở nội đô. Để thực hiện kết hợp đòn tiến công quân sự với phong trào nổi dậy của quần chúng, Trung ương Cục và Quân ủy Miền đã họp, thông qua các kế hoạch kết hợp tổng tiến công với phong trào nổi dậy của quần chúng toàn B2; nhanh chóng thiết lập chính quyền để quản lý và duy trì trật tự ở những nơi địch tan rã, đẩy mạnh phong trào ở vùng ven và đô thị, tập trung vào phong trào ở Sài Gòn - Gia Định. Trung ương Cục phân công anh Nguyễn Văn Linh - Phó Bí thư Trung ương Cục và anh Võ Văn Kiệt - Ủy viên Trung ương Cục trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định chuyên lo vấn đề tổ chức và chỉ đạo kế hoạch nổi dậy của quần chúng phối hợp với lực lượng quân sự, trong đó có các binh đoàn chủ lực của ta vào thành phố, phân công anh Cao Đăng Chiếm - Giám đốc Công an B2 tổ chức mạng liên lạc của các đồng chí trong Chính phủ cách mạng lâm thời với cơ sở trong nội thành.

Từ ngày 18 đến 25 tháng 4, Bộ Chỉ huy chiến dịch và Trung ương Cục đã đưa thêm vào thành phố hàng trăm cán bộ. Trong đó có nhiều đồng chí cấp thành ủy và tương đương, có nhiều đồng chí tương đương ủy viên ban cán sự quận,...để làm nòng cốt cùng cán bộ tại chỗ tổ chức nhân dân nổi dậy. Đồng thời, Trung ương Cục chỉ đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tự giải phóng, với phương châm: xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh.

Để bảo đảm vận chuyển 20.000 tấn hàng từ miền Bắc, Tây Nguyên và Khu 5 vào cung cấp đủ cho yêu cầu của chiến dịch, hậu cần chiến dịch và chiến lược đã huy động 10.000 xe vận tải mở thêm hai tuyến vận tải mới vào Lộc Ninh và Long Khánh, mở sáu tuyến vận tải chiến dịch xuống các cánh do hậu cần B2 phụ trách, kéo dài đường ống dẫn dầu từ Bù Đốp vào Lộc Ninh, tăng cường khai thác lương thực tại chỗ,...Tối 21/4/1975, đúng lúc Bộ Chỉ huy chiến dịch vừa họp xong để rà soát lại lần cuối công tác chuẩn bị cho chiến dịch thì nhậnđược tin Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Mỹ đưa Trần Văn Hương lên thay.Ngày 25 tháng 4, mọi công tác chuẩn bị của ta đã hoàn thành.

Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Các đơn vị hướng Tây - Tây Nam chúng tôi tiến công. Đến 3h sáng ngày 27, Sư đoàn 5 đã cắt được đoạn từ Bến Lức tới Tân An. Sư đoàn 8 cùng quân và dân Tiền Giang thực hiện đánh cắt lộ 4 từ Mỹ Tho đến bờ sông Tiền. Sư đoàn 3 đánh chiếm khu vực An Ninh - Lộc Giang, tổ chức vượt sông Vàm Cỏ, áp sát địchđể bảo đảm cho Sư đoàn 9 cùng binh khí kỹ thuật qua sông. Sư đoàn 9 vượt sông Vàm Cỏ Đông vào vị trí tập kết tại Cầu Bông, Mỹ Thạnh, Đức Hòa.

Các trung đoàn 24 và 88 bám sát vào nội đô phía nam Sài Gòn. Khi xe tăng, thiết giáp của ta vượt qua sông Vàm Cỏ thì trời đổ mưa, đoạn thuộc huyện Đức Huệ (Long An) sình lầy, xe không đi được. Nhân dân vác những bó cây và dỡ nhà mình ra lót đường cho xe tăng và pháo ta vượt qua. Lúc đó tôi nói một số đồng chí trở lại giúp dân làm lại nhà, dù người dân không hề đòi hỏi. Sau này, anh Nguyễn Minh Châu - Tham mưu trưởngMiền - đã chỉ huy bộ đội làm lại hầu hết nhà cho dân.Ngày 28-4-1975, Trần Văn Hương từ chức, Dương Văn Minh lên thay.

Thường vụ Trung ương Cục gửi điện chỉ thị cho toànquân và toàn dân "thực hiện quyết tâm không gì lay chuyển là đánh bại hoàn toàn Mỹ, ngụy, đánh sụp chế độ nguỵ Sài Gòn...giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước". Tối 28 tháng 4, Bộ Chỉ huy chiến dịch thông báo tình hình và lệnh cho các cánh quân, các hướng tiếp tục phát triển tiến côngđể bảo đảm sáng ngày 29 tháng 4 toàn mặt trận nhất loạt thực hiện tổng tấn công vào thành phố Sài Gòn theo đúng kế hoạch đã định.

Ngày 29 tháng 4, lúc hơn 10 giờ, Sư đoàn 3 vượt sông Vàm Cỏ Đông tiến đánh và làm chủ thị xã Hậu Nghĩa, sau đó tổ chứcđánh chiếm Chi khu Đức Hòa và căn cứ Trà Cú. Quân địch ở Hậu Nghĩa chạy về Sài Gòn bị Trung đoàn 1 Gia Định do đồng chí Phan Trung Kiên làm Trung đoàn trưởng, từ Xuân Thới Thượng vận động ra bắt hàng trên 1.000 tên. Sư đoàn 3 chiếm thị xã Hậu Nghĩa tạo điều kiện cho Sư đoàn 9 đưa toàn bộ lực lượng vào Mỹ Hạnh, sau đó thọc thẳng vào nội đô.

Phía bên trong,lực lượng vùng ven cũng tăng cường hoạt động: Trung đoàn đặc công 429 tiến đánh Tiểu đoàn 8 biệt động địch tại Tân Tạo,Bà Hom, ra Chi khu Phú Lâm; đánh chiếm ấp 2 (Bình Trị Đông), ấp Bình Hưng, Ký Thúc On và cầu Nhị Thiên Đường. Trungđoàn đặc công 117 bắn 200 viên ĐKB vào sân bay Tân Sơn Nhất. Bộ đội địa phương Bình Chánh đánh chiếm các phân chi khu Tân Túc, Tân Tạo (quận Tân Bình). Sáng ngày 30 tháng 4, các cánh quân ta cùng nhân dân nổi dậy, đồng loạt tấn công đánh chiếm các mục tiêu đã định. Đến 9 giờ 30 phút, quân địch về cơ bản đã mất sức chiến đấu. Cả Sài Gòn - Gia Định trở thành một rừng cờ, biểu ngữ, hoa các loại vẫy chào quân giải phóng.

Những nơi chưa có bộ đội quản lý thì nhân dân, chủ yếu là công nhân, sinh viên, học sinh quản lý.Khi bộ đội đến thì họ giao cho bộ đội quản lý. Nhân dân dẫn đường cho các mũi đột kích đánh chiếm các mục tiêu còn lại.Trước tình hình đó, Dương Văn Minh, tân Tổng thống mới nhậm chức của chính quyền Sài Gòn, tuyên bố xin ngừng bắn để thảo luận bàn giao chính quyền.

Lập tức, anh Phạm Hùng phát ngay bức điện hỏa tốc gửi thủ trưởng các đơn vị đang cầm quân trên chiến trường: "Địch dao động tan rã. Các cánh quân hãy đánh mạnh, tiến nhanh, chiếm lĩnh các mục tiêu đúng quy định. Hội quân tại dinh Độc Lập ngụy. Địch không còn gì để thương lượng bàn giao. Chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Tiếnlên! Toàn thắng". Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, các cánh quân của ta tiếp tục tấn công, buộc chính quyền DươngVăn Minh đầu hàng vô điều kiện.

Sáng ngày 30/4/1975, Sư đoàn 9 do anh Ba Hồng (tức Võ Văn Dần) làm Sư đoàn trưởng tiến thẳng vào nội đô, chia thành hai mũi: mũi thứ nhất, Trung đoàn 1 sau khi đánh tan một tiểu đoàn dù địch ở ngã ba Bà Quẹo, đánh chiếm phân chi khu Vĩnh Lộc, tiến vào ngã tư Bảy Hiền, đập tan sự kháng cự của địch ở đây và phát triển theo đường Lê Văn Duyệt, đánh chiếm Biệt khu Thủ đô, tướng địch Lâm Quang Phát đầu hàng.

Mũi thứ hai, Trung đoàn 3 tiến công tiêu diệt Sở Chỉ huy Liên đoàn 8 vàTiểu đoàn biệt động quân 88 của địch trên tuyến vành đai Đại Hàn; tiếp đó đánh tan Tiểu đoàn bảo an 327 ở nam Vĩnh Lộc,tiến công chốt của Tiểu đoàn bảo an 317, diệt Chi khu Bà Hom, đánh chiếm trường đua Phú Thọ và phái một bộ phận sang hợp điểm ở dinh Độc Lập. Lúc 5 giờ 30 phút, mũi tiến công của Trung đoàn 24 phối hợp cùng đơn vị đặc công diệt đồn ngã ba Đình Hưng Đông, sau đóchiếm cầu Nhị Thiên Đường và cầu Chữ Y; 10 giờ 10 phút, đánh chiếm Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia và đưa một bộ phậnsang hợp điểm ở dinh Độc Lập.

Trung đoàn 88, từ 5 giờ 30 phút đến 8 giờ, tiến công diệt đồn và phân chi khu Bà Phước, sau đó phát triển tiến công và làm chủ đồn Ông Thìn, ngã ba An Phú, khu Nhà Bè.Trung đoàn 16, lúc 6 giờ 30 phút, chiếm ga An Lộc; 10 giờ 30 phút chiếm cầu Bình Điền, sau đó phát triển vào nội thành.Sư đoàn 5, từ 5 giờ đến 12 giờ, tiến công và bức hàng toàn bộ Sư đoàn 22 và các liên đoàn biệt động quân, cùng lực lượng tại chỗ đánh chiếm thị xã Tân An, Chi khu Thủ Thừa,... Các đơn vị đặc công, 8 giờ chiếm quận Tân Bình, 10 giờ chiếm quận Bình Chánh; 12 giờ chiếm Đặc khu Rừng Sác.

Mũi tiến công do ba đồng chí Tư Thân, Ba Thạnh và Tư Chiểu đánh vào Tổng nha Cảnh sát và Cảnh sát đô thành, địch bỏ chạyhết, không kịp tẩu tán và hủy tài liệu. Khoảng 9 giờ sáng ngày 30 tháng 4, bộ đội đã làm chủ và tổ chức gác toàn bộ các vị trí. Anh em rất hăng hái nên dù không được giao mục tiêu, nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ sớm ở Tổng nha Cảnh sát, đã cho một mũi vào dinh Độc Lập, còn một mũi phát triển ra cảng hải quân, đánh căn cứ Tư lệnh Hải quân địch.Mũi phát triển vào tới dinh Độc Lập thì hợp điểm với mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 ở đó.

Ở thời khắc lịch sử trưa ngày 30/4/1975, tại dinh Độc Lập có mặt ba mũi cùng tiến công vào từ hai hướng: hướng đông là mũi của Quân đoàn 2, hướng Tây - Tây Nam là một mũi của Sư đoàn 9 và một mũi của đồng chí Tư Thân (Đoàn 232).Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Lúc này, ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, quân và dân ta tự lực giải phóng địa bàn, góp phần cùng cả nước chấm dứt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc kéo dài 30 năm. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân tatoàn thắng. Nó đã toát lên một điều là đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta đã thấm sâu vào quần chúng, kể cả quầnchúng bị bắt buộc vào trong hàng ngũ địch. Đây là thời cơ để bộc lộ tinh thần yêu nước, vì độc lập dân tộc, làm phát lộ chủnghĩa anh hùng cách mạng của quần chúng vô cùng sinh động, mạnh mẽ và hiệu qua hơn bao giờ hết.

Ngày 30 tháng 4 và mồng 1 tháng 5, chúng tôi ở sở chỉ huy cánh Tây - Tây Nam tại một địa điểm phía nam huyện Đức Hòa, Long An. Khi nghe các nơi báo cáo: "Xong rồi!", trong cơ thể có một cảm giác nhẹ nhõm, thoải mái biết bao! Và, lúc bấy giờ mới thấy thấm mệt, có thể nói mệt rã rời sau bao ngày đêm toàn bộ cơ thể luôn căng ra như dây đàn. Tối hôm đó, khi anh Phạm Hùng và anh Văn Tiến Dũng cho người xuống gọi tôi lên họp, tôi nói, giờ cho tôi ngủ chút đã mệt quá! Và tôi đã ngủ một giấc tới 9 giờ sáng.

Trên đời này, ai vừa trải qua những thử thách nghiệt ngã, những ngày tháng căng thẳng, thì hẳn sẽ hiểu vàcảm thông cho giấc ngủ ngon lành, không gì cưỡng nổi của những người lính chúng tôi ngay khi vừa kết thúc cuộc chiến tranh. Đời tôi đã đi suốt hai cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Biết bao kỷ niệm sâu sắc tưởng chừng không thể quên. Chiếntranh là thử thách cao nhất, nghiệt ngã nhất đối với con người. Nhiều lúc bom đạn ác liệt quá, tôi từng nói vui với anh em: “Bom đạn đầy trời thế này, chết là chuyện thường, còn sống thì mới kỳ lạ!”.

Bởi vậy, cú chết hụt ở giờ phút cuối cùng, khi màc hiến tranh sắp kết thúc thì tôi không thể nào quên được.Sở chỉ huy của cánh quân hướng Tây - Tây Nam nằm ngay bên bờ sông Vàm Cỏ thuộc huyện Đức Hòa. Suốt ngày đêm, tôi vẫn trụ trong cái chòi nhỏ sát mép sông. Sáng hôm đó, tôi vào ăn cơm, chỗ ăn là nhà họp của địa phương, làm nửa chìm nửa nổi, Chính ủy Hai Tưởng đặt vị trí ở đây; vừa ăn xong tự nhiên anh Tưởng bảo tôi: "Anh hãy nán lại, nằm trên võng của tôi mà thở,nghỉ mươi phút rồi hẵng ra đó!".

Tôi nghe anh, vừa ngả lưng, thì ở ngoài chòi của tôi một quả bom từ máy bay địch ném trúng, cái chòi bay mất, cậu lái xe của tôi hy sinh, cậu Thái bảo vệ bị thương. Nếu hôm đó ăn xong, tôi ra liền thì nhất định "cáichuyện thường" đã xảy ra với tôi và hôm nay, chẳng còn ngồi để mà viết ra những dòng chữ này! Chiến tranh có chừa ai, cáingẫu nhiên và cái tất nhiên nhiều khi không thể mang "tính quy luật ra mà giải thích"!Từ chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975 đến nay đã hơn một phần ba thế kỷ.

Thời gian trôi qua cho phép chúng ta có điều kiệnnhìn lại mọi sự vật, hiện tượng đã diễn ra ngày càng rõ ràng, đầy đủ, chính xác hơn. Nếu nói tới chiến thắng 30-4-1975 mà chỉnói về năm cánh quân trên năm hướng tiến công, tức là chỉ nói về các "quả đấm chủ lực" thì không đủ mà phải thấy đây thựcsự là một cuộc "Tổng tiến công và nổi dậy" toàn thắng. "Quả đấm chủ lực" - những binh đoàn cơ động là lực lượng nòng cốt của đấu tranh quân sự, với những đòn "điểm huyệt" đã đánh trúng, đánh hiểm ở những trận then chốt và then chốt quyết định.

Nhưng để giải quyết đồng loạt, rộng khắp, kịp thời làm cho cả bộ máy chính quyền và đội ngũ quân địch tan rã thì phải thấy rõvai trò tiến công và nổi dậy của lực lượng tại chỗ, của lực lượng chính trị quần chúng, trong đó có lực lượng của những ngườibị bắt buộc ở trong hàng ngũ của địch. Lực lượng tại chỗ tạo điều kiện cho các mũi tiến công của chủ lực cơ động. Ngược lại,"quả đấm chủ lực" tạo điều kiện cho lực lượng tại chỗ nhất loạt tiến công có hiệu quả.

Phải thấy rõ vai trò lãnh đạo nhạy bén,kịp thời, thống nhất của khu ủy, tỉnh ủy và đảng ủy các cấp cơ sở trong những ngày Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.Trong đó, phải ghi nhận hai người giữ trọng trách hàng đầu là Bí thư Khu ủy và Tư lệnh Quân khu. Quân khu 5, Bí thư Võ Chí Công (Năm Công), Tư lệnh Chu Huy Mân (Hai Mạnh); Quân khu 6, Bí thư Trần Lê (Năm Hòa), Tư lệnh Nguyễn Trọng Xuyên;Quân khu 7, Bí thư Lê Quang Chữ, Tư lệnh Lê Văn Ngọc; Quân khu 8, Bí thư Huỳnh Châu Sổ (Năm Bê), Tư lệnh Lê Quốc Sản;Quân khu 9, Bí thư Vũ Đình Liệu, Tư lệnh Lê Ngọc Hưng; Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Bí thư Mai Chí Thọ,

Tư lệnh Trần Hải Phụng; Quân khu Trị - Thiên, Bí thư Khu ủy kiêm Tư lệnh Quân khu Lê Tự Đồng. Trong suốt hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của quần chúng đã phát triển thành ba lực lượng: lực lượng vũ trang cách mạng; lực lượng chính trị, cơ sở cách mạng trong lòng địch, lực lượng quần chúng; lực lượng quần chúng bị bắt buộc.

Cả ba lực lượng này chuyển hóa vào từng con người một. Nhưng với sự lãnh đạo tài tình, thấm đẫm tính nhân văn của Đảng ta, đã tạo ra động lực thúc đẩy để các lực lượng này có cơ hội bộc lộ và pháthuy khả năng tạo nên sức mạnh, hiệu quả góp phần vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy thần tốc, đúng tinh thần chỉ đạo củaTrung ương Cục là: "xã giải phóng xã", "huyện giải phóng huyện", "tỉnh giải phóng tỉnh".

Các lực lượng của cách mạng đã hiệp đồng chặt chẽ, kết hợp và cộng hưởng tạo nên sức mạnh to lớn "đánh bật quân xâm lược Mỹ" rồi làm tan rã và quật đổ chínhquyền tay sai, dù chúng có một bộ máy đồ sộ, với 1,1 triệu quân được trang bị hiện đại, dưới sự bảo trợ của quan thầy ngoạibang. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng chữ "thời".

Trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng ta đã tận dụng thời cơ, chớp thời cơ để lãnh đạo quân và dân ta kháng chiến giành thắng lợi. Sau khi có Hiệp định Paris (tháng1/1973), Mỹ buộc phải rút hết quân đội ra khỏi miền Nam, nhưng chưa rút xong. Chính quyền tay sai Sài Gòn thực hiện ráo riếtchiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" nhưng chưa triển khai được nhiều. Khi ta đánh "đòn thăm dò chiến lược" Phước Long, địch không dám phản ứng lại, thì đây là thời cơ ta tổng tiến công và nổi dậy giải quyết dứt điểm cuộc chiến tranh.

Có thể nói đến cuối năm 1974, trước cuộc Tổng tiến công năm 1975, ở trong nước và cả quốc tế đều thống nhất "đánh cho ngụy nhào". Đây là thời điểm vàng ngọc, thực sự đã tạo ra sức mạnh tổng hợp - sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế. Nếu để chậm một chút thì chưa chắc đã còn sức mạnh như thế. Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chọn đúngthời cơ và tổ chức thắng lợi, hài hòa và rất hiệu quả cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Chính vì "quả đấm chủ lực" của ta thực hiện đòn mở đầu đánh vào huyệt điểm Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên, đã làm thay đổi nhanh cục diện chiến trường, đẩy quân đội Sài Gòn lâm nhanh vào thế bị động, lúng túng, dẫn đến hoang mang, dao động, vỡ trận, tan rã, sụp đổ trước sức mạnh như nước vỡ bờ của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trên khắp miền Nam.

Cùng với đó, chúng ta không bao giờ quên, sức mạnh của chúng ta có được còn nhờ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ to lớn của nhân dân Liên Xô, nhân dân Trung Quốc, cách mạng Lào và Campuchia, các nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân và chính phủ các nước yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân và nhiều nghị sĩ tiến bộ Mỹ. Đúng như đồng chí Lê Duẩn nói: Sức mạnh dân tộc đã kết hợp chặt chẽ với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh to lớn chiến thắng quân thù.

Đối với dân tộc ta, đây là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử. Nó kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm kháng chiến, cứu nước, giải phóng miền Nam, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Nó trực tiếp góp phần to lớn với cách mạng Lào và Campuchia cùng hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ trong năm 1975.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước của nhân dân ta có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là sự lãnh đạo của Đảng với tư duy khoa học, biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại. Thắng lợi trọn vẹn của chúng ta còn một nguyên nhân cơ bản nữa là tư tưởng "nhân ái", tư tưởng "nhân nghĩa" bắt nguồn từ truyền thống văn hóa của dân tộc: “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo". Tư tưởng này đã kết tinh ở một con người của thời đại - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác đã dạy chúng ta "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", chứ Bác không nói "Đánh tiêu diệt". Tư tưởng đó đã chuyển hóa vào hoạt động chính trị, quân sự, ngoại giao,... Đa số chiến sĩ và đồng bào cả nước thể hiện tư tưởng "nhân ái" ở chỗ: Trong chiến tranh, khi bắt được tù binh địch, ta đối xử tử tế, cho ăn uống chu đáo rồi trao trả hết, kể cả lính và sĩ quan Mỹ và các nước chư hầu, kể cả ác ôn địch và chúng ta không có hận thù, trả thù.

Chính vì không có cuộc trả thù "tắm máu" nào, quân đội và bộ máy chính quyền địch tan rã tại chỗ nên các đô thị của miền Nam hầu như còn nguyên vẹn, không bị tàn phá. Đây là yếu tố tiên quyết, là cơ sở nền tảng cho sự ổn định chính trị để đất nước đứng vững và phát triển đi lên. Số người trong quân đội và chính quyền Sài Gòn trước đây, kể cả ở trong nước và đi di tản, phần lớn bây giờ họ đã và đang hướng về Tổ quốc nhờ chính sách nhân ái này. Đây là điều minh chứng hùng hồn chotinh thần "đại đoàn kết dân tộc" để giành "chiến thắng trọn vẹn" của cách mạng Việt Nam.

Trong suốt 21 năm, Đảng ta và dân tộc ta trải qua một cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ để chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược,không chỉ đem lại điều hết sức bất ngờ cho toàn nhân loại, cho cả người Mỹ, và như tôi - người đã trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu này - đến nay, tôi vẫn suy nghĩ vì sao ta thắng quân xâm lược Mỹ?. Vì dân tộc ta có truyền thống yêu nước nồng cháy, có nền văn hóa hàng nghìn năm với tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ".

Lịch sử đã đem lại cho Việt Nam cơ may là bắt gặp tư tưởng của thời đại - cuộc cách mạng vô sản thế giới và cuộc cách mạng giành độc lập của các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Dân tộc ta đã sản sinh ra người con vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã đem tư tưởng của thời đại vận dụng vào Việt Nam để Việt Nam tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đánh đổ mọi kẻ thù xâm lược.

Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ cho nhân dân ta đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo trong cuộc đấu tranh toàn dân toàn diện: với lực lượng ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích); với ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn và đô thị); với ba mặt trận (chính trị, quân sự, ngoại giao). Nói cụ thể hơn, ta có một mặt trận đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, cô lập kẻ thù cao độ để chiến thắng chúng.

Đế quốc Mỹ đưa đội quân xâm lược định thống trị nước ta, nhưng chúng đã sa lầy trong biển cả chiến tranh nhân dân rất sáng tạo và mưu lược của ta. Mưu lược chỉ đạo trong cuộc chiến tranh nhân dân của Đảng ta thật tài tình trong việc mở các mặt trận như: mặt trận Tây Nguyên, mặt trận đường 9, mặt trận nội đô, phối hợp mặt trận chính trị và mặt trận quân sự ở nội đô với quân chủ lực và vùng giải phóng bên ngoài,... Có thể nói, mưu lược chỉ đạo trong cuộc chiến tranh nhân dân của Đảng ta là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử dân tộc và các học thuyết, binh pháp của nhân loại.

                                Trích hồi ký “Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng”

 

Tuổi thơ của Đại tướng Lê Đức Anh và những ngày đầu tham gia cách mạng

"Tên ba má đặt là Lê Văn Giác. Năm đầu tiên đi học, mắt kém, lại tên là Giác, vần G thì phải ngồi ở phía sau, nên thầy giáo nói với ba má tôi đổi tên sang vần A để được ngồi lên phía trên, nhìn bảng cho rõ hơn. Ba má tôi nhất trí với thầy đổi tên Giác thành tên Anh. Và tôi mang tên Lê Đức Anh từ đó", trích Hồi ký của Đại tướng Lê Đức Anh.

 

Người quê nhớ Đại tướng Lê Đức Anh chỉ thích nước chè xanh xứ Truồi

Anh Thành tâm sự, anh đã từng 3 lần được gặp Đại tướng Lê Đức Anh khi ông về thăm quê nhà. “Mỗi lần về, ông thường thích dùng những món ăn đơn giản ở quê hương. Đặc biệt một thứ không thể thiếu được là nước chè xanh xứ Truồi".

 

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Ấn tượng ‘lời thề’ giữa Trường Sa của Đại tướng Lê Đức Anh với các vị tiền nhân

Thiếu tướng Lê Mã Lương cho biết, ông đặc biệt ấn tượng, xúc động với bài phát biểu dài hơn 7 phút của Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh khi đến thăm Trường Sa năm 1988.