Đạm Ninh Bình: Không thể mãi trông chờ, ỷ lại vào nhà nước

Thứ hai, 10/12/2018, 06:08 AM

Chuyên gia kinh tế - TS. Bùi Trinh cho rằng, Đạm Ninh Bình muốn xin hỗ trợ cần phải làm rõ vì sao thua lỗ bởi trong cơ chế thị trường không thể mãi trông chờ, ỷ lại vào nhà nước.

dam-ninh-binh-khong-the-mai-trong-cho-y-nai-vao-nha-nuoc
Đạm Ninh Bình kiến nghị không xếp hạng tín dụng với công ty, đồng thời cho phép kéo dài tín dụng vay lên 20 năm với VDB. Ảnh minh họa

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa có báo cáo tình hình trả nợ vay đầu tư Dự án Đạm Ninh Bình. Theo đó, Đạm Ninh Bình đang trong cảnh hết sức khó khăn và bản thân tập đoàn dù đã rất nỗ lực nhưng cũng không có đủ khả năng thu xếp nguồn tiền để trả nợ toàn bộ các khoản vay đến hạn trong năm 2018 cho chủ VDB.

Cụ thể, trong 2 năm 2008 - 2010, lãnh đạo tập đoàn này đã ký hai hợp đồng vay vốn với tổng số tiền cam kết cho vay là 3.340 tỷ đồng và 76 triệu USD (tương ứng 4.7770 tỷ đồng) để thực hiện dự án nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình. Tính đến ngày 31/8/2018, tổng dư nợ của hai hợp đồng tín dụng nói trên đã lên tới 2.658 tỷ đồng và 1,69 triệu USD.

Tổng số tiền gốc phải trả và tiền lãi phát sinh, lãi quá hạn chưa trả tính đến tháng 9/2018 mà Đạm Ninh Bình phải trả cho VDB lên tới 473,3 tỷ đồng và 324.700 USD. Trong số này, đến nay Vinachem mới trả nợ gốc được tổng cộng 50 triệu đồng và 324.700 USD. Tổng số tiền gốc và lãi bao gồm cả nợ gốc và lãi quá hạn chưa được tập đoàn thanh toán cho chủ nợ lên tới 473,2 tỷ đồng.

Trước khó khăn trên, trong văn bản gửi Chính phủ mới đây, lãnh đạo Đạm Ninh Bình kiến nghị không xếp hạng tín dụng với công ty, đồng thời cho phép kéo dài tín dụng vay lên 20 năm với VDB. Cùng đó, công ty xin được cân đối trả nợ gốc theo dòng tiền thực tế và theo tỷ lệ tài trợ vốn trung, dài hạn của các ngân hàng cho vay và cho phép điều chỉnh lãi suất tiền vay trong 5 năm (2017 đến 2021) là 3%/năm. Các khoản nợ lãi chưa trả đến 31/12/2016 được trả dần trong 5 năm tiếp theo.

Trước đề xuất của Vinachem đặt ra vấn đề: Nhà nước có nên tạo cơ chế cho Đạm Ninh Bình giãn nợ, giảm lãi suất vay?

Chuyên gia kinh tế - TS. Bùi Trinh cho rằng, Đạm Ninh Bình là một trong 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương, đây là dự án trọng điểm với kỳ vọng sản xuất sản phẩm phân đạm phục vụ nông nghiệp.

“Tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Công Thương dự án này liên tục thua lỗ kể từ khi đi vào hoạt động. Chính vì thua lỗ không trả được nợ nên xin kéo dài tín dụng vay. Vấn đề ở đây, cơ chế ưu đãi phải đi cùng với chiến lược kinh doanh triển vọng”, TS. Bùi Trinh cho biết.

dam-ninh-binh-khong-the-mai-trong-cho-y-nai-vao-nha-nuoc
Chuyên gia kinh tế - TS. Bùi Trinh cho rằng, Đạm Ninh Bình muốn xin hỗ trợ cần phải làm rõ vì sao thua lỗ bởi trong cơ chế thị trường không thể mãi trông chờ, ỷ nại vào nhà nước.

Theo TS. Bùi Trinh, Đạm Ninh Bình là doanh nghiệp nhà nước vốn đầu tư sản xuất từ ngân sách, từ tiền thuế của người dân. Nếu thua lỗ lại để phá sản là không được nhưng nếu muốn xin cơ chế ưu đãi thì doanh nghiệp này và Tập đoàn Hóa chất phải có phương án kinh doanh cùng những cam kết cụ thể.

“Ví dụ sản phẩm Đạm Ninh Bình làm ra sẽ cạnh tranh thế nào với phân đạm nhập khẩu? Có cạnh tranh được về giá bán, chất lượng không? Nếu những vấn đề này không khả thi thì dù kéo dài tín dụng vay 20 năm nữa chưa chắc Đạm Ninh Bình đã trả được nợ, thậm chí số nợ còn tăng lên”, TS. Bùi Trinh đánh giá.

Năm 2017, Bộ Công Thương báo cáo phân tích 6 nguyên nhân dẫn đến thua lỗ dự án Đạm Ninh Bình. Trong đó có việc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Ban quản lý dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình chưa kịp thời xử lý những thay đổi phát sinh, còn một số thiếu sót trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện dự án dẫn đến chi phí tăng cao trong đó, chi phí lãi vay phát sinh do chậm tiến độ thi công đưa nhà máy vào hoạt động hơn 527 tỷ đồng.

Ngoài ra còn do là do lực lượng lao động lớn. Tính đến ngày 31/12/2015, có 997 người trong khi theo báo cáo nghiên cứu khả thi chỉ có 603 người và chính điều này đã làm tăng chi phí đầu vào trong khi trình độ kĩ thuật và kinh nghiệm vận hành nhà máy còn yếu, chưa làm chủ được khoa học công nghệ.

Công tác quản lý, điều hành còn hạn chế, chưa chặt chẽ dẫn đến chênh lệch tại nhiều thời điểm về tồn kho, chênh lệch số lượng nhập xuất vật tư tiêu hao theo thống kê của các xưởng, phòng.

Đặc biệt, dây chuyền công nghệ của nhà máy hoạt động không ổn định, không đảm bảo công suất thiết kế, nhiều chỉ tiêu tiêu hao vật tư không đạt, phải dừng máy nhiều ngày (từ năm 2013 dừng 152 ngày, năm 2014 dừng 87 ngày, năm 2015 dừng 83 ngày).

Cuối cùng, Bộ cho rằng thị trường tiêu thụ còn khó khăn, tình hình biến động giá nguyên liệu, vật liệu ảnh hưởng tới giá bán sản phẩm đạm thành phẩm, sản phẩm sản xuất ra chậm tiêu thụ, tồn kho lớn. Nguồn vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh còn thiếu, hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa trên cơ sở vốn vay dẫn kến chi phí tài chính tăng cao.

Theo TS. Bùi Trinh hầu hết nguyên nhân thua lỗ yếu kém của Đạm Ninh Bình là do yếu tố con người, do chủ quan. Vấn đề ở đây là khắc phục thế nào? Với dây truyền hoạt động không ổn định, không đảm bảo công suất thiết kế. Với đội ngũ con người yếu kém lại đông về số lượng sẽ tăng chi phí doanh nghiệp…

Nếu không có phương án, không gỡ nút thắt khó khăn này thì Nhà nước không thể có cơ chế riêng hỗ trợ mãi được. Đạm Ninh Bình không thể trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước được.

 

5 trường hợp phong tỏa vốn, tài sản chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền trong nước.

 

Chuyên gia lý giải thẻ ATM trong túi nhưng vẫn mất tiền

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết, có nhiều người ghi mật khẩu thẻ ATM ngay trên thẻ, ghi trong sổ tay, trên giấy tờ khác. Đây là điều tối kị vì dễ bị mất cắp tài khoản.

 

Nợ khủng tại đạm Ninh Bình: Có nên 'cứu'?

Đạm Ninh Bình một trong 12 dự án yếu kém ngành Công Thương từng gây xôn xao dư luận đến nay vẫn chưa qua cơn "bĩ cực".