Dân nguy cơ 'mất Tết' vì chưa được hỗ trợ lợn dịch: Chủ tịch xã nói huyện chỉ đạo dừng bằng miệng

Thứ sáu, 17/01/2020, 13:04 PM

Chủ tịch UBND xã Hồng Hà cho biết, sở dĩ gia đình người nông dân có 214 con lợn với trọng lượng trên 14,7 tấn bị dịch tả Châu Phi chưa nhận được hỗ trợ là do lãnh đạo huyện Đan Phượng chỉ đạo dừng "bằng miệng".

Gia đình người nông dân đứng trước nguy cơ

Gia đình người nông dân đứng trước nguy cơ "mất Tết" vì hàng tấn lợn mắc dịch tả Châu Phi chưa nhận được đền bù.

Mất Tết vì chưa được đền bù dịch tả lợn Châu Phi

Vụ việc gia đình người nông dân Phạm Như Thủy (Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội) có đàn lợn hàng trăm con đến tuổi xuất chuồng, trọng lượng hơn 14,7 tấn bị tiêu hủy vì dịch tả lợn Châu Phi gửi đơn kêu cứu vì chưa nhận được tiền hỗ trợ đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trong khi Tết nguyên đán Canh tý 2020 đang đến gần thì gia đình người nông dân này vẫn hàng ngày ngóng chờ thông tin trả lời của cơ quan chức năng về những lá đơn kiến nghị gửi đi chưa thấy hồi âm trở lại.

Gia đình ông Thủy quanh năm gắn bó với nghề chăn nuôi bởi ruộng đồng thì ít. Bởi vậy việc hơn 464 con lợn bị tiêu hủy (trong đó có 214 con lợn đến tuổi xuất chuồng, 250 con lợn giống) đến nay chưa hề nhận được đồng hỗ trợ nào khiến gia đình lâm cảnh túng bấn.

Giấy chứng nhận kiểm dịch đối với 250 con lợn giống mà gia đình ông Phạm Như Thủy nhập về.

Giấy chứng nhận kiểm dịch đối với 250 con lợn giống mà gia đình ông Phạm Như Thủy nhập về.

"Nếu tính giá hỗ trợ đang được nhà nước áp dụng thì 214 con lợn của chúng tôi cũng được gần 500 triệu đồng. Chi phí chẳng đáng gì so với công chăm sóc của chúng tôi khi đàn lợn này nuôi được gần 1 năm trời. Đến nay gia đình không biết lấy chi phí đâu trả nợ, tái đàn... Tết này coi như chúng tôi đã mất Tết...", ông Thủy đau xót nói.

Mong muốn lớn nhất của gia đình ông Thủy là lãnh đạo UBND TP Hà Nội cùng các ngành chức năng xem xét hỗ trợ cho gia đình 214 con lợn đến tuổi xuất chuồng còn riêng 250 con lợn giống bị phạt vì nhập trong thời gian có dịch bệnh thì gia đình xin chấp nhận không đền bù.

Dừng hỗ trợ theo chỉ đạo miệng của lãnh đạo huyện Đan Phượng

Trao đổi với PV về lý do chưa hỗ trợ 214 con lợn đã đến tuổi xuất chuồng của gia đình lão nông Phạm Như Thủy, ông Nguyễn Đình Đà - Chủ tịch UBND xã Hồng Hà (Đan Phượng) cho biết: Khoảng tháng 7-8/2019, huyện tiến hành họp về nội dung hỗ trợ các gia đình nông dân có lợn bị dịch tả Châu Phi.

Tại cuộc họp này, lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng đã kiến nghị dừng hỗ trợ lợn dịch đối với gia đình ông Phạm Như Thủy và được Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng đồng ý. Tuy nhiên, ông Đà cho biết, tất cả kiến nghị và chỉ đạo này chỉ là bằng miệng nói chứ không có văn bản cụ thể.

Chủ tịch UBND xã Hồng Hà nói rằng, lý do và khúc mắc lớn nhất trong việc gia đình ông Phạm Như Thủy chưa được hỗ trợ 214 con lợn đến tuổi xuất chuồng mắc dịch tả Châu Phi là bởi hành vi nhập 250 con lợn trong thời gian địa phương có dịch.

PV đặt tiếp câu hỏi rằng, việc nhập 250 con lợn giống của ông Thủy đã có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch và đã bị địa phương xử phạt hành chính 2,5 triệu đồng rồi vậy thì việc dừng hỗ trợ đối với 214 con lợn của gia đình ông Thủy có được hiểu là hành vi phạt tiếp không? Lúc này ông Đà nói rằng, gia đình ông Thủy nhập 250 con lợn giống trong thời gian địa phương đang có dịch.

Đồng thời khẳng định trước sau gia đình ông Thủy cũng sẽ nhận được hỗ trợ nhưng chỉ là chưa biết thời gian là bao lâu bởi còn xin ý kiến của TP.

Địa phương có dịch từ trước khi gia đình ông Thủy nhập lợn giống

Thông tin thêm với PV, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà cho biết: Ở địa bàn xã xuất hiện lợn dịch từ tháng 3/2019 và bùng phát vào tháng 4/2019 với nhiều hộ bị dịch, như vậy là dịch bệnh có trước thời điểm gia đình ông Thủy nhập 250 con lợn giống là tháng 6/2019.

Ông Đà cũng cho biết, địa phương đã làm đề nghị hỗ trợ đối với đàn lợn 214 con đến tuổi xuất chuồng của gia đình ông Thủy bởi đây là đàn lợn nuôi từ 2018, trước thời điểm dịch tả Châu Phi xuất hiện. Tuy nhiên, hiện tại vẫn phải chờ phản hồi từ huyện Đan Phượng và Chi Cục chăn nuôi của TP.

Đơn kêu cứu của gia đình người nông dân có lợn bị tiêu hủy vì dịch Châu Phi nhưng chưa được hỗ trợ.

Đơn kêu cứu của gia đình người nông dân có lợn bị tiêu hủy vì dịch Châu Phi nhưng chưa được hỗ trợ.

Trong khi đó, trao đổi với PV, lão nông Phạm Như Thủy cho biết: Ông Đà cũng như lãnh đạo UBND xã Hồng Hà cũng nói thế với ông rất nhiều lần rồi nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì.

Trao đổi qua điện thoại với PV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Sẽ chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra vụ việc này.

Hoàn toàn đủ điều kiện nhận hỗ trợ

Luật sư Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư Hà Nội), khẳng định gia đình lão nông Phạm Như Thủy hoàn toàn đủ điều kiện để nhận được hỗ trợ đối với đàn lợn 214 con bị tiêu hủy vì dịch tả Châu Phi bởi đàn lợn 214 con này gia đình ông Thủy nuôi từ trước thời điểm địa phương xuất hiện dịch.

"Đối với trường hợp hộ gia đình ông Phạm Như Thủy thì có đủ điều kiện để được nhận hỗ trợ đối với việc đàn lợn 214 con đến tuổi xuất chuồng bị tiêu hủy do mắc dịch tả Châu Phi bùng phát: Nghị định số 02/2017/NĐ/CP về chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng thiệt hại thiên tai, dịch bệnh quy định quy định về Đối tượng và điều kiện để được hỗ trợ (Điều 2 và Điều 4) thì cơ bản gia đình ông Thủy đã đủ điều kiện để được hỗ trợ theo quy định.

Và số tiền hỗ trợ cho ông Thủy là hỗ trợ một phần chi phí vật nuôi, chi phí sản xuất ban đầu (không phải đền bù thiệt hại).

Việc gia đình ông Thụy có nhập đàn lợn con 250 con (đã có giấy tờ kiểm dịch rõ ràng và trình tự thủ tục đúng quy định) nhưng sau đó cũng bị tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi và bị xử phạt hành chính không hề liên quan và ảnh hưởng đến việc phải hỗ trợ cho đàn lợn đã đến tuổi xuất chuồng 214 con bị tiêu hủy do mắc bệnh dịch.

Theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 793/QĐ-TTg năm 2019 quyết định về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi thì mức hỗ trợ sẽ được áp dụng là 25.000 đồng/kg lợn hơi và nguồn kinh phí hỗ trợ sẽ được lấy từ ngân sách nhà nước theo quy định tại quyết định này", luật sư Tùng phân tích.

Cũng theo luật sư Hoàng Tùng, thủ tục để tiến hành xin hỗ trợ theo quy định của pháp luật bao gồm: Khi bị thiệt hại, các hộ sản xuất phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, tiến hành thống kê, đánh giá thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp lên Ủy ban nhân dân cấp xã để giải quyết theo quy định.

Hồ sơ xin hỗ trợ bao gồm: Đơn đề nghị hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai theo các Mẫu số 1, 2, 3, 4 và 5 tại Phụ lục I ban hành kèm theo; kèm theo Bản kê khai sản xuất ban đầu theo Mẫu số 6 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có)Bảng thống kê thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai có xác nhận của thôn, bản, khu dân cư.

Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, UBND các cấp (đối với dịch bệnh) phải có ý kiến trả lời bằng văn bản hoặc thông báo kết quả giải quyết cho các hộ sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Như vậy, chậm nhất là 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ thì các cơ quan phải có ý kiến trả lời bằng văn bản hoặc thông báo kết quả giải quyết cho các hộ có hồ sơ trình lên. 

"Đối với trường hợp của gia đình ông Thủy thì UBND huyện Đan Phượng cần phải xem xét lại hồ sơ và cách làm việc của các phòng ban có trách nhiệm liên quan để xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Trường hợp thiếu giấy tờ, văn bản hoặc có vấn đề gì thì phải thông báo cho hộ ông Thủy bằng văn bản rõ ràng theo quy định của pháp luật", luật sư Hoàng Tùng kiến nghị.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/dan-nguy-co-mat-tet-vi-chua-duoc-ho-tro-lon-dich-chu-tich-xa-noi-huyen-chi-dao-dung-bang-mieng-149837.html