Luật sư: 'Danh hài Trường Giang bị liên đới trách nhiệm nếu Asanzo vi phạm'

Thứ sáu, 28/06/2019, 00:00 AM

Theo luật sư, trong trường hợp Asanzo bị cơ quan chức năng kết luận có sai phạm "nhập hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam", thì với cương vị đại sứ thương hiệu danh hài Trường Giang cũng có phần liên đới trách nhiệm.

Danh hài Trường Giang được biết đến là đại sứ thương hiệu của nhãn hàng tivi smart của Asanzo.
Danh hài Trường Giang được biết đến là đại sứ thương hiệu của nhãn hàng tivi smart của Asanzo.

Liên quan đến vụ việc Công ty CP điện tử Asanzo bị phản ánh có dấu hiệu nghi vấn nhập hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam, đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận.

Hiện tại Bộ Công an đã chỉ đạo các cơ quan liên quan thu thập thông tin, điều tra để xử lý. Tuy nhiên, một giả thiết đặt ra được dư luận quan tâm đó là nếu cơ quan chức năng điều tra và kết luận Asanzo có vi phạm thì những người nghệ sĩ làm đại sứ thương thiệu cho hãng này có phải chịu trách nhiệm hay không?

Đơn cử như việc danh hài Trường Giang, là người được biết đến với vai trò đại sứ thương hiệu của Asanzo khi xuất hiện trong nhiều clip quảng cáo của hãng này, thì có phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Những nghệ sĩ phải làm gì để tránh việc làm đại sứ thương hiệu cho doanh nghiệp làm ăn gian dối? Pháp luật quy định thế nào về quyền lợi và trách nhiệm của việc làm đại sứ thương hiệu?

Để làm rõ thắc mắc trên, PV có cuộc trao đổi với luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP HCM). Theo luật sư Bình, để đánh giá đúng sai về Asanzo chúng ta hãy đợi có kết quả chính thức của cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, giả sử trong trường hợp Asanzo bị kết luận có sai phạm thì cần làm rõ rằng việc danh hài Trường Giang ký hợp đồng trực tiếp với nhãn hàng hay là ký qua một Công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo, bởi quyền và nghĩa vụ sẽ có sự khác nhau.

Trường Giang chính thức trở thành đại sứ cho thương hiệu Asanzo trong ngày thương hiệu mới.
Trường Giang chính thức trở thành đại sứ cho thương hiệu Asanzo trong ngày thương hiệu mới.

"Khoản 8 Điều 2 Luật quảng cáo định nghĩa người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp đưa các sản phẩm quảng cáo đến công chúng hoặc thể hiện sản phẩm quảng cáo trên người thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự.

Tại Điều 8 Luật quảng cáo nghiêm cấm các hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Điều 10 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nghiêm cấm hành vi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác.

Điều 13 luật này cũng quy định rõ trách nhiệm của bên thứ 3 trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng.

Cụ thể: Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua bên thứ 3 thì bên thứ 3 có trách nhiệm: Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp;

Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp chứng cứ chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ; Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ; Tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, pháp luật về quảng cáo...

Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật quảng cáo và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật", luật sư Bình phân tích.

Từ những quy định của pháp luật nêu trên, luật sư cho rằng: Các tổ chức kinh doanh quảng cáo hoặc người truyền tải sản phẩm quảng cáo (trong trường hợp Asanzo là danh hài Trường Giang) phải có trách nhiệm trong việc yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp chứng cứ chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ.

"Do đó, nếu các nghệ sỹ khi thực hiện quảng cáo đại diện cho nhãn hàng mà không kiểm tra thông tin sản phẩm mình nhận (ngoại trừ chứng minh mình đã tuân theo quy định) thì sẽ liên đới chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật", luật sư Bình nhìn nhận.

Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam thừa nhận sản phẩm của Asanzo
Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam thừa nhận sản phẩm của Asanzo "không phải là hàng Việt Nam" khi trao đổi với báo chí?

Cũng liên quan đến vụ việc Asanzo, trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội đặt câu hỏi rằng: Thời gian qua lực lượng quản lý thị trường đã ở đâu, cảnh sát kinh tế và chính quyền địa phương ở đâu khi liên tục để xảy ra những vụ việc gian lận thương mại như Khaisilk, xăng giả của Trịnh Sướng và bây giờ là vụ việc nghi vấn của Asanzo?

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú bình luận rằng, việc Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam thừa nhận trên báo chí rằng: Sản phẩm của Asanzo "được sở hữu từ Công ty Việt Nam nhưng nó không phải là hàng Việt Nam" là điều không chấp nhận được.

Ông Phú nói: "Nếu không phải hàng Việt Nam thì cớ làm sao doanh nghiệp lại đăng ký là Hàng Việt Nam chất lượng cao?".

Nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, Asanzo có dấu hiệu vi phạm rất nhiều và điều này đã làm mất lòng tin của người tiêu dùng vào hàng Việt Nam. Làm mất đi bản chất tốt đẹp của cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt và làm người tiêu dùng nghi ngờ những sản phẩm của doanh nghiệp làm ăn chân chính.

 

Sunhouse lên tiếng về sản phẩm thương hiệu Việt Nam nhưng xuất xứ Trung Quốc và được Hàn Quốc kiểm định

Sunhouse đã phát đi thông cáo về việc sản phẩm được quảng cáo là thương hiệu Việt Nam, chuyên gia Hàn Quốc kiểm định nhưng lại có xuất xứ từ Trung Quốc đang khiến dư luận hoang mang.

 

Nhà máy Sunhouse từng bị người dân tố gây ô nhiễm môi trường?

Nhà máy sản xuất của Sunhouse tại Quốc Oai (Hà Nội) bị người dân phản ánh xả nước thải, khói gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, trả lời báo chí, đại diện Sunhouse cho hay, hồ sơ nhà máy sản xuất của doanh nghiệp này tại Quốc Oai được đơn vị nộp để gửi đi chứng nhận DN đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC).

 

Làm đại sứ thương hiệu cho Asanzo, danh hài Trường Giang bị liên lụy?

Nếu kết quả điều tra của Bộ Công an chứng minh Asanzo nhập hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam, với vai trò đại sứ thương hiệu danh hài Trường Giang liên đới trách nhiệm thế nào?