Đất vàng 69 Nguyễn Du bị TTCP 'sờ gáy' đang nằm trong tay ai?

Thứ năm, 09/04/2020, 12:01 PM

Khu đất vàng 69 Nguyễn Du với gần 600m2 từng được Thanh tra Chính phủ đề cập trong kết luận thanh tra Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN).

Khu đất vàng 69 Nguyễn Du.

Khu đất vàng 69 Nguyễn Du.

Thanh tra Chính phủ vừa quyết định thanh tra việc chuyển nhượng "khu đất vàng” 69 Nguyễn Du (Hà Nội) cùng với dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Trong số này, dư luận đặc biệt quan tâm đến những vấn đề liên quan đến "khu đất vàng" 69 Nguyễn Du. Theo tìm hiểu đây là khu đất từng được nhắc đến trong kết luận PVN (Tập đoàn dầu khí Việt Nam) của Thanh tra Chính phủ.

Theo đó, lô đất 69 Nguyễn Du trước đây là biệt thự, rộng 570m2, được Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP Hà Nội bán chỉ định để xây dựng trụ sở làm việc theo văn bản số 1665/TTg-KTN ngày 6/10/2008.

PVC sau đó đã lập dự án với tên gọi "Toà nhà văn phòng 69 Nguyễn Du", quy mô 8 tầng. Dự án có tổng diện tích sàn (cả tầng hầm) là 4.361,5 m2 dự kiến cung cấp các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu làm việc hàng ngày của PVC và các đối tác thuê văn phòng tại đây.

Theo kết luận thanh tra trước đây của Thanh tra Chính phủ, ngày 31/12/2009, PVC đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng căn biệt thự này cho Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản Hợp Thành với giá gần 96 tỷ đồng.

Do thời gian và nội dung thanh tra được quy định và tại thời điểm đó, Công an TP Hà Nội cũng đang tiến hành điều tra việc mua, bán căn nhà 69 Nguyễn Du nên Thanh tra Chính phủ không đi sâu xác minh.

Được biết, Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành là doanh nghiệp khá nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Đây là doanh nghiệp được nhắc đến trong vụ lùm xùm bàn giao cảng Quy Nhơn.

Ông chủ của Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành là ông Lê Hồng Thái, sinh năm 1974, quê gốc Thái Bình.

Năm 2002, ông Lê Hồng Thái thành lập Công ty TNHH Hợp Thành tại Thành phố Thái Bình, chuyên sản xuất xơ sợi polyester.

Sáu năm sau ông Lê Hồng Thái giữ vai trò Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Xây lắp Dầu khí Imico (PVC-IMICO) - đơn vị thành viên của Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC). Đến năm 2010, ông Lê Hồng Thái được bầu làm Uỷ viên HĐQT của PVC. 

Năm 2013, Khoáng Sản Hợp Thành có tổng tài sản 2.733,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 460 tỷ đồng, nắm trong tay một loạt Công ty con như: Công ty Gang thép Hà Tĩnh, Công ty Sắt Vũ Quang, Công ty Hóa Cốc Hà Tĩnh, Công ty Khoáng sản Vạn Lợi Quảng Ngãi, Công ty sản xuất Sô Đa Chu Lai, Công ty Khoáng sản Miền Trung,...

Cũng trong thời gian này, Khoáng sản Hợp Thành đầu tư mạnh vào mảng bất động sản với dự án 132 Nguyễn Trãi, 69 Nguyễn Du, tòa nhà văn phòng Mitec, dự án khách sạn SeaDragon tại Quảng Ninh, dự án HH3-Khu đô thị Nam An Khánh, tòa nhà văn phòng số 2 Lê Văn Lương...Doanh nghiệp này tiếp tục gây chú ý bằng việc mua 24,27% cổ phần cảng Vinalines Đình Vũ hay thương vụ “sang tay” Khách sạn Deawoo…

Đề cập đến thương vụ cảng Quy Nhơn, tờ Vietnamfinance.vn trong bài viết ‘Lùm xùm’ bàn giao cảng Quy Nhơn: Công ty Hợp Thành khai ‘vống’ mức đầu tư? phản ánh: Quá trình bàn giao cảng Quy Nhơn về Vinalines tưởng như đơn giản theo quyết định của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình chỉ đạo vào tháng 3/2019. Tuy nhiên, sự việc bỗng “ngoài dự đoán” khi Công ty Hợp Thành yêu cầu định giá hiện tại lên tới 751 tỷ đồng (thay vì 415 tỷ đồng, tương đương 75,01% cổ phần đã mua trước đó). Vinalines cho rằng, đây là những đòi hỏi vô lý.

Được biết, ông Lê Hồng Thái đã thoái vốn tại Khoáng sản Hợp Thành và Công ty TNHH Hợp Thành.

Bài liên quan