Đầu tư nhà ga hàng không: Lợi nhuận thu hồi chậm vì sao doanh nghiệp vẫn đổ tiền vào

Thứ tư, 27/02/2019, 06:02 AM

Đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng hàng không lợi nhuận thu hồi lâu nhưng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, lan tỏa cho phát triển kinh tế vùng, nâng cao vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

dau-tu-nha-ga-hang-khong-loi-nhuan-thu-hoi-cham-vi-sao-doanh-nghiep-van-do-tien-vao
Đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng hàng không lợi nhuận thu hồi lâu nhưng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, lan tỏa cho phát triển kinh tế vùng, nâng cao vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Tập đoàn FLC là nhà đầu tư thứ ba và mới nhất nộp đơn xin tham gia nghiên cứu đầu tư xây dựng Nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Nếu được chấp thuận, FLC cam kết sẽ cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu hình thức đầu tư phù hợp và thực hiện xây dựng Nhà ga T3 theo đúng quy hoạch được duyệt sau 1 năm thi công.

Trước đó, Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương – IPP vừa có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị được cùng với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) đầu tư Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Đây là lần thứ  2 trong khoảng 1 năm trở lại đây, IPP do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐTV xin tham gia đầu tư vào Nhà ga T3.

Vietjet được xem là nhà đầu tư đầu tin xin nghiên cứu đầu tư nhà ga T3 khi ngay từ tháng 1/2017, hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam đã đề nghị Bộ GTVT cho phép đầu tư nhà ga T4 có công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm tại lô đất tiếp giáp khu vực sân đỗ 21 ha.

Ngoài nhà ga T4, Vietjet cũng xin đầu tư Dự án Tổ hợp kỹ thuật và dịch vụ hàng không Vietjet tại khu đất 30 ha – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, với tổng mức đầu tư lên tới 3.048 tỷ đồng để xây dựng 1 nhà ga hàng hóa công suất 300.000 ha/năm; khu sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật tàu bay và chế biến suất ăn.

Không chỉ riêng sân bay Tân Sơn Nhất, có thể nói đang có làn sóng doanh nghiệp “xếp hàng” xin đầu tư sân bay. Điển hình trường hợp Sungroup đầu tư sân bay Vân Đồn.

Theo Quyết định 236/QĐ-TTg được Thủ tướng phê duyệt ngày 23/2/2018, đến năm 2030, Việt Nam sẽ khai thác tổng cộng 28 sân bay gồm 15 sân bay quốc nội và 13 sân bay quốc tế, trong đó Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành là các cửa ngõ quốc tế trọng điểm.

Để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao của ngành hàng không, Quyết định 236 đã đưa ra các định hướng quy hoạch phát triển theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng tập trung cho phát triển thêm các đường bay theo mô hình hoạt động “điểm - điểm”; khuyến khích việc mở các chuyến bay quốc tế đi/đến các cảng hàng không có nhu cầu và tiềm năng phát triển du lịch...

Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2018 của Bộ Công thương ghi nhận, đang có 22 cảng hàng không hoạt động, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế, 13 cảng hàng không nội địa. Trong 22 cảng hàng không này, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn mới đi vào hoạt động năm 2018, cho thấy làn sóng đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng hàng không, đang diễn ra mạnh mẽ.

Lào Cai xin phép triển khai dự án sân bay Sa Pa theo tiêu chuẩn 4C với tổng quy mô đầu tư lên đến 5.800 tỉ đồng. Dự án có thể tiến hành theo phương thức BOT với mục tiêu đạt công suất 1,5 triệu lượt khách/năm.

Ngoài Lào Cai, các tỉnh khác cũng đề xuất đầu tư cảng hàng không trong đó phải kể đến Bình Thuận với dự án sây bay trị giá 5.600 tỉ đồng, Vũng Tàu với dự án sân bay Gò Găng và sân bay Lộc An để phục vụ cho Khu du lịch Hồ Tràm Strip.

dau-tu-nha-ga-hang-khong-loi-nhuan-thu-hoi-cham-vi-sao-doanh-nghiep-van-do-tien-vao
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA).

Trước làn sóng nhà đầu tư vào cảng hàng không, trao đổi với phóng viên ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, việc doanh nghiệp đầu tư vào dự án nhà ga sân bay không phải đơn thuần chỉ là dự án giao thông mà trong đó tích hợp một dự án bất động sản kinh doanh đa ngành, trong đó có kinh doanh lữ hành.

Theo ông Lê Hoàng Châu mỗi doanh nghiệp khi đầu tư vào dự án nhà ga hàng không đều có tính toán riêng. Ví dụ như Tập đoàn FLC có hẳn cả hãng hàng không Bamboo Airways vì thế đầu tư nhà ga phục vụ cho hãng hàng không. Trong khi Jonathan Hạnh Nguyễn xin đầu tư nhà ga để có thể đưa sản phẩm hàng hiệu bán tại các cửa hàng trong sân bay…

“Dự án nhà ga hàng không là những dự án đặc biệt, không phải chỗ nào cũng có, đây là nhưng dự án được nhà nước quy hoạch, việc chọn chủ đầu tư dự án này do Chính phủ quyết định. Việc doanh nghiệp tư nhân xin đầu tư cho thấy vị thế mới của doanh nghiệp tư nhân”, ông Lê Hoàng Châu cho biết.

Ông Châu cũng nhấn mạnh, việc xin đầu tư nhà ga hàng không là xu thế của doanh nghiệp có năng lực. Những dự án này không chỉ khai thác phục vụ trực tiếp như FLC phục vụ hàng không Bamboo mà còn khai thác, thu hút khách đến điểm bất động sản, nghỉ dưỡng resort.

Sungroup đầu tư sân bay Vân Đồn dù không có hãng hàng không nhưng dự án của Sungroup tại Vân Đồn rất lớn, Vân Đồn lại dự kiến trở thành đặc khu kinh tế. Tương lai phát triển rất mạnh, do đó đây là những đầu tư nhà ga mang tính chiến lược của doanh nghiệp.

Thống kê từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho thấy, các sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP HCM), Cam Ranh (Khánh Hòa), Cát Bi (Hải Phòng), Phú Quốc (Kiên Giang), Liên Khương (Lâm Đồng)… đều đang hoạt động vượt công suất thiết kế.

Rất nhiều cơ hội đang mở ra trên bầu trời. Nhưng nếu không giải quyết được sớm những thách thức về hạ tầng, ngành hàng không có thể sẽ dẫm vào "vết xe đổ" của Indonesia. Khi có nhiều hãng hàng không hoạt động mà các sân bay vẫn xưa cũ, sẽ tạo áp lực lớn cho công tác quản lý, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cũng như tình trạng hoãn, hủy chuyến tràn lan.

 

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất: Đầu thầu chọn doanh nghiệp đủ năng lực vốn

Theo ông Nguyễn Văn Đực, việc doanh nghiệp xin đầu tư dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất là tín hiệu đáng mừng, để đảm bảo công bằng Bộ Giao thông vận tải cần đầu thầu chọn doanh nghiệp có năng lực tốt nhất.

 

Ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm 'ăn theo' thượng đỉnh Mỹ-Triều

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, ngân hàng triển khai chương trình tăng lãi suất tiết kiệm cho khách hàng gửi tiền vào đúng 3 ngày diễn ra sự kiện gồm 26, 27, 28/2.

 

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Cơ hội cho ngành bất động sản Việt Nam

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản Việt Nam.