ĐBQH: 'Kinh doanh nước sạch phục vụ người dân hay đẩy rủi ro cho người dân'

Thứ tư, 20/11/2019, 16:35 PM

Tại nghị trường Quốc hội, nhiều ĐBQH bày tỏ sự lo ngại về tình trạng nhà đầu tư Thái Lan nắm quyền kiểm soát Nhà máy nước sông Đuống. Đồng thời đặt câu hỏi việc này liệu có đẩy rủi ro cho người dân không?

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa bày tỏ quan điểm về kinh doanh nước sạch tại nghị trường Quốc hội. (Ảnh: VOV).
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa bày tỏ quan điểm về kinh doanh nước sạch tại nghị trường Quốc hội. (Ảnh: VOV).

Phiên thảo luận Luật Đầu tư (sửa đổi) diễn ra sáng 20/11, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội, vấn đề nước sạch ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân Hà Nội thời gian qua, cũng như việc nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm Công ty Cổ phần Nhà máy nước mặt sông Đuống đã được nhiều đại biểu nhắc đến.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP HCM) kiến nghị cần đưa kinh doanh nước sạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Từ trường hợp một tỉ phú Thái Lan sở hữu 34% vốn tại Công ty CP Nước mặt sông Đuống, ĐBQH TP HCM cũng đề nghị xem xét việc tham gia, sở hữu vốn của các nhà đầu tư nước ngoài trong những lĩnh vực then chốt như nước sạch.

Theo ĐBQH, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu vốn, sau đó lại bán cho một nhà đầu tư khác, rồi nhà đầu tư này lại bán cho người khác nữa, trong khi chúng ta không biết rõ chủ của họ là ai.

Bên cạnh đó, cho rằng nước sạch là vấn đề an ninh quốc gia, ảnh hưởng đến toàn bộ người dân nhưng pháp luật vẫn còn khoảng trống. Do đó, những đề nghị vừa nêu ông mong muốn được xem xét trong dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Ông Trương Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh pháp luật cởi mở với các ngành nghề kinh doanh, tuy nhiên đối với lĩnh vực nước sạch, cần có sự kiểm soát, hạn chế chuyển nhượng cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh: Quochoi.vn).
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh: Quochoi.vn).

Cùng nêu quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân Thu (Đoàn Khánh Hòa) đồng tình với việc cần siết chặt các điều kiện về kinh doanh nước sạch, bởi sau sự cố nước sạch Sông Đà bị ô nhiễm, đã ảnh hưởng đến sức khỏe hàng vạn hộ dân ở Hà Nội.

Trong khi đó, Phó trưởng Ban dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) đề nghị cần có thủ tục để kiểm soát việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, tránh tình trạng “tay không bắt giặc” hay các dự án lòng vòng.

Viện dẫn tình trạng nhà đầu tư người Thái Lan nắm quyền kiểm soát, tham gia hội đồng quản trị, vừa tham gia ban kiểm soát Nhà máy nước mặt sông Đuống, ĐBQH Nhưỡng lo ngại và đề nghị cần xem nhà đầu tư có thực sự làm dự án kinh doanh phục vụ nhân dân không hay chỉ kiếm lợi nhuận rồi đẩy rủi ro cho người khác, chính xác là đẩy rủi ro cho nhân dân.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/dbqh-kinh-doanh-nuoc-sach-phuc-vu-nguoi-dan-hay-day-rui-ro-cho-nguoi-dan-142389.html