ĐBQH phát hiện thuật ngữ 'thu giá' được hồi sinh trong dự thảo luật

Thứ năm, 12/11/2020, 06:27 AM

Thuật ngữ "thu giá" từng gây tranh cãi mạnh mẽ khi được Bộ GTVT dùng thay tên gọi cho "thu phí" (trạm thu giá thay trạm thu phí) nay "hồi sinh" trong dự thảo luật của bộ này.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thảo luận tại tổ ĐBQH sáng 11/11. (Ảnh: Thanh niên).

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thảo luận tại tổ ĐBQH sáng 11/11. (Ảnh: Thanh niên).

Thuật ngữ "thu giá" lại được đưa vào Dự thảo Luật Giao thông

Câu chuyện về việc Bộ GTVT đề xuất đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá rồi sau đó là trạm thu tiền và kết quả vẫn trở về tên gọi trạm thu phí trở thành một vòng luẩn quẩn thời gian qua gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Đã có lúc ngay cả các ĐBQH, Chủ tịch Quốc hội đã phải nhắc nhở Bộ này về việc "thay tên đổi họ" các trạm thu phí một cách bừa bãi và đề nghị bộ giữ nguyên tên gọi "trạm thu phí" để vừa dễ hiểu, vừa ngắn gọn.

Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội diễn ra ngày 11/11, thảo luận về 2 Dự án luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), một số ĐBQH tiếp tục phát hiện thuật ngữ "thu giá" hồi sinh trong dự thảo luật này.

ĐBQH Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho rằng việc Bộ GTVT lại đưa “thu giá” vào dự thảo luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là hơi “thiển cận”.

Theo đại biểu, đúng là hiện nay Việt Nam có nhu cầu thu hút vốn xã hội vào đầu tư cao tốc và đây là một chính sách mới trong dự thảo luật lần này. Tuy nhiên, dự thảo lại giải quyết chưa thoả đáng vấn đề tồn tại, thể hiện chính ở điều 48 - “Đầu tư xây dựng đường cao tốc để kinh doanh khai thác”.

Điều khoản này quy định, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng đường cao tốc được “thu giá” sử dụng đường cao tốc; được “thu giá” khai thác sử dụng lắp đặt công trình đường dây, cáp điện, viễn thông, ống cấp, thoát nước, ống dẫn năng lượng vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung của đường cao tốc…Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng đường cao tốc quy định cũng có nghĩa vụ “thu giá” sử dụng đường cao tốc theo quy định của Nhà nước…

“Tôi nghĩ nêu vấn đề này ra là nhiều điều phải bàn thảo đấy. Cách đây mấy kỳ họp, chính Bộ GTVT sửa một loạt biển tên thành trạm thu giá, đã nổi sóng rồi, cả trong nghị trường cả bên ngoài. Rất nhiều nhà ngôn ngữ học đã vào cuộc. Người ta nói là thu giá không có nghĩa, không đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt, giờ lại đưa vào luật này thì tôi nghĩ giải quyết hơi thiển cận. Không nên đưa vào đây”, đại biểu Nguyễn Trọng Bình nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Trọng Bình cho rằng không nên đưa

Đại biểu Nguyễn Trọng Bình cho rằng không nên đưa "thu giá" vào trong luật khi đã bị dư luận phản đối. (Ảnh: QH).

Theo đại biểu, nhà đầu tư đường cao tốc được phép thu tiền hoàn vốn thì nói thẳng là thu tiền cho rõ ràng, chứ không nên hợp thức hoá theo cách này.

“Đã gây tranh cãi rồi, Bộ GTVT đã rút lui rồi, giờ lại đưa vào trong luật “được thu giá sử dụng đường bộ” là không phù hợp, làm xấu vấn đề đi”, ông Bình nói.

Để Công an sát hạch lái xe thì mấy nghìn người giải quyết thế nào?

Báo Thanh Niên đưa tin: Ngoài ra, ông Bình cho rằng, hiện 2 luật này đang được tách một cách “cơ học”. “Nói là 2 bộ thống nhất cao rồi, mà tờ trình của Bộ GTVT vẫn đề nghị để Bộ GTVT làm quy chuẩn kỹ thuật các biển báo giao thông, nhưng quy tắc giao thông thì lại Bộ Công an làm.

Hệ thống biển báo có cái liên quan đến hạ tầng giao thông, có cái liên quan đến quy tắc giao thông, có bộ phận chuyên trách của Bộ GTVT làm rồi, giờ lại tách ra Bộ Công an làm”, đại biểu Bình chỉ ra và cho rằng có cảm giác 2 bộ đang chia việc.

Tương tự, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cũng cho rằng, dù Chính phủ và cơ quan thẩm tra nói là 2 bộ thống nhất cao, nhưng “các cơ quan ở địa phương là chưa thống nhất đâu ạ”.

Đại biểu bày tỏ băn khoăn vì 2 dự thảo đều chưa phân tích kỹ những bất cập của chính sách, nhưng “chưa chi đã đi vào những chuyện bếp núc rất cụ thể, liên quan đến việc này của bộ này, việc kia của bộ kia”, dẫn đến chồng chéo, “đọc rất mệt”.

“Việc đánh giá, sát hạch, cấp bằng lái xe, toàn bộ hệ thống cán bộ của Bộ GTVT đang làm, mấy nghìn người giờ giải quyết thế nào? Nếu chuyển sang Bộ Công an, rõ ràng chi phí lương, phụ cấp cao hơn hẳn ở Bộ GTVT, vì lương sĩ quan nó khác.

Cái đó đã đánh giá kỹ lại hay chưa, để cân nhắc những cái thuận lợi hơn với không thuận lợi bằng”, ông Tùng nêu băn khoăn.

Bài liên quan