ĐBQH tranh luận về thủy điện gây lũ miền Trung: 'Phát biểu như Bộ trưởng... chỉ có trời sai'

Thứ năm, 05/11/2020, 10:21 AM

Tranh luận tại nghị trường về thủy điện sau phần phát biểu của Bộ trưởng Công thương, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng nói: "Phát biểu như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thì mọi thứ chúng ta đều đúng, chỉ có trời sai vì mưa nhiều quá".

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuân Anh phát biểu trước Quốc hội về vấn đề thủy điện. (Ảnh: Zing.vn).

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuân Anh phát biểu trước Quốc hội về vấn đề thủy điện. (Ảnh: Zing.vn).

Sáng 5/11, Quốc hội bước vào ngày thứ 3 thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, vấn đề thủy điện và những hệ lụy mưa lũ miền Trung vừa qua được các Đại biểu Quốc hội mang ra "mổ xẻ".

Không duyệt thủy điện vượt quá 10 ha đất rừng cho 1 MW điện, sạt lở gắn với thời tiết

Trước đó, trong phiên làm việc chiều 4/11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có phần giải trình việc việc phát triển thủy điện.

Bộ Trưởng nói: "Chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng nhập khẩu, trong khi năng lượng sơ cấp đã gần hết. Năng lượng từ thủy điện là nguồn năng lượng rất quan trọng".

Đối với câu chuyện thủy điện ảnh hưởng như thế nào đến lũ bão, ngập lụt, sạt lở, thậm chí là động đất, Bộ trưởng Tuấn Anh thông tin đã 2 lần tham gia cùng đoàn công tác tại Quảng Bình, Quảng Trị và đợt công tác mới đây tại Quảng Nam, Quảng Ngãi. Qua khảo sát thực tế và đánh giá của cơ quan chuyên môn, phải khẳng định sạt lở đất gắn chặt với yếu tố thời tiết.

Theo báo cáo, lượng mưa ở một số tỉnh miền Trung rất lớn, lên đến hàng nghìn mm mỗi đợt. Thời gian lưu bão của cơn bão số 9 kéo dài đến 6 tiếng, tác động đến cấu tạo địa chất, điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương và gây ra sụt lở nghiêm trọng...

Theo Bộ trưởng, dự án thủy điện nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Pháp luật Việt Nam đã có quy trình về pháp lý rất bài bản, đảm bảo hiệu quả trong từng dự án.

Tiếp tục nói thêm, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh ở đây là Luật Đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật, báo cáo tác động môi trường. “Đây là những nhân tố cơ bản để giúp cấp có thẩm quyền đánh giá, xem dự án đó, cái nào là chủ đạo, có hiệu quả hay không, tác động tiêu cực còn có những gì”.

Bên cạnh đó, các dự án này phải đảm bảo điều kiện để hạn chế bớt tiêu cực, để khai thác tốt những ưu thế, lợi ích.

Về quản lý đất rừng tự nhiên, đại diện ngành công thương cho rằng khi triển khai dự án thủy điện có các khâu rất quan trọng. Đầu tiên là bổ sung quy hoạch, các địa phương có nhiệm vụ tuân theo các thông tư hướng dẫn, như Thông tư 43 của Bộ Công Thương. “Trong đó nói rõ tiêu chí sử dụng đất thế nào, nếu vượt quá 10 ha đất cho 1 MW thì không được xem xét”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Ông cũng cho biết thêm để bổ sung dự án thủy điện vào quy hoạch, Bộ phải xin ý kiến của rất nhiều bộ, ngành. Sau đó, cấp có thẩm quyền mới phê duyệt dự án đầu tư, quản lý các dự án đầu tư. Căn cứ theo luật định, cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương kiểm tra việc thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Ông Tuấn Anh cũng nói báo cáo đánh giá tác động có vai trò quan trọng, là căn cứ để cơ quan quản lý đánh giá tính khả thi của dự án. Báo cáo này đều được đăng công khai trên cổng thông tin điện tử các cơ quan chức năng.

Đối với thủy điện nhỏ đã hết khấu hao, hết vòng đời của dự án, căn cứ theo Luật Xây dựng, Luật Điện lực, các dự án này phải báo cáo về chất lượng hồ, đập, hướng sử dụng hoặc phải tháo dỡ.

Phát biểu như Bộ trưởng thì chỉ có trời sai

Tường thuật từ nghị trường, tờ Zing.vn đưa tin: Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đã có ý kiến tranh luận với 2 tư lệnh ngành là Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng mở đầu nói: "Phát biểu như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thì mọi thứ chúng ta đều đúng cả, chỉ có trời sai vì mưa nhiều quá”.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng. (Ảnh: Zing.vn).

ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng. (Ảnh: Zing.vn).

ĐBQH Hồng cho rằng, Bộ trưởng nói do chính quyền địa phương, do quy hoạch và do tổ chức thực hiện, nhận định như vậy là “chưa ổn”.

Ông Hồng cho rằng, ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện thì ở đó gắn liền với lũ quét, lũ ống, sạt lở, ngập lụt. “Chúng ta thường nói gió lũ mưa ngàn, tức nước vỡ bờ, làm nhiều đập thủy điện sẽ khiến nước dâng cao, phải tìm đường thoát, khi ấy sẽ gây ra hậu quả”, ông Hồng nêu quan điểm.

Trong khi đó ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng khi nói về vấn đề thủy điện, không nên tùy tiện so sánh với Biển Đông. Ông cảnh báo nếu chúng ta không nhìn nhận đúng về câu chuyện thủy điện thì sẽ để lại hậu quả nặng nề trong vài chục năm nữa.

Đại biểu đồng tình với việc doanh nghiệp tham gia xây dựng dự án thủy điện phải đóng trước một khoản tiền coi như phí môi trường để sau này dừng khai thác còn khắc phục. Còn nếu dừng rồi mới phải xử lý, doanh nghiệp sẽ tìm cách thoái thác.

“Việc xây dự án thủy điện phải có chế tài, Nhà nước phải nắm đằng chuôi. Còn nhiều doanh nghiệp tìm cách thoái thác, bỏ đi. Yếu tố lợi ích nhóm sẽ để lại nhiều tổn hại cho sau này”, ông Quốc nói.

Cần đánh giá khách quan về thủy điện

Tham gia tranh luận về chủ đề lợi ích và tác hại của thủy điện nhỏ, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, đợt lũ lụt vừa qua ở miền Trung đặt ra vấn đề phải có quan điểm lịch sử về thủy điện.

Ông dẫn chứng, khi xây dựng thủy điện sông Đà, mục tiêu ban đầu là trị thủy. Bởi đây là con sông hùng vĩ, hung dữ trải qua bao đời. Sau đó, Việt Nam cùng các chuyên gia Liên Xô xây dựng, lúc đầu nhằm mục đích trị thủy rồi mới đến phát điện.

ĐBQH Lê Thanh Vân. (Ảnh: Vnexpress).

ĐBQH Lê Thanh Vân. (Ảnh: Vnexpress).

"Vì mục đích trị thủy đầu tiên nên thủy điện sông Đà được sử dụng chủ yếu để điều tiết lũ, giúp Hà Nội tránh được các trận lụt lịch sử. Năm 1971, chúng ta phải phá đê Chương Mỹ để cứu Hà Nội, nhưng từ khi có thủy điện sông Đà thì lũ được điều tiết tốt", ông Vân nói.

Tuy nhiên, ông Vân cho rằng, mặt trái của thủy điện là sự lạm dụng của các nhà đầu tư. "Nói về thủy điện thì các nhà chuyên mộn phải nghĩ đến thủy công, điều tiết dòng chảy để tránh thiệt hại cho nhân dân. Nhưng một số chủ đầu tư lạm dụng quy trình ấy để trục lợi thông qua phá rừng, lấy gỗ quý", ông nói và nêu quan điểm khi đánh giá cần khách quan, nhiều chiều, cần xét đến cả vai trò tích cực của thủy điện với cộng đồng. "Không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện", ông nói.

Bài liên quan