Thứ ba, 19/06/2018, 16:07 PM
  • Click để copy

Dễ nảy sinh lợi ích nhóm trong vụ đổi 40 ha ‘đất vàng’ Thủ đô lấy 2,8km đường

Hà Nội chấp nhận đánh đổi gần 40ha đất “vàng” tại quận Nam Từ Liêm để xây dựng tuyến đường nối Lê Trọng Tấn tới Vành đai 3 dài 2,85km.

de-nay-sinh-loi-ich-nhom-trong-vu-doi-40ha-dat-vang-thu-do-lay-28km-duong
TS Phạm Sỹ Liêm.

Đổi 40ha đất làm đường 500 triệu/m

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội vừa qua đã công bố thông tin về Dự án "xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3, quận Thanh Xuân theo hình thức hợp đồng BT".

Tuyến đường có chiều dài 2,85km, mặt cắt ngang 30m. Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cấp thoát nước, hệ thống PCCC, cây xanh, chiếu sáng, vỉa hè, tổ chức giao thông, di chuyển các công trình ngầm nổi trong chỉ giới thực hiên dự án.

Phương thức thực hiện dự án theo hình thức BT. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ 2018 - 2020.

Tuyến đường xây dựng nhằm kết nối đồng bộ, liên thông với mạng lưới đường trong khu vực, kết nối các tuyến đường Vành đai 2; 2,5; 3..., góp phần giảm tải cũng như giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho tuyến đường Nguyễn Trãi, đường Giải Phóng, đường Vành đai 2, Vành đai 3… tạo động lực phát triển Kinh tế - Xã hội cho các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông nói riêng và Thành phố Hà Nội nói chung.

Dự kiến quỹ đất thanh toán cho dự án BT sẽ nằm tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm gồm các ô quy hoạch 3-1, 3-2, 4-1, 4-2 với diện tích khoảng 39,8ha thuộc Quy hoạch phân khu S4.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch, quy mô và diện tích cụ thể của quỹ đất thanh toán dự án BT được xác định đảm bảo phù hợp với Quy hoạch, quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 và Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/06/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Đổi đất lấy hạ tầng bằng các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) là hình thức được TP Hà Nội áp dụng khá phổ biến.

de-nay-sinh-loi-ich-nhom-trong-vu-doi-40ha-dat-vang-thu-do-lay-28km-duong
Đoạn đường dự kiến - (Ảnh: Google maps).

Dễ nảy sinh lợi ích nhóm

Trao đổi với PV, TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam bày tỏ lo ngại rằng việc thực hiện dự án làm đường theo hình thức đổi đất “vàng” dễ nảy sinh tiêu cực, lợi ích nhóm và không được minh bạch.

Ông Liêm cho rằng, khi đánh đổi đất để làm đường hoặc xây dựng công trình dễ gây thất thoát bởi giá đất này thường được xác định theo tư duy chủ quan, không thực tế so với thị trường. “Cần phải qua đấu giá, đã đổi phải đổi sao cho ngang bằng không thì dễ gây thất thoát”, ông Liêm nhấn mạnh.

TS Phạm Sỹ Liêm đưa ra cảnh báo: "Không thể xác định được giá đất, vì giá đất phụ thuộc vào vị trí và mục đích sử dụng. Do đó, việc xác định giá đất phải dựa trên quan hệ cung cầu và quan hệ cạnh tranh mới bảo đảm khách quan, chính xác. Việc tính toán đổi ngang đất lấy hạ tầng là giải pháp dễ nhập nhèm, dễ bị lợi dụng để trục lợi, nảy sinh lợi ích nhóm",

Dẫn lại Điều 31, Quy định việc lập quy hoạch chi tiết trục đường mới trong đô thị, trong đó có quy định "Phạm vi lập quy hoạch tối thiểu là 50 mét mỗi bên kể từ phía ngoài chỉ giới đường đỏ của tuyến đường dự kiến; Khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên đường; nghiên cứu không gian kiến trúc, hình khối công trình, khoảng lùi của các công trình cụ thể, bảo đảm tăng cường tính chỉnh thể và tính đặc trưng của khu vực" TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, TP hoàn toàn có thể áp dụng để tiết kiệm trong làm đường mà không nảy sinh bất cập.

TS Liêm lấy ví dụ: "Con đường Xã Đàn hiện đang được mệnh danh là con đương "đắt nhất hành tinh", tại sao lại như vậy? Vì bỏ tiền giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân, tạo điều kiện cho chủ đầu tư làm đường. Nhưng đất đai hai bên đường bị tăng giá lên nhiều lần, chủ đầu tư thực hiện chỉnh trang, cải tạo đô thị hai bên đường, làm giá đất bị đẩy lên, chủ đầu tư hưởng lợi lớn. Số tiền thu về thậm chí còn lờn hơn hoặc đủ bù các chi phí đã bỏ ra để làm đường. Cuối cùng, nhà nước phải bỏ tiền còn giới đầu cơ BĐS hưởng lợi".

Lộ diện hai doanh nghiệp được chọn mặt gửi “đất vàng”

Được biết, tại Hội nghị “Hợp tác đầu tư và phát triển” diễn ra ngày 17/6, Hà Nội đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư thực hiện dự án này.

Cụ thể, dự án xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn đến đường vành đai 3 theo hợp đồng BT do Liên danh Công ty CP Phát triển nhân lực LOD và Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt đầu tư.

Theo giới thiệu trên website, Công ty Cổ phần phát triển nguồn nhân lực LOD, trước đây chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng có tham gia vào một vài dự án bất động sản. Đây là doanh nghiệp gần như chưa có bóng dáng bất kỳ dự án nào về hạ tầng giao thông. LOD hiện do ông Vũ Công Bình - Thạc sỹ quản trị kinh doanh đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT công ty kiêm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ LOD.

Còn Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt ngành nghề chính được giới thiệu là kinh doanh bất động sản. Ngoài ra bán buôn máy móc, thiết bị y tế…

 

Doanh nghiệp làm gần 3km đường được đổi 40ha 'đất vàng' chưa có kinh nghiệm làm dự án giao thông

Thông tin cả LOD và Bắc Việt là hai doanh nghiệp được chấp thuận đầu tư xây dựng gần 3km đường để đổi gần 40ha đất đều chưa có kinh nghiệm làm dự án giao thông đã khiến nhiều người bất ngờ.

 

Hà Nội: Dự kiến đổi 40ha 'đất vàng' làm 2,85km đường

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh Đề xuất dự án Xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3, quận Thanh Xuân theo hình thức hợp đồng BT.