Đề nghị cấm người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài

Thứ hai, 27/05/2019, 10:02 AM

Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế, quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm người Việt Nam đứng tên mua nhà cho người nước ngoài.

de-nghi-cam-nguoi-viet-dung-ten-mua-nha-cho-nguoi-nuoc-ngoai
Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế, quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm người Việt Nam đứng tên mua nhà cho người nước ngoài.

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội dành trọn ngày 27/5 làm việc tại hội trường nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Đây là hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội tại kỳ họp này, và nội dung được giám sát là vấn đề nhân dân và cử tri cả nước quan tâm.

Theo báo cáo của đoàn giám sát, tại Hà Nội và TP HCM, tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt khoảng 9% trong khi theo quy hoạch phải đạt 20-26% đối với đô thị trung tâm, 18-23% đối với đô thị vệ tinh, 16-20% cho các thị trấn, tỷ lệ đất bến bãi đỗ xe trên đất xây dựng đô thị đạt dưới 1% (yêu cầu phải đạt 3-4%).

Báo cáo giám sát cũng cho biết, việc triển khai các dự án BT thanh toán bằng quỹ đất còn bất cập trong xác định quỹ đất được sử dụng để thanh toán, xác định giá trị quyền sử dụng đất của quỹ đất này còn chưa rõ ràng về phương pháp, thời điểm xác định, dẫn đến chênh lệch giá trị quỹ đất được sử dụng để thanh toán tại thời điểm tạm tính làm cơ sở đấu thầu dự án đầu tư và khi có quyết định giao đất, cho thuê đất.

Hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu. Việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.

Kết quả giám sát còn cho thấy, việc sử dụng đất quốc phòng còn để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, xây dựng công trình trái phép, sử dụng đất sai mục đích như tại một số khu đất tại Quận Hải An, TP Hải Phòng; tại TPNha Trang, Tỉnh Khánh Hòa… Sự phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và một số địa phương trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng còn nhiều bất cập.

Ngoài ra, việc quản lý đất đai sử dụng cho một số dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa tâm linh còn thiếu chặt chẽ. Các dự án du lịch tâm linh này đều được giao khai thác một quỹ đất lớn, tuy nhiên, khi thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, chưa tách bạch rõ giữa đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng với đất thương mại, dịch vụ....

Trong báo cáo đoàn giám sát không nêu nhận định cũng như con số liên quan đến việc sử dụng nhà, đất của người nước ngoài, song phần kiến nghị, đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.

Chính phủ cũng được đề nghị chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và có biện pháp xử lý cụ thể, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10 /2020).

Đoàn giám sát còn đề nghị Chính phủ đẩy nhanh việc ban hành nghị định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án xây dựng - chuyển giao (BT), trong đó nghiên cứu phương án thanh toán cho các dự án xây dựng công trình hạ tầng sử dụng nguồn vốn đầu tư công bằng tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất, thay vì sử dụng trực tiếp quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư.

Kiến nghị khác với Chính phủ là chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Tiếp tục thực hiện lộ trình di dời trụ sở các Bộ, ngành, cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở sản xuất, công nghiệp không cần thiết và gây ô nhiễm môi trường... ra ngoài trung tâm các đô thị; bàn giao quỹ đất sau di dời trụ sở cho địa phương quản lý; ưu tiên sử dụng quỹ đất này để phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong đô thị.

Theo quy định pháp luật hiện hành, đối tượng, điều kiện cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở Việt Nam như sau:

Cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam và phải có giấy chứng nhận đầu tư và có nhà ở được xây dựng trong dự án theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan;

Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật; đối với người Việt Nam ở nước ngoài mà còn quốc tịch Việt Nam thì được sở hữu nhà ở như người Việt Nam.

Đối với người Việt Nam ở nước ngoài muốn sở hữu nhà, đất ở Việt Nam thì cần phải chứng minh mình còn quốc tịch Việt Nam, có hộ chiếu do Nhà nước Việt Nam cấp còn giá trị.

 

 

Đừng vội mừng vì vốn FDI tăng kỷ lục

Vốn FDI tăng chứng tỏ môi trường kinh doanh Việt Nam hấp dẫn thế nhưng đóng góp tăng trưởng GDP, đóng góp vào ngân sách doanh nghiệp FDI còn thấp.

 

5 triệu tài khoản ví điện tử phải khai lại thông tin?

Ngoài việc quy định mức giao dịch tối đa 20 triệu đồng mỗi ngày, không quá 100 triệu đồng một tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đề xuất các doanh nghiệp ví điện tử phải định danh bằng cách yêu cầu khách hàng nộp giấy tờ chứng minh.

 

Tháp 'biểu tượng quận Hà Đông' xây gần thập kỷ chưa xong

Từng một lần được hồi sinh sau nhiều năm đắp chiếu, đến nay dự án Tháp Doanh nhân ở trung tâm quận Hà Đông vẫn lỡ hẹn bàn giao.