Đề xuất lập Thành phố phía Đông của TP HCM là chưa có tiền lệ

Thứ tư, 08/04/2020, 09:38 AM

Nhận xét trước việc TP HCM đề xuất sáp nhập 3 quận để lập Thành phố sáng tạo phía Đông, nhiều người cho rằng đây là đề xuất chưa có tiền lệ. Nếu được chấp nhận đây là mô hình 'thành phố trực thuộc thành phố' đầu tiên trên cả nước.

TP HCM đề xuất lập Thành phố phía Đông với việc sáp nhập 3 quận. Nếu thông qua sẽ có mô hình TP trong TP. (Ảnh: Zing.vn).

TP HCM đề xuất lập Thành phố phía Đông với việc sáp nhập 3 quận. Nếu thông qua sẽ có mô hình TP trong TP. (Ảnh: Zing.vn).

Tin tức về việc TP HCM vừa đề xuất Bộ Xây dựng cho ý kiến về sáp nhập 3 quận (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức) để lập Thành phố sáng tạo phía Đông (gọi là Thành phố sáng tạo hoặc Thành phố phía Đông) nhận được sự quan tâm của dư luận.

Xung quanh đề xuất này nhiều ý kiến cho rằng đây là đề xuất mới lạ, chưa từng có tiền lệ bởi nếu được thông qua thì Việt Nam sẽ có mô hình Thành phố trực thuộc Thành phố đầu tiên.

Dẫu vậy, nhiều ý kiến cũng bày tỏ việc Thành phố trong Thành phố sẽ gây rắc rối không nhỏ về tên gọi cũng như liên quan đến giấy tờ, thủ tục gây phiền hà cho người dân, bên cạnh đó là cách quản lý...

Trên tờ Sài Gòn Đầu tư tài chính: PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia về đô thị học, người có nhiều nghiên cứu các mô hình đô thị trên thế giới, cho rằng, đây là đề xuất thiên nhiều về cảm xúc bởi nó chưa từng có tiền lệ.

Theo ông Hòa, đề xuất này rất khó được Bộ Xây dựng hoặc cao hơn là Thủ tướng Chính phủ chấp nhận. Điều này đã xảy ra vài lần khi TP HCM trình đề án chính quyền đô thị lên các cấp ở Trung ương. Bởi chưa có trong tiền lệ, muốn thực hiện điều này, đầu tiên phải thay đổi nhiều bộ luật liên quan như Luật Quản lý Đô thị, Luật Quản lý hành chính Nhà nước, Luật Xây dựng…

"Hiện ở Việt Nam đã có cơ cấu TP trong TP chưa? Trên thực tế chưa có, nhưng nếu có cấu trúc tổ chức hành chính, quan hệ chiều dọc và chiều ngang, công tác quản lý đô thị (hành chính, dân số, kinh tế-tài chính) sẽ như thế nào? Chúng ta tạm gọi TP mà chính quyền TP HCM đang mong muốn xây dựng trên cơ sở sát nhập 3 quận phía Đông là TP Sáng tạo, nó sẽ có cấu trúc như thế nào?

Về nguyên tắc, nếu là TP phải là đơn hành chính độc lập có lãnh thổ xác định, có dân số, có Thành ủy, UBND và HĐND TP.

Tuy nhiên, nó quan hệ như thế nào với phần còn lại (19 quận, huyện) của TP HCM, bản thân nó được tổ chức như thế nào với 1 đơn vị hành chính? TP Sáng tạo có UBN, có Thành ủy, có HĐND… hay không? Và quan hệ với TP HCM là quan hệ ngang bằng hay quan hệ trên dưới? Khi xây dựng mô hình này TP HCM muốn 2 cấp, tức chỉ có TP và phường hay TP và quận.

Nhưng trong trường hợp này không phải 2 cấp mà 4 cấp, đó là TP lớn, trong TP lớn có TP nhỏ, trong TP nhỏ có quận và phường?...

Như vậy chủ tịch UBND TPHCM và chủ tịch TP Sáng tạo là ngang bằng hay trên- dưới? hay trực nó thuộc vào Trung ương?", Vị chuyên gia nêu một loạt câu hỏi và cho rằng đề xuất này không khả thi.

Theo chuyên gia đánh giá, về mặt quản lý hành chính thì đề xuất trên là không ổn. Khu vực TP Sáng tạo phía Đông có diện tích khá lớn, nhưng nếu chỉ là cấp dưới của TP HCM và không có cơ cấu chính trị - hành chính độc lập, cũng chỉ là 1 quận hợp thành, to hơn, đông dân hơn và mang tên mới. Còn chức năng của nó có thể thiên về khoa học công nghệ, giáo dục không thể là TP được. Do đó muốn làm điều này phải sửa các luật nêu trên.

Muốn làm như thế TP HCM phải chuyển đổi sang 1 trong 2 mô hình Vùng đô thị hay tỉnh. Mô hình thứ nhất là TP đa cấp trong tỉnh, như ở Liên bang Nga có TP Maxtcova nằm trong tỉnh Matxcova (tỉnh Matxcova có 28 TP, bao gồm cả Maxcova). Hay ở Hàn Quốc có tỉnh Gyeonggi có 31 TP, trong tỉnh này có TP Seul. Một thí dụ khác, trước đây vào thời nhà Nguyễn tỉnh Gia Định có địa giới rộng lớn bao hàm cả TP Sài Gòn và TP Chợ Lớn trong đó.

Mô hình thứ hai là vùng đô thị như Metro Manila của Philippines, hay Jabodetabek của Indonesia. Metro Manila bao gồm 17 TP đồng cấp về quản lý hành chính. Mỗi TP là 1 thực thể hành chính-chính trị độc lập, với bộ máy lãnh đạo và tài chính riêng. Quản lý Vùng đô thị này là Hội đồng các thị trưởng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống.

Như vậy chúng ta phải thay đổi mô hình như thế nào đó trên diện tích 2.100km2 có nhiều TP lớn nhỏ cùng tồn tại chính danh, trong đó có TP Sáng tạo, TP Phú Mỹ Hưng, TP Thủ Thiêm... Hoặc theo mô hình Vùng đô thị giống như Manila (Philippines) có 17 TP và 17 TP này có quyền lực ngang bằng nhau, mỗi TP có bộ máy riêng, như Thị trưởng, Hội đồng TP, bộ máy tài chính và cơ chế vận hành riêng… Các TP này dưới quyền quản lý của Hội đồng các Thị trưởng và Hội đồng này dưới sự chỉ đạo của Tổng thống.

"Nếu là mô hình Vùng đô thị, TP Sáng tạo sẽ ngang bằng với các TP khác của TPHCM. Việc ra đời 1 mô hình phải dựa trên cơ sở của luận chứng khoa học, không nên dựa vào cảm tính hay ý muốn chủ quan. Vì vậy tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay mô hình này phải có sự thống nhất toàn quốc (Hà Nội cũng đang trong tình trạng tương tự), trước hết là luật và sau đó là mô hình lựa chọn", ông Hòa phân tích.

Ông cũng cho rằng, hiện thế giới không phát triển đại đô thị nữa, chỉ phát triển vùng đô thị hay trong 1 tỉnh có nhiều TP, bao gồm các TP đa cấp (lớn, trung bình, nhỏ, cực nhỏ), các TP đa chức năng và TP đơn chức năng.... "Chúng có mối quan hệ hữu cơ và được nối với nhau bằng hệ thống GT đa cấp, đa chủng loại. Mô hình đại đô thị đơn cực (Megacity) như ở Hà Nội (3.400km2, 7 triệu dân) và TP HCM (2.100km2 với 13 triệu dân) thực tế đã lạc hậu từ những năm 60 của thế kỷ trước".

Ở góc độ pháp lý, chia sẻ trên báo Pháp Luật Việt Nam: Luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP HCM) cho hay: “Thực ra, một thành phố có cơ chế đặc biệt, không giống bất cứ đơn vị hành chính nào của cả nước thì TP phía Đông không phải đầu tiên.

Đầu tiên phải kể đến là TP Vạn Tường (ở tỉnh Quảng Ngãi). TP Vạn Tường chỉ sáp nhập một vài xã của huyện Bình Sơn lại nhưng lại không trực thuộc huyện mà trực thuộc tỉnh. Tuy nhiên, đến nay hơn 15 năm, TP Vạn Tường vẫn chỉ là cái tên chứ chưa có cơ quan hành chính. Hay còn có thành phố mới Bình Dương.

Tuy nhiên, TP Vạn Tường và TP mới Bình Dương là thành lập mới từ hạ tầng, cơ sở mới đến hành chính. Còn TP phía Đông thì hạ tầng, đơn vị hành chính sẵn có, chỉ là gộp lại đặt tên và đặt ra cơ quan hành chính. Do đó, có thể gọi TP phía Đông là chưa có tiền lệ”.

“TP HCM rất rộng, vì thế nếu có những cơ chế đặc biệt, thuận lợi cho việc phát triển thì cũng nên thực hiện. Ý tưởng TP phía Đông rất hay nhưng nó sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề về hành chính, về quản lý và đặc biệt là hiện nay chưa có quy định pháp luật để thực hiện ý tưởng này”, Luật sư Nghĩa nhận định.

Theo luật sư, ý tưởng của TP HCM có được phê duyệt hay không thì trải qua rất nhiều thủ tục. Từ sự đồng ý, góp ý, đề xuất của các bộ, ngành. Và ý tưởng này phải do Quốc hội phê duyệt.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là rào cản về pháp lý và cơ chế. Do đó, để thực hiện được việc này, cần có cơ chế riêng, đặc thù và phải do Quốc hội ban hành. Ở TP HCM, khu đô thị Nam Sài Gòn hay khu Tây Bắc đều có cơ chế riêng và có thành công nhất định mà không cần đổi tên, không cần đặt ra cơ quan hành chính – chính trị các cấp. Nhưng TP phía Đông là 3 quận nhập thành một thì khác.

Bài liên quan