Đề xuất trả lại container phế liệu về lại nước xuất khẩu

Thứ ba, 08/10/2019, 06:41 AM

Bộ Tài nguyên Môi trường đã có dự thảo văn bản đề xuất Thủ tướng hướng xử lý đối với hơn 6.456 container còn tồn đọng trên 90 ngày tại các cảng biển.

de-xuat-tra-lai-container-phe-lieu-ve-lai-nuoc-xuat-khau
Đề xuất trả lại container phế liệu về lại nước xuất khẩu

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 28/6/2019, số container phế liệu tồn đọng trên 90 ngày là 4.474 container trong tổng số 9.211 container phế liệu đang được lưu giữ. 

Bộ Tài nguyên Môi trường đề xuất Thủ tướng giao lực lượng chức năng phân loại container; thống kê số lượng, hãng tàu vận chuyển, quốc gia xuất khẩu các lô hàng phế liệu tồn đọng trên 90 ngày (có chủ hàng nhưng phế liệu không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường và không thực hiện thủ tục tái xuất). Đồng thời, yêu cầu chủ tàu hoặc người điều khiển phương tiện vận tải có trách nhiệm vận chuyển container chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn về môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Bộ Tài nguyên Môi trường cũng đề xuất Chính phủ cho rà soát, cung cấp danh sách các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu vi phạm quy định nhưng không thực hiện tái xuất, làm căn cứ để cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Sau khi có kết quả phân loại nêu trên, Chính phủ có thể giao Tổng cục Hải quan bán đấu giá các container thuộc nhóm phế liệu có thể làm nguyên liệu sản xuất.

Hiện nay các bộ, ngành liên quan đang triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn từ xa đối với phế liệu "bẩn" nhập khẩu vào Việt Nam; trong đó có việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với 6 nhóm phế liệu nhập khẩu.

Nhiều tháng qua, cơ quan chức năng chỉ cho phép hạ xuống cảng những lô hàng phế liệu của các tổ chức, cá nhân có tên trên E - mainifest (hệ thống tiếp nhận bản khai hàng hoá, chứng từ có liên quan và thông quan đối với tàu nhập/xuất cảnh), và có giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Trước đó, ngày 26/9, theo văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan về việc giải quyết những bất cập trong quản lý phế liệu nhập khẩu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay đã yêu cầu Bộ Tài nguyên Môi trường xem xét nội dung này để báo cáo Thủ tướng.

"Hiện nay, Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và Bộ Giao thông Vận tải rà soát các quy định pháp luật và công ước quốc tế có liên quan để đề xuất phương án tái xuất toàn bộ lô hàng phế liệu không đáp ứng yêu cầu", văn bản nêu.

Không chỉ Việt Nam, một quốc gia khác tại châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia gần đây thắt chặt giám sát đối với hoạt động nhập khẩu rác vào các nước này.

Trung Quốc, quốc gia từng nhập khẩu rác nhựa hàng đầu thế giới, tuyên bố ngừng hoạt động này năm 2018 nhằm bảo vệ môi trường.

Đầu tháng 9/2019, Indonesia vận chuyển gần 200 container ra khỏi thành phố Surabaya để trả lại cho Mỹ, Anh, Đức, Surjantoro. 49 container khác được vận chuyển bằng tàu quay lại nơi xuất phát từ Mỹ, Đức, Pháp, Australia, Hong Kong (Trung Quốc).

Cuối tháng 8/2019, chính phủ Malaysia cho biết đã trả lại ít nhất 10 container rác thải nhựa về nhiều nước xuất khẩu và đóng cửa 155 nhà máy xử lý rác thải nhựa trái phép. Cơ quan chức năng của nước này cũng dự định chuyển trả lại khoảng 198 container rác thải, tuy nhiên, họ đang gặp khó khăn trong việc xác định nguồn gốc của các container rác thải tại các cảng biển.