Đề xuất trừ điểm trên giấy phép lái xe: 'Cơn ác mộng' của người lái xe mỗi khi ra đường?

Thứ tư, 29/04/2020, 13:20 PM

Trong đề xuất mới đây của Bộ công an, mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm, tài xế sẽ bị trừ mỗi điểm khi vi phạm giao thông.

GPLX

Ngày 20/4, Bộ Công an đã báo cáo Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ và đề xuất trình Quốc hội đưa dự thảo trên vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội khóa XIV.

Đáng chú ý, trong dự thảo luật này có đề xuất mỗi giấy phép lái xe (GPLX) sẽ có sẵn 12 điểm, tài xế sẽ bị trừ điểm trên hệ thống quản lý mỗi khi vi phạm giao thông. Điều này khiến người dân vô cùng quan tâm, kèm theo đó là những băn khoăn.

Bộ Công an dự kiến quy định các nhóm hành vi tương ứng với số điểm bị trừ, ví dụ như vượt đèn đỏ sẽ bị trừ 6 điểm, lấn làn trừ 5 điểm… Giống như số tiền trong thẻ ngân hàng, trong trường hợp GPLX bị trừ hết điểm thì coi như GPLX đó không còn giá trị.

Theo quy định trong dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT, khi CSGT lập biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm bị phạt tiền và bị trừ điểm tương ứng với lỗi ghi trên biên bản, số điểm bị trừ đồng thời sẽ được cập nhật lên hệ thống dữ liệu bằng lái.

Tài xế sau khi “hết điểm” muốn cấp GPLX mới buộc phải học và thi lại trong thời gian ít nhất 6 tháng kể từ ngày giấy phép lái xe cũ hết hiệu lực. Điều này được cho là cách xử lý khá mạnh tay đối với những người vi phạm giao thông nhiều lần.

Trao đổi với báo chí, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, trên thế giới đã có nhiều nước áp dụng cách làm tương tự. 12 điểm của mỗi GPLX tương ứng với 12 tháng, là mức điểm được lấy theo kinh nghiệm của một số nước đã áp dụng.

Tại Trung Quốc, Luật An toàn đường bộ nước này từ năm 2003 quy định mỗi bằng lái xe được cấp lần đầu hoặc cấp mới theo cơ sở từng năm sẽ có 12 điểm. Nếu người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông, người này không chỉ bị phạt hành chính/hình sự mà còn bị trừ điểm trên bằng lái.

Nếu toàn bộ 12 điểm bị trừ hết trong một năm, người này sẽ phải học và thi lại bằng lái. Các vi phạm đường bộ được phân loại theo từng lớp khác nhau theo mức độ nghiêm trọng và bị trừ số điểm tương đương. Mức phạt nặng nhất là vi phạm nồng độ cồn (dù người lái có say hay không).

Mỹ cũng áp dụng hệ thống điểm phạt giao thông theo cách trừ điểm trên bằng lái nhưng có tác dụng răn đe với người tham gia giao thông khi đánh thẳng vào túi tiền của người vi phạm. Vi phạm càng nhiều, điểm trừ càng lớn thì mức phí bảo hiểm ô tô mà người đó phải đóng càng tăng cao.

Trong khi các nước khác chỉ trừ điểm bằng lái, tại Italia, người điều khiển phương tiện được cấp bằng lái đồng nghĩa mặc định có trong tay 20 điểm. Mỗi 2 năm lái xe không gây tai nạn, không vi phạm giao thông, họ sẽ được cộng thêm 2 điểm, cứ như vậy cho đến khi đạt tối đa 30 điểm.

Mỗi vi phạm giao thông sẽ bị trừ điểm phạt chẳng hạn như không chấp hành đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt 6 điểm. Cũng như các nước khác, nếu người điều khiển phương tiện ở Italia mất hết điểm đồng nghĩa sẽ bị tước bằng lái.

Còn tại nước Pháp, nếu vi phạm, tài xế vừa bị phạt vừa bị trừ điểm.

Trước đây vào giai đoạn những năm 2003 - 2007, Việt Nam từng áp dụng hình thức xử lí việc vi phạm giao thông bằng cách “đánh dấu” trên giấy phép lái xe. Việc đánh dấu số lần vi phạm luật giao thông đường bộ trên GPLX được hướng dẫn trong Thông tư Liên tịch số 03/2003 của Bộ Công an và Bộ GTVT ban hành ngày 27/01/2003.

Theo đó, người điều khiển phương tiện (cả ôtô và xe máy) nếu vi phạm các quy định về giao thông đường bộ mà có mức phạt tiền từ 200.000 đồng trở lên thì ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính còn bị đánh dấu (bấm lỗ) vi phạm trên GPLX.

Lái xe bị bấm lỗ lần thứ 2, sẽ phải sát hạch lại Luật Giao thông mới được cấp đổi bằng. Bị bấm lỗ lần 3, GPLX sẽ hết giá trị sử dụng và các tài xế sẽ phải chờ thêm ít nhất 12 tháng mới được phép thi sát hạch để được cấp lại bằng lái.

Đến tháng 9/2007, Nghị định 146/2007/NĐ-CP chính thức không còn hình thức xử phạt đánh dấu số lần vi phạm lên GPLX, sau những đồng thuận của Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban QG, chấm dứt “cơn ác mộng” của người lái xe mỗi khi ra đường.

Bài liên quan