Đến hết Quý III/2019, Quỹ BOG xăng dầu còn hơn 2 nghìn tỷ đồng

Thứ ba, 19/11/2019, 09:23 AM

Bộ Tài chính vừa công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) quý III/2019.

den-het-quy-iii2019-quy-bog-xang-dau-con-hon-2-nghin-ty-dong
Bộ Tài chính vừa công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) quý III/2019. 

Theo đó, số dư quỹ BOG tại thời điểm 31/12/2018 là 3.504,376 tỷ đồng. Số dư quỹ BOG đến hết quý 1/2019 (đến hết ngày 31/3/2019) là 620,643 tỷ đồng.

Số dư quỹ BOG đến hết quý 2/2019 (đến hết ngày 30/6/2019) âm 499,932 tỷ đồng.

Tổng số trích quỹ BOG trong quý 3/2019 (từ ngày 01/7/2019 đến hết ngày 30/9/2019) hơn 2.518 tỷ đồng.

Tổng số sử dụng quỹ BOG trong quý 3 (từ ngày 01/7/2019 đến hết ngày 30/9/2019) là 0 đồng. Lãi phát sinh trên số dư quỹ BOG dương trong quý 3 là 1 tỷ đồng. Lãi vay phát sinh trên số dư quỹ BOG âm trong quý 3 là 12 triệu đồng.

Số dư quỹ BOG đến hết quý 3/2019 (đến hết ngày 30/9/2019) là 2.019,246 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, tính đến thời điểm 30/9, trong tổng số 29 thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối, có 19 thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối có số dư dương quỹ BOG xăng dầu. Trong đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có số dư lớn nhất là 1.125.280 tỷ đồng.

10 đơn vị kinh doanh xăng dầu âm quỹ BOG xăng dầu, trong đó Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOil) có số âm quỹ lớn nhất lên tới 257,283 tỷ đồng.

Trước đó, báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, việc sử dụng Quỹ BOG hiện nay chưa đảm bảo tính minh bạch, công khai, dẫn đến có sự phản ứng nhiều chiều từ người dân, doanh nghiệp và một số chuyên gia, hiệp hội về công tác điều hành giá và việc trích, chi Quỹ này. Do đó, Đoàn giám sát đề nghị cần bỏ ngay Quỹ BOG hoặc phải có lộ trình để tiến tới loại bỏ.

Cơ sở đưa ra đề nghị này là, qua giám sát cho thấy, số tiền trích quỹ được để lại cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (mức trích bình thường là 300 đồng/lít) thực chất là một khoản thu trước của người dân và doanh nghiệp. Việc quản lý quỹ được thực hiện tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Do đó, các doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn sẽ có quỹ rất lớn, song những doanh nghiệp có thị phần nhỏ thì số dư quỹ thường nhỏ, dẫn đến việc khi thực hiện xả quỹ lớn (có thời điểm sử dụng quỹ bình ổn trên 2.000 đồng/lít) có thể dẫn tới việc doanh nghiệp đầu mối có mức quỹ thấp sẽ âm quỹ và phải sử dụng tạm thời nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp hoặc vay ngân hàng thương mại để bù quỹ, làm tăng chi phí của doanh nghiệp. 

Trước đó, Hiệp hội Xăng dầu đã nhiều lần kiến nghị bỏ Quỹ BOG để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Mặt khác, khi bỏ Quỹ BOG thì tính minh bạch công khai trong việc điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong thị trường.

Nhiều chuyên gia về quản lý kinh tế cũng cho rằng, loại bỏ Quỹ BOG là đúng đắn để xăng dầu thực sự có thị trường theo đúng nghĩa và lên xuống theo giá thế giới. Theo các chuyên gia, điều quan trọng là các nhà điều hành cách nào để người dân có thể thấy được sự cạnh tranh trong thị trường xăng dầu, chứ không phải kiểu “xăng dầu đồng giá” như hiện nay.

Link gốc: http://baosuckhoecongdong.vn/den-het-quy-iii-2019-quy-bog-xang-dau-con-hon-2-nghin-ty-dong-142190.html