Đến năm 2030, TP Đà Nẵng sẽ có 28 tuyến xe buýt

Thứ bảy, 04/01/2020, 14:23 PM

Đến năm 2030, có 28 tuyến, gồm 4 tuyến BRT, 3 tuyến tiêu chuẩn dịch vụ BRT và 21 tuyến buýt thường.

den-nam-2030-tp-da-nang-se-co-28-tuyen-xe-buyt
Tuyến xe buýt liên tỉnh Huế - Đà Nẵng vừa được đi vào hoạt động.

Ngày 4/1, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố vừa kí phê duyệt đề án Nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt trên địa bàn thành phố.

Quan điểm của đề án là mở rộng mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt đảm bảo mật độ bao phủ đạt tiêu chí trong phạm vi 500 mét người dân có thể tiếp cận sử dụng xe buýt (đạt tỷ lệ khoảng 50% - 70% tại khu vực trung tâm thành phố).

Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt theo hướng tiện nghi, an toàn, thuận tiện với chi phí hợp lí, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân bằng xe buýt.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, có 26 tuyến, gồm 4 tuyến BRT, 3 tuyến tiêu chuẩn dịch vụ BRT và 19 tuyến buýt thường. Đến năm 2030, có 28 tuyến, gồm 4 tuyến BRT, 3 tuyến tiêu chuẩn dịch vụ BRT và 21 tuyến buýt thường.

Để đạt được mục tiêu này, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các quy định, chính sách nâng cao hiệu quả khai thác VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn như: Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để đỗ xe ô tô ở một số tuyến đường trên địa bàn thành phố; cấm đỗ xe theo ngày chẵn ngày lẻ, cấm đỗ xe giờ cao điểm; đầu tư bãi đỗ xe tại các khu vực trung tâm, ven biển, các khu vực tuyến đường vành đai phục vụ trung chuyển, khu vực đầu mối vận tải công cộng; phân luồng, hạn chế phương tiện cơ giới tham gia giao thông vào giờ cao điểm khu vực trung tâm thành phố.

Đồng thời, ưu tiên bố trí kinh phí hằng năm từ nguồn ngân sách phục vụ đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, hiệu quả khai thác VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố để kịp thời bổ sung, điều chỉnh mật độ mạng lưới, lộ trình tuyến, điểm dừng - đỗ, điểm đầu - điểm cuối và kết nối các phương thức khác phù hợp với nhu cầu thực tế. Ưu tiên bố trí quỹ đất và kinh phí từ nguồn ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ VTHKCC bằng xe buýt theo quy hoạch được duyệt như bến bãi, điểm đầu - cuối, các điểm bán vé, nhà chờ...

Bên cạnh đó, trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe phục vụ cho hoạt động VTHKCC bằng xe buýt do doanh nghiệp đầu tư được nhà nước cho thuê đất và miễn tiền thuê đất theo quy định. Hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng trường hợp doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ VTHKCC bằng xe buýt. Tiếp tục thực hiện cơ chế trợ giá hiện hành nhằm đảm bảo lợi ích tài chính cho đơn vị sản xuất và kinh doanh VTHKCC, để khuyến khích các đơn vị tham gia vào lực lượng VTHKCC và không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện phương án giá vé, chính sách miễn, giảm giá vé cho hành khách đi xe buýt trên địa bàn thành phố theo quy định hiện hành; miễn tiền gửi xe đạp, xe mô tô đối với hành khách sử dụng vé tháng đi xe buýt tại các trạm xe buýt, bãi giữ xe công cộng, các điểm trung chuyển.

Kêu gọi, khuyến khích công chức, viên chức sử dụng xe buýt công cộng tham gia giao thông ít nhất 2 ngày/tuần làm việc; tích hợp thẻ sử dụng xe buýt vào thẻ cán bộ công chức và tích điểm đối với người sử dụng xe buýt 2 ngày/tuần làm việc để giảm chi phí đậu đỗ xe tại các bãi đỗ xe công cộng.

 

Từ Đà Nẵng đi Huế vé xe buýt bao nhiêu?

Về giá vé, chiều Đà Nẵng - Huế (dành cho hành khách đi suốt tuyến) được thành phố Đà Nẵng quy định 70.000 đồng/KH/lượt (Hành khách đi theo chặng sẽ được tính giá từng chặng).

 

Bắt buộc phải có bãi giữ xe cho người đi xe buýt

Trong đề án xây dựng, phát triển hệ thống giao thông công cộng, Ban lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho rằng bắt buộc phải có bãi giữ xe cho người đi xe buýt.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/den-nam-2030-tp-da-nang-se-co-28-tuyen-xe-buyt-148245.html