Thứ sáu, 15/11/2019, 10:13 AM
  • Click để copy

Di chỉ khảo cổ 3.500 năm tuổi ở Hà Nội 'kêu cứu' vì ứng xử thô bạo của Vietracimex

Di chỉ khảo cổ 3.500 năm tuổi ở Hoài Đức (Hà Nội) đang đứng trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn bởi cách ứng xử thô bạo của Công ty cổ phần Thương mại xây dựng Việt Nam (Vietracimex).

Khu di chỉ khảo cổ học 3.500 tuổi có tên Vườn Chuối thuộc làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) có tổng diện tích 19.000m2, được khai quật lần đầu tiên vào năm 1969.
Khu di chỉ khảo cổ học 3.500 tuổi có tên Vườn Chuối thuộc làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) có tổng diện tích 19.000m2, được khai quật lần đầu tiên vào năm 1969. (Ảnh: FB).

Di chỉ khảo cổ bị ứng xử thô bạo

Mấy ngày qua, giới khảo cổ học và người dân bàn tán, bức xúc trước thông tin khu di chỉ khảo cổ 3.500 năm tuổi mang tên di chỉ Vườn Chuối  tại Hoài Đức, Hà Nội đang có nguy cơ biến mất trước việc bị doanh nghiệp san lấp lấy mặt bằng.

Theo thông tin sơ bộ: Từ sau phát hiện lần đầu tiên vào năm 1969 đến nay, tại khu vực Vườn Chuối đã có 9 cuộc khai quật nghiên cứu khảo cổ và đã xác định đây là một phức hệ di chỉ cư trú - mộ táng phát triển liên tục qua các thời kỳ văn hóa Đồng Đậu - Gỗ Mun - Đông Sơn thuộc giai đoạn tiền sử và sơ sử ở miền Bắc nước ta.

Được đánh giá mang tầm vóc lịch sử là thế nhưng theo Sở VHTT Hà Nội: Hiện nay, khu vực Vườn Chuối gồm 3 gò là: Vườn Chuối, Dền Rắn và Mỏ Phượng nằm trong phạm vi Dự án khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch do Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng Vietracimex làm chủ đầu tư. Phía Tây gò Vườn Chuối nằm trong phạm vi mở đường quy hoạch vành đai 3,5.

Đáng bàn hơn, tháng 10/2019, Vietracimex tiến hành xây dựng đường nội bộ và san nền khu đô thị đã xâm phạm vào khu vực di tích phân bổ.

Đơn vị này là đã san lấp toàn bộ di tích ở gò Mỏ Phượng; 50% diện tích ở gò Dền Rắn và một phần phía Nam của gò Vườn Chuối. Hiện tượng đào trộm cổ vật xảy ra ở di chỉ Vườn Chuối được thực hiện công khai ngay sau khi đoàn khai quật khảo cổ vừa dừng thi công.

Nhiều diện tích khu di chỉ khảo cổ Vườn chuối hiện đã bị Vietracimex san phẳng.
Nhiều diện tích khu di chỉ khảo cổ Vườn chuối hiện đã bị Vietracimex san phẳng.

Trước tình trạng trên, Sở VHTT Hà Nội sẽ phối hợp với Viện Khảo cổ học - đơn vị được giao nghiên cứu khảo cổ học Vườn Chuối - có văn bản gửi UBND huyện Hoài Đức, có ý kiến về việc đưa nửa phía Đông di chỉ (bảo tồn 6.000m2) vào khu vực bảo vệ di chỉ khảo cổ, làm cơ sở để đưa di chỉ vào danh mục kiểm kê di tích của thành phố.

Bên cạnh đó, Sở VHTT Hà Nội cũng sẽ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Cục Di sản văn hóa về việc khai quật khảo cổ tại nửa phía Tây di chỉ Vườn Chuối và tiến hành khai quật di dời khu vực phân bổ di tích khảo cổ đối với các di chỉ Dền Rắn và Mỏ Phượng.

Sở VHTT Hà Nội cũng đề nghị UBND thành phố có văn bản chỉ đạo Vietracimex bảo vệ di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối theo đúng pháp luật; chỉ đạo UBND huyện Hoài Đức có phương án phân công các đơn vị thường xuyên bảo vệ, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi đào trộm cổ vật tại khu vực di chỉ Vườn Chuối.

Vietracimex đầy rẫy tai tiếng

Theo giới thiệu, Vietracimex tiền thân là Nhà máy Vật liệu Hà Nội được thành lập từ năm 1961 thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải.

Trải qua gần 60 năm hoạt động, Vietracimex đã phát triển vượt bậc, trở thành một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành. Hiện tại Vietracimex sở hữu 15 công ty thành viên, hoạt động trong 4 lĩnh vực chính gồm: Bất động sản, Sản xuất công nghiệp, Năng lượng và Thương mại dịch vụ.

Người đại diện theo pháp luật của Công ty này là ông Võ Nhật Thăng - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Tổng công ty.

Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Vietracimex Võ Nhật Thăng. (Ảnh Tuổi trẻ).
Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Vietracimex Võ Nhật Thăng. (Ảnh Tuổi trẻ).

Vietracimex cũng là doanh nghiệp vướng một loạt những bê bối, lùm xùm trong thời gian gần đây từ việc xây dựng thủy điện, làm BOT cho đến việc chậm tiến độ dự án...

Dự án khu đô thị Kim Chung - Di Trạch là điển hình tai tiếng của Viettracimex. Dự án bất động sản này được phê duyệt từ năm 2007 và có mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 1.000 tỷ đồng. Thế nhưng sau hơn 1 thập kỷ trôi qua nơi đây gần như vẫn là bãi đất hoang thả cỏ mọc khi hàng loạt các công trình dang dở, biệt thự xây lên nhưng không có người ở.

Với một loạt bê bối như trên nhưng vừa qua doanh nghiệp này vẫn được Hà Nội tin tưởng giao tổ chức lập quy hoạch cho dự án khu nhà ở tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, tỷ lệ 1/500.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/di-chi-khao-co-3-500-nam-tuoi-o-ha-noi-keu-cuu-vi-ung-xu-tho-bao-cua-vietracimex-141844.html