Di sản hỗn loạn của Tổng thống Bolivia 'chạy trốn'

Thứ ba, 12/11/2019, 18:12 PM

Quyết định từ chức của Morales, người đã lãnh đạo Bolivia suốt 14 năm qua, đã đẩy quốc gia Nam Mỹ này vào tình thế hỗn loạn về chính trị.

Di sản hỗn loạn của Tổng thống Bolivia 'chạy trốn'
Evo Morales trong một cuộc họp của Liên Hợp Quốc tại New York năm 2017. Ảnh: AFP.

Khi Morales nhậm chức gần 14 năm trước, ông trở thành lãnh đạo người dân tộc bản địa đầu tiên ở một quốc gia vốn được quản lý bởi nhóm nhỏ người gốc Âu. Ông giành được tín nhiệm cao khi giúp đất nước tăng trưởng kinh tế và thu hẹp bất bình đẳng xã hội."Morales rời ghế để lại một khoảng trống quyền lực và vẫn chưa rõ ai sẽ tiếp quản", John Crabtree, nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford, cho biết.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế châu Mỹ (PAHO), trong thời kỳ cầm quyền của Morales, tỷ lệ đói nghèo ở Bolivia đã được giảm một nửa, từ 37,7% năm 2007 xuống 17,3% năm 2014. Tỷ lệ đói nghèo cùng cực ở vùng nông thôn giảm từ 63,9% xuống còn 36,1%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị chỉ còn 2,3%, giảm so với mức 8,5% trước đó.

Tuy nhiên, những thành tựu của ông bị mờ nhạt vì các biện pháp ông đã thực hiện để giữ quyền lực. Ông từng tổ chức trưng cầu dân ý vào năm 2016 để được quyền tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ tư. Khi ông thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý, tòa án tối cao gồm những người trung thành với Tổng thống đã ra một phán quyết có lợi, giúp Morales "dọn đường" để được ra tranh cử.

Trong cuộc bầu cử hồi tháng 10, Morales bị cáo buộc đã có những hành vi gian lận để giành chiến thắng. Ủy ban giám sát thuộc Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ phát hiện những bất thường và "hành vi thao túng rõ ràng" trong bầu cử, khuyến nghị hủy bỏ kết quả này và tổ chức vòng bầu cử tiếp theo.

Morales bác bỏ khuyến nghị này và tuyên bố nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư, động thái khiến người dân phẫn nộ xuống đường phản đối trong ba tuần biểu tình bạo lực. Khi quân đội và cảnh sát quay sang ủng hộ người biểu tình, Morales từ chức.

Dù vậy, Morales vẫn có nền tảng ủng hộ vững chắc trong nước vì ông đã thực hiện những cải cách kinh tế, xã hội giúp nhiều người Bolivia thoát khỏi nghèo đói và cải thiện quyền của người dân tộc bản địa.

Những người Bolivia phản đối Morales cũng như ủng hộ ông đều lo lắng về chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Xã hội Bolivia bị chia rẽ mạnh mẽ vì các yếu tố địa lý, xã hội và dân tộc. Các đối thủ của Morales chủ yếu ở miền đông, tại bình địa và xuất thân từ tầng lớp trung lưu. Trong khi đó, những người ủng hộ Morales thuộc tầng lớp lao động hoặc cư trú ở vùng nông thôn ở cao nguyên. Sự chia rẽ này nhiều khả năng càng trầm trọng thêm.

Sau khi ông Morales từ chức, Phó Tổng thống Álvaro García Linera cũng tuyên bố ra đi. Theo Hiến pháp Bolivia, sau khi cả Tổng thống lẫn Phó tổng thống đều từ chức, Chủ tịch Hạ viện Victor Borda, Chủ tịch Thượng viện Adriana Salvatierra và Phó chủ tịch thứ nhất Thượng viện Ruben Medinaceli là những người nằm trong danh sách kế nhiệm.

Tuy nhiên, tất cả những người này đều đồng loạt từ chức, tạo ra một khoảng trống quyền lực lớn. Trong bối cảnh đó, bà Jeanine Anez Chavez, Phó chủ tịch thứ hai Thượng viện nổi lên như lựa chọn khả dĩ nhất để tiếp quản quyền lực của ông Morales.

Jeanine Anez Chavez là ai?

jeanine-anez-chavez_ywwz.jpg
Bà Jeanine Anez Chavez, Phó chủ tịch Thượng viện tạm thời giữ chức vị tổng thống Bolivia cho đến khi cuộc bầu cử mới được tổ chức. Ảnh: AP

Bà Jeanine Anez Chavez, 52 tuổi, từng tốt nghiệp ngành luật và cũng là một luật sư. Bà kết hôn với Hector Carvajal, một chính trị gia người Colombia.

Năm 2006, bà Anez bắt đầu tham gia chính trị khi trở thành thành viên Hội đồng Lập hiến và góp phần soạn thảo hiến pháp Bolivia hiện nay. Đây là bản hiến pháp sửa đổi được Morales thúc đẩy thông qua từ khi tranh cử, nhằm trao nhiều quyền lợi hơn cho các dân tộc bản xứ.

Năm 2010, bà Anez tham gia chính trường với vai trò là thượng nghị sĩ đại diện cho khu hành chính Beni. Khi đó, bà tham gia đảng Kế hoạch Tiến bộ vì Bolivia – Hội tụ quốc gia (PPB-CN), là một liên minh cánh hữu và cũng là phe chính trị có quan điểm đối lập với chính quyền của cựu Tổng thống Morales từ sau cuộc bầu cử năm 2009.

Đến năm 2014, khi liên minh này tan vỡ, bà Anez gia nhập đảng Phong trào Xã hội Dân chủ đối lập trong cuộc tổng tuyển cử năm đó. Năm 2019, bà được bầu làm Phó chủ tịch thứ hai Thượng viện.

Bà được biết đến như một đối thủ "không đội trời chung" với Tổng thống vừa từ chức Morales và nhiều lần chỉ trích các chính sách của ông. Khi các cuộc biểu tình nổ ra ba tuần trước, dẫn đến những vụ đụng độ bạo lực giữa người biểu tình với cảnh sát, bà Anez đã chỉ trích ông Morales là "bạo chúa" và yêu cầu ông từ chức.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/di-san-hon-loan-cua-tong-thong-bolivia-chay-tron-141535.html