Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh

Thứ sáu, 30/08/2019, 09:24 AM

Theo Bộ Y tế, sau những ngày mưa nhiều, đặc biệt là khu vực phía Nam lúc nắng lúc mưa, những ngày tới thật sự là cao điểm SXH. Đáng lo ngại hơn, dịch SXH hiện nay không còn diễn biến theo chu kỳ mà xuất hiện quanh năm, với những diễn biến khó lường. Vì thế, cần tuyên truyền rõ để người dân tự giác diệt loăng quăng, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt.

Theo Bộ Y tế, sau những ngày mưa nhiều, đặc biệt là khu vực phía Nam lúc nắng lúc mưa, những ngày tới thật sự là cao điểm SXH. Đáng lo ngại hơn, dịch SXH hiện nay không còn diễn biến theo chu kỳ mà xuất hiện quanh năm, với những diễn biến khó lường. Vì thế, cần tuyên truyền rõ để người dân tự giác diệt loăng quăng, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt.

Tiếp tục có bệnh nhân tử vong

Báo cáo Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện tại toàn tỉnh có 2.387 ca sốt xuất huyết Dengue, tăng 165% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó số ca sốt xuất huyết nặng là 15 ca. Đặc biệt, đã có 1 ca tử vong do sốt xuất huyết tại huyện Chợ Gạo.

Bệnh nhân là H.T.A.T, 14 tuổi, học sinh Trường THCS An Thạnh Thủy, khởi bệnh ngày 16.8 với dấu hiệu sốt, người nhà đã tự mua thuốc về uống. Đến 23h ngày 18.8, bệnh nhân nhức đầu, đau bụng và ói nên gia đình đưa đến phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang khám và nhập viện. Đến 20h ngày 20.8, bệnh nhân tử vong.

Tại các tỉnh miền Trung tình hình sốt xuất huyết có diễn biến cũng phức tạp. Tại tỉnh Phú Yên, huyện Tuy An là địa phương có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cao thứ 2 của tỉnh với gần 600 trường hợp. Đáng lưu ý là số ca mắc bệnh tăng đến 64 lần so với năm 2018 và số người mắc bệnh lại tăng cao trong những tháng nắng nóng. Tại huyện Tuy An, nhà nào cũng có vài thùng đựng nước, đây là nguyên nhân phát sinh bọ gậy, khiến các ổ dịch sốt xuất huyết bùng phát.

Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS TS Huỳnh Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và côn trùng Quy Nhơn - làm Trưởng đoàn cùng lãnh đạo Viện Pasteur Nha Trang, Cục quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại Ninh Thuận. Tại tỉnh Ninh Thuận, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận cho biết, tính đến ngày 21.8.2019, toàn tỉnh đã có 55/65 xã, phường mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue, với tổng số ca mắc 968 trường hợp; trong đó có 26 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue nặng, không có trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh tăng 6,6 lần so với cùng kỳ năm 2018 (968/147).

Ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, theo thống kê, mới hết tháng 8 nhưng có đến 55.705 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 8 trường hợp tử vong. Nắng nóng kéo dài nên các gia đình đều trữ nước, nhưng những lu, thùng chứa nước này lại không đậy nắp. Kết quả kiểm tra của Đoàn công tác số 7 (Bộ Y tế) cho thấy, ở nhiều hộ có đến 7 chủng loại dụng cụ chứa nước, gây phát sinh muỗi tại tỉnh Phú Yên. Thậm chí, có xã không thiếu nước nhưng người dân vẫn trữ nước ở các thùng và bọ gậy cứ thế sinh sôi.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc trữ nước trong thời điểm khô hạn là điều bắt buộc, nhưng các hộ dân lại không đậy nắp - chính là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Cán bộ y tế đến xử lý, nhưng sau vài ngày quay trở lại, các lu, dụng cụ chứa nước lại đầy bọ gậy. Với tình hình hiện nay, nếu chỉ riêng ngành Y tế vào cuộc, việc ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết sẽ gặp khó, nhất là theo dự báo từ đây đến cuối năm bệnh có khả diễn biến phức tạp hơn bởi đây là năm chu kỳ của dịch sốt xuất huyết.

Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh
Kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết ở Hà Nội. Ảnh: SYT HN

Phạt hành chính, cưỡng chế nếu để phát sinh bọ gậy

Riêng tại Hà Nội, hiện toàn thành phố có 2.586 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Đơn cử, trên địa bàn huyện Hoài Đức trong tháng 8 ghi nhận 59 ca mắc với 11 ổ dịch. Cộng dồn từ đầu năm đến nay có 128 ca/38 ổ dịch, đứng thứ 9 toàn thành phố. Số mắc tăng 107 ca so với cùng kỳ năm 2018 (20 bệnh nhân).

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn: Hoài Đức là một khu vực trọng điểm, có nhiều ca mắc sốt xuất huyết đứng thứ 3 khu vực ngoại thành. Bệnh nhân rải đều tại 18/20 xã/thị trấn (chỉ trừ xã Đông La và Đắc Sở chưa ghi nhận bệnh nhân mắc sốt xuất huyết). Việc tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy vẫn còn hạn chế. Có 1.081 cộng tác viên phòng chống dịch nhưng vẫn thấp so với lượng dân cư đông đúc trên địa bàn. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn hiện nay rất phức tạp và có nguy cơ bùng phát tại các xã Sơn Đồng, Đức Giang, Kim Chung nếu không có các biện pháp mạnh hơn nữa trong hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Khi kiểm tra thực tế các hộ gia đình, hộ kinh doanh, nơi tồn đọng phế thải trên địa bàn xã Đức Giang, các dụng cụ chứa nước (chai, lọ hoa, bể cây cảnh, bể nước tại các công trình xây dựng…) xuất hiện ổ bọ gậy, hiện hữu nhiều nguy cơ gây sốt xuất huyết rất lớn. Trả lời về tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Đỗ Đức Chung cũng nhấn mạnh: “Đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành tốt việc phòng chống dịch sốt xuất huyết sẽ kiên quyết xử phạt hành chính hoặc cưỡng chế những khu vực kinh doanh có dụng cụ liên quan đến việc phát sinh bọ gậy”.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, để phòng chống sốt xuất huyết, các địa phương cần tổ chức nhiều đợt phun hóa chất diện rộng, phun cả trong nhà và khu vực công cộng để giảm nguy cơ bùng phát dịch, phải có người chịu trách nhiệm các khu vực phế thải để công tác phun hóa chất đạt hiệu quả cao. Duy trì hàng tuần chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, tập trung thu gom phế thải phế liệu, những dụng cụ chứa nước không sử dụng đến, đặc biệt là những khu vực buôn bán chai, lọ hay khu vực sửa chữa xe có lốp xe… Đối với bể nước tại các hộ gia đình cần có nắp đậy cẩn thận. Nếu phát hiện có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết cần xử lý môi trường, phun mù nóng, phun hóa chất diệt muỗi xung quanh nhà bệnh nhân.

Các xã thống kê số lượng trường học, khu vực công cộng (nghĩa trang, đình chùa, bãi phế thải…) để phân công nhiệm vụ rõ ràng. Yêu cầu đội ngũ y tế phun thuốc diệt muỗi tại các trường học trước khi khai giảng năm học mới. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền các biện pháp phòng tránh muỗi đốt như ngủ màn, kem xoa ngoài da, hóa chất diệt muỗi… Ngoài ra, tiếp tục tổ chức các buổi họp dân lồng ghép tuyên truyền các nội dung phòng chống sốt xuất huyết. Tổ chức đào tạo, tập huấn lại cho lực lượng đội xung kích, tổ giám sát. Khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị kịp thời. Sốt xuất huyết sẽ tăng nhanh nếu các cấp ngành và người dân không cùng nhau vào cuộc quyết liệt. 

 

Hình ảnh sốt xuất huyết? Sốt xuất huyết bao lâu thì khỏi?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm có mức độ lây lan rất nhanh. Hình ảnh sốt xuất huyết dưới đây sẽ cho bạn thấy mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.

 

Sốt xuất huyết kiêng gì? Sau sốt xuất huyết kiêng gì?

Khi bị sốt xuất huyết cần kiêng gì là thắc mắc của nhiều người. Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin hữu ích giải đáp câu hỏi: Sốt xuất huyết kiêng gì?

 

Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em nguy hiểm thế nào?

Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em nguy hiểm hơn ở người lớn. Vậy khi trẻ bị sốt xuất huyết sẽ nguy hiểm như thế nào? Tìm hiểu ngay sau đây: