Điểm lại những sự kiện y tế nóng nhất năm 2019

Thứ tư, 18/12/2019, 07:12 AM

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế, câu chuyện về bé Bình An, vụ việc cắt đôi que xét nghiệm tại bệnh viện Xanh Pôn sẽ có trong điểm lại sự kiện nóng nhất ngành y tế năm 2019.

diem-lai-nhung-su-kien-y-te-nong-nhat-nam-2019
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến thôi giữ chức Bộ Trưởng Bộ Y tế từ tháng 11/2019.

1. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế

Ngày 22/11 Quốc hội đã chính thức phê chuẩn miễn nhiệm "ghế nóng" với bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Với 424 phiếu đồng ý (87% tổng số đại biểu), và 30 đại biểu bấm nút không đồng ý, Quốc hội đã chính thức phê chuẩn miễn nhiệm bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình đề nghị miễn nhiệm ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm bộ trưởng Bộ Y tế.

Trước đó, Bộ Chính trị đã quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng Ban bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ trung ương. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã được cử làm bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế.

2. 25 năm - Phong trào hiến máu tình nguyện phát triển ấn tượng

Những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện đã và đang phát triển một cách ấn tượng, với những mô hình rất đặc trưng, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống và hội nhập, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Có thể kể đến đó là việc xác lập kỷ lục về lượng máu tiếp nhận trong 1 sự kiện tại Lễ hội Xuân Hồng, xếp hình Giọt Máu với số người tham gia lớn nhất, Hành trình Đỏ vận động hiến máu xuyên Việt, Chủ nhật Đỏ hiến máu dịp Tết Nguyên Đán; tổ chức các ngày hội hiến máu với hàng ngàn đơn vị máu mỗi ngày như: Trái Tim Tình Nguyện, Giọt Hồng Tri ân, Youthday...

Từ năm 1994, xuất phát từ nhu cầu đảm bảo nguồn máu an toàn cho điều trị, giảm những tiêu cực trong truyền máu do thiếu người hiến máu; Viện Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai đã có nhiều nỗ lực để vận động người dân tham gia hiến máu nhân đạo, nhưng hoạt động còn nhỏ và hiệu quả chưa cao.Với sự ủng hộ Bộ Y tế, Ban Tuyên giáo Trung ương và các tổ chức quốc tế, ngày 24/01/1994, tại Hà Nội đã diễn ra ngày hiến máu nhân đạo đầu tiên do Viện Huyết học - Truyền máu và Thành Đoàn phát động và tổ chức thành công, tạo sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng.

Từ sự khởi đầu đầy khó khăn nhưng thuận lợi, nước ta đã xây dựng và tạo nên được phong trào hiến máu tình nguyện phát triển rộng rãi trên cả nước; lượng máu thu được năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 1994, kết quả thu được là Hội đã tiếp nhận được 138.000 đơn vị máu; 15% trong số đó là từ người hiến máu tình nguyện; thì đến năm 2018, cả nước đã tiếp nhận 1,4 triệu đơn vị máu và 98% trong số đó là người hiến máu tình nguyện, đáp ứng được trên 70% nhu cầu máu cho điều trị.

3. Tuần lễ ghép tạng chưa bao giờ có trong lịch sử

Vào tháng 8 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện lấy và ghép cùng lúc 6 tạng cho 5 bệnh nhân, gồm: 2 phổi, 1 tim, 1 gan, 2 thận (cho 2 bệnh nhân) hoạt động được diễn ra trên 6 bàn mổ ghép tạng cùng lúc (1 lấy, 5 ghép).

Điều này đòi hỏi công tác tổ chức phải hết sức tốt, đông đảo đội ngũ chuyên gia kỹ thuật cao trên nhiều lĩnh vực, và sự phối hợp rất đồng bộ của các chuyên khoa - một điều rất khó thực hiện ở đa số các trung tâm ghép tạng trên thế giới. Cho đến nay tất cả 5 bệnh nhân ghép tạng đều thành công.

Đáng chú ý, trong gần 1 tuần (từ 12/8 tới 18/8) - “tuần ghép tạng”, được sự hỗ trợ và phối hợp rất nhịp nhàng của Trung tâm Điều phối - Ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Chợ Rẫy, Hãng hàng không, và sự cố gắng vượt bậc của đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh viện đã thực hiện tới 10 ca mổ ghép tạng từ người cho chết não (phổi, 2 tim, 3 gan, 4 thận) với nguồn hiến đa tạng từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (2 ca) và Bệnh viện Chợ Rẫy (1 ca). Tất cả các ca ghép đều cho kết quả thuận lợi.

Bên cạnh đó, bệnh viện vẫn tiếp tực thực hiện 5 ca ghép tạng theo chương trình từ người cho sống (1 gan, 4 thận). Như vậy có tới 15 ca ghép tạng trong 6 ngày. Chưa bao giờ hoạt động ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lại sôi động đến vậy.

Điều đó thể hiện năng lực và tầm vóc của bệnh viện trong lĩnh vực ghép tạng, đồng thời cho thấy hiệu quả rất rõ rệt của công tác tuyên truyền, vận động hiến tạng của các cơ quan, đoàn thể trên mọi miền đất nước.

4. Câu chuyện về bé Bình An 

Chị Nguyễn Thị Liên, 29 tuổi trú tại Hà Nam phát hiện ung thư vú giai đoạn cuối khi mới mang thai ở tháng thứ 4. Chị quyết tâm chiến đấu, giữ thai bằng mọi giá để con chào đời an toàn.

Chiều 22/5, bé trai Đỗ Bình An mới 31 tuần thai đã chào đời bằng phương pháp sinh mổ với sự hỗ trợ của gần 20 bác sĩ đầu ngành ba bệnh viện K, Việt Đức và Phụ sản Trung ương.

Ca mổ hy hữu do sản phụ phải ngồi mổ bởi ung thư vú di căn vào phổi, nếu nằm chị không thể thở được. Sản phụ cũng không thể gây mê vì không biết chị có thể tỉnh lại hay không. 20 ngày chờ đợi để được gặp con là chuỗi ngày chị Liên và bao người thấp thỏm lo âu cho sự sống của chị.

diem-lai-nhung-su-kien-y-te-nong-nhat-nam-2019
Bé Hải An cùng mẹ đã được trở về nhà với sức khỏe ổn định.

Điều kỳ diệu đã đến khi ngày 13/6 mẹ Liên được gặp con lần đầu tại Trung tâm sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Cuộc gặp gỡ chóng vánh trong 30 phút đã thoả ước nguyện của người mẹ ung thư. Sau cuộc gặp gỡ, tiến triển sức khỏe của cả hai mẹ con đều tốt hơn.

Sau thời gian dài điều trị, cả 2 mẹ con chị Liên đã trở về nhà với sức khỏe ổn định, bé Bình An tăng cân đều đặn và được cho bú sữa ngoài. Đây được xem là câu chuyện về tình mẫu tử tiêng liêng và thần kỳ, khi chính các chuyên gia y tế nổi tiếng trong nước cũng bất ngờ về sự phục hồi kỳ diều của chị Liên.

5. Thêm loại văcxin 5 trong 1 mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng

Giám đốc dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương Đặng Đức Anh cho hay từ tháng 5-2019 sẽ có thêm một văcxin 5 trong 1 mới được đưa vào chương trình.

Văcxin này do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất, có thành phần kháng nguyên tương tự các văcxin Quinvaxem, ComBe Five đã và đang được sử dụng tại Việt Nam.

Cũng theo ông Đức Anh, văcxin này ngừa 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib, trong đó thành phần ho gà là toàn tế bào. Văcxin này cũng đã đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Nhà cung cấp văcxin là Viện Huyết thanh Ấn Độ từng cung cấp 20 triệu liều văcxin sởi - rubella cho Việt Nam trong chiến dịch tiêm ngừa năm 2014 với chất lượng rất tốt.

Do lượng văcxin ComBE Five được cung cấp gần đây chưa đảm bảo về số lượng so với nhu cầu (mới đạt khoảng 60-70%), việc đưa thêm một văcxin vào chương trình giúp chủ động về nguồn cung ứng cho tiêm chủng.

Dự kiến văcxin mới sẽ bắt đầu được đưa vào tiêm quy mô nhỏ (tại 5 tỉnh thành miền Bắc, miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên) từ tháng 5-2019. Nếu theo đúng kế hoạch, văcxin này sẽ được đưa vào tiêm chủng rộng rãi cùng với ComBE Five trong năm 2019.

Văcxin 5 trong 1 ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib bắt đầu được đưa vào sử dụng tại Việt Nam khoảng 10 năm trước đây bằng văcxin Quinvaxem và từ cuối năm 2018 thay thế bằng ComBE Five.

6. Phụ huynh đưa con đi khám sau tin đồn trường mần non cho học sinh ăn thịt nhiễm sán

Vào cuối tháng 2, clip ghi lại hình ảnh món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường Mầm non Thanh Khương khiến nhiều người lo lắng.

Một phụ huynh thấy con bị sốt cao nên đưa đi khám, kết quả cháu bé dương tính với sán lợn. 2/3 học sinh của trường này được gia đình đưa đi xét nghiệm và có kết quả dương tính với sán lợn.

Theo kết quả cập nhật đến 21h ngày 17/3, gần 2.000 trẻ từ 1-10 tuổi ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, được khám sán lợn ở hai bệnh viện của Hà Nội. Trong đó, 209 bé có xét nghiệm dương tính. Có 18,5% dương tính với ấu trùng sán lợn, 5% dương tính với sán lá gan lớn, 8,8% dương tính với ấu trùng sán dây chó và có đến 37,2 % dương tính với ấu trùng giun đũa chó, mèo.

Từ 18/3, Sở Y tế Bắc Ninh bắt đầu hỗ trợ lấy máu xét nghiệm tại địa phương, hàng trăm phụ huynh vẫn ùn ùn đưa con lên Hà Nội để xét nghiệm bất chấp trời mưa rét.

Sáng 18/3, trong cuộc họp với Bộ trưởng Y tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu điều động ngay các bác sĩ, lực lượng chuyên môn cùng với thiết bị về Bắc Ninh để xét nghiệm sán lợn cho học sinh các trường học ở huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh.

Thủ tướng cũng giao Bộ GD&ĐT cùng Bộ Y tế chỉ đạo các trường học trong cả nước phải thực hiện ngay các giải pháp về cung cấp thực phẩm và thức ăn cho các trường học, đảm bảo an toàn cho học sinh.

 7. Bộ Y tế tích cực chống rác thải nhựa

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về giải quyết vấn đề rác thải nhựa, ngày 29/7/2019 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 08 về giảm thiểu chất thải nhựa trong Ngành Y tế.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đề án giảm thiểu chất thải nhựa trong Ngành Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế, các cơ quan, tổ chức,công chức, viên chức, người lao động trong Ngành Y tế nghiêm túc thực hiện một số nội dung như: 

Hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị… thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.

Bộ Y tế đề nghị đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị… Đồng thời thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định.

Tổ chức quán triệt, phổ biến, hướng dẫn, tập huấn, truyền thông, vận động cán bộ, nhân viên y tế, các đơn vị cung cấp dịch vụ, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế và cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị.

8. Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua

Vào tháng 10 vừa qua, PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cũng cho biết thêm, Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Sau 7 năm nghiên cứu, xây dựng, ngày 14/6/2019, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội khóa XIV thông qua. Việc ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu cấp thiết để phòng, chống các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm, phòng, chống tai nạn giao thông, bạo lực, tội phạm, góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Đồng thời, góp phần thực hiện các giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới "Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá"; "Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng" cũng như hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam cam kết với liên hợp quốc. 

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia, đồng thời, đây cũng là đạo luật khó do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân vì vậy để đạo luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật là hết sức quan trọng.

9. 20 năm công tác điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam

Kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào tháng 12/1990, hiện cả nước có trên 200.000 người nhiễm HIV còn sống và lũy tích đến nay có trên 100.000 người tử vong do AIDS.

Nhằm giảm tác động của dịch HIV/AIDS, ngày 08/5/2000 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1451/2000/QĐ-BYT về việc ban hành: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị HIV/AIDS  làm cơ sở cho việc mở rộng chương trình điều trị bằng thuốc kháng HIV tại Việt Nam sau này.

Việt Nam cũng liên tục cập nhật khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế thế giới trong công tác điều trị HIV/AIDS. Tiêu chuẩn điều trị thuốc ARV từ chỗ phụ thuộc tế bào CD4 dưới 200 tế bào/mm3 và giai đoạn lâm sàng đã chuyển sang điều trị ARV ngay khi được phát hiện nhiễm HIV.Với những nỗ lực từ Chính phủ và hỗ trợ mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế, đến hết tháng 9/2019, cả nước đang điều trị thuốc kháng vi rút ARV cho trên 142.000 người nhiễm HIV, tăng gần 280 lần so với năm 2004. Trung bình mỗi năm có trên 10.000 người nhiễm HIV được đưa vào điều trị ARV.

Số ngày chờ từ khi đăng ký điều trị cho đến khi được điều trị ARV đã giảm từ trên 350 ngày năm 2011 xuống còn 0 ngày vào năm 2018.

Người nhiễm HIV đã được đưa vào điều trị ARV trong ngày với thời gian từ khi có xét nghiệm sàng lọc HIV dương tính cho đến khi được khẳng định nhiễm HIV và điều trị ARV có nơi chỉ còn có 6,5 giờ. Cấp phát thuốc ARV tối đa 90 ngày sử dụng đã được thực hiện cho người nhiễm điều trị thuốc ARV ổn định.

Ông John Blandford, Giám đốc Văn phòng CDC tại Việt Nam cho rằng: “Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong các hoạt động K=K do đã sớm đưa các phát hiện này vào các chính sách và chương trình quốc gia. Việt Nam được đánh giá là có tỷ lệ ức chế virus HIV thuộc hàng cao nhất thế giới"

10. Cắt đôi que xét nghiệm tại bệnh viện Xanh Pôn.

Liên quan nhân viên y tế bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn bị tố cắt đôi kết quả, trộn mẫu xét nghiệm HIV để tiến hành kiểm tra, qua thời gian tiến hành điều tra Sở Y tế Hà Nội công bố chiều kết quả ban đầu của vụ việc.

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn mua sắm vật tư Y tế theo kết quả đấu thầu tập trung theo quy định, trong đó có 5 loại Test, Kit xét nghiệm đang sử dụng tại Khoa Vi sinh y học. 

Khoa Vi sinh y học quản lý việc sử dụng 5 loại Test, Kit trên bằng 3 hệ thống: Sơ đồ Test, Phiếu kiểm kê, Phần mềm quản lý kết quả xét nghiệm (Lapcom) nhập số liệu từ tháng 7.2019, qua kiểm tra, số liệu thống kê trên 3 hệ thống của Khoa không khớp nhau và không khớp với số liệu kiểm tra của Đoàn Thanh tra. Do đó, Đoàn Thanh tra đang tiếp tục xác minh, làm rõ số liệu trên.

bv-xanh-pon-nhan-ban-toi-gan-1300-mau-xet-nghiem
Mẫu que thử bị cắt đôi.

Về kết quả xác minh việc nhận, sử dụng Test Alere HIV Combo - Nhật Bản (Test HIV Combo) tại Khoa Vi sinh Y học, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn không mua loại Test này, việc có Test HIV Combo tại Khoa Vi sinh y học là do bà Chu Thị Loan - Phó Khoa, Phụ trách Khoa nhận và chỉ đạo nhân viên trong Khoa nhận Test này của Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Lục Tỉnh (Công ty Lục Tỉnh).

Công ty này cung cấp 40 Test HIV Combo cho Khoa Vi sinh Y học trong 2 lần. Cụ thể, ngày 17/7/2019 bà Vũ Phương Thơm ký nhận 20 Test (1 hộp) và ngày 31.10.2019 bà Chu Thị Loan ký nhận 20 Test (1 hộp). Khoa Vi sinh Y học không báo cáo việc nhận và sử dụng Test HIV Combo với Bệnh viện.

Theo báo cáo của bà Chu Thị Loan và các nhân viên trong Khoa, Bà Loan phổ biến, chỉ đạo nhân viên của Khoa thực hiện cắt dọc gần 40 Test HIV Combo làm đôi (một số Test đầu không cắt, bà Loan không nhớ số lượng cụ thể) để xét nghiệm kiểm chứng kết quả xét nghiệm bằng Test HIV 1/2 vì công ty Lục Tỉnh chỉ cho khoa 40 Test nên không đủ số lượng Test cần kiểm chứng. Khoa sử dụng mẫu máu xét nghiệm bằng Test HIV 1/2 còn dư để xét nghiệm Test HIV Combo nên không lấy thêm máu của bệnh nhân.

Kết quả xét nghiệm Test HIV Combo được nhân viên của khoa ghi khống 1.272 kết quả vào cột ghi chú của Sơ đồ Test HIV 1/2 từ trưa ngày 9/12/2019 sau khi biết thông tin phản ảnh, thực tế khoa chỉ xét nghiệm kiểm chứng gần 80 Test HIV Combo (nhân viên khoa không nhớ số lượng cụ thể). Tại thời điểm kiểm tra, Khoa Vi sinh y học không còn Test HIV Combo. Sở Y tế Hà Nội nhận định, Khoa Vi sinh Y học đã không thực hiện đúng các quy định về tiếp nhận quà tặng khi tự ý nhận quà là Test HIV Combo của Công ty Lục Tỉnh cho, tặng không báo cáo Bệnh viện. 

 

BV Xanh Pôn 'nhân bản' tới gần 1.300 mẫu xét nghiệm

Trước vụ việc nhân viên y tế bệnh viện Đa khoa Xanh Pôm bị tố cắt đôi kết quả, trộn mẫu xét nghiệm HIV để tiến hành kiểm tra, qua thời gian tiến hành điều tra Sở Y tế Hà Nội công bố chiều kết quả ban đầu của vụ việc.

 

Chuyên gia đầu ngành huyết học 'bàng hoàng và choáng' trước vụ việc cắt đôi que thử HIV tại BV Xanh Pôn

Việc làm tại Bệnh viện Xanh Pôn là đã trộn 4 mẫu máu bằng xét nghiệm ELISA. Nếu trộn các mẫu máu như vậy kháng nguyên sẽ bị pha loãng. Như vậy có những trường hợp nhiễm bệnh nồng độ kháng nguyên thấp sẽ không được phát hiện gây ra âm tính giả.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/diem-lai-nhung-su-kien-y-te-nong-nhat-nam-2019-147831.html