Điểm mặt các khu đô thị 'thiếu trường học' tại Hà Nội

Thứ tư, 12/02/2020, 13:28 PM

Hàng loat các khu đô thị ở Hà Nội mặc dù được hình thành 10-15 năm nhưng vẫn không có trường học. Trong khi đó, pháp luật hiện hành đã có quy định bắt buộc về việc để đất phát triển các cơ sở giáo dục khi quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị.

Cổng vào Khu đô thị Xuân Phương – Viglacera. (Ảnh minh họa).

Cổng vào Khu đô thị Xuân Phương – Viglacera. (Ảnh minh họa).

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có những trả lời ý kiến cử tri về tình trạng thiếu trường học tại các đô thị mới. 

Bộ thừa nhận tình trạng này và chỉ rõ nguyên nhân do đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục theo quy hoạch khu công nghiệp, khu đô thị tại các địa phương chưa đầy đủ, đồng bộ với việc phát triển khu công nghiệp, đô thị.

Tại Hà Nội tình trạng chủ đầu tư xây dựng đô thị nhưng không xây trường học diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, nhiều khu đô thị đã hình thành được 10-15 năm nhưng trường học vẫn không có đang tạo ra những hệ luỵ trong xã hội.

Báo VTC News liệt kê những khu đô thị này gồm: Khu đô thị mới Phùng Khoang, Khu nhà ở Đài phát thanh phát sóng Mễ Trì, khu đô thị Xuân Phương – Viglacera, khu đô thị Thành phố giao lưu, khu đô thị Đoàn Ngoại giao, khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại xã Cổ Nhuế, khu nhà ở để bán Quang Minh Vinaconex 2, khu đô thị mới Vân Canh, khu nhà ở Thạch bàn, khu đô thị Đặng Xá, khu nhà ở Vĩnh Hoàng, khu đô thị mới Cầu Bươu…

Ngoài ra, có tình trạng một số dự án đầu tư xây dựng trường học trong các khu đô thị mới, đặc biệt là khu vực các quận trung tâm đã được chủ đầu tư chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư thứ cấp nhưng cũng trong tình trạng chậm triển khai như: Khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm, khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp.

Đơn cử như: Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị đã chuyển giao 5 lô đất trường học cho các nhà đầu tư cấp 2 tại khu đô thị Việt Hưng nhưng đến nay chỉ có một công trình trường học đã hoàn thành xây dựng.

Khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm quy hoạch 6 ô đất xây dựng trường học. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có một công trình trường tiểu học hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng.

Còn 5 ô đất quy hoạch xây dựng trường học, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Xây dựng (HUD) đã chuyển nhượng hạ tầng 2 ô đất (NT1 và TH1) cho nhà đầu tư thứ phát nhưng chưa xây dựng công trình; 2 ô đất (NT2, HT2) đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch; 1 ô đất (TH4) đang vướng mắc, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp quy hoạch 6 lô đất xây dựng trường học, gồm ba lô đất xây dựng trường mầm non, một lô đất trường tiểu học, một lô đất trường THCS, một lô đất trường THPT, trong đó có một lô đất đã hoàn thành xây dựng trường mầm non, một lô đất đang thực hiện chuẩn bị đầu tư xây dựng trường tiểu học. Lô đất xây dựng trường THPT vướng nghĩa trang thôn Văn Điển.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Xây dựng cho rằng, các địa phương cần lên kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm cũng như kế hoạch thực hiện quy hoạch; tăng cường công tác giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, cơ quan dân cử, người dân trong việc lập và thực hiện quy hoạch.

Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện nay, Chính phủ cũng đang chỉ đạo xây dựng và trình Quốc hội Luật Quản lý phát triển đô thị nhằm từng bước hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật để quản lý phát triển đô thị, khu đô thị, khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật – hạ tầng xã hội.

Bài liên quan