Điểm sáng kinh tế Việt Nam thời hậu Covid-19

Thứ sáu, 15/01/2021, 20:12 PM

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế đã chỉ ra những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ dịch Covid-19, cơ hội và thách thức trong năm 2021.

TS. Cấn Văn Lực chia sẻ tại hội thảo

TS. Cấn Văn Lực chia sẻ tại hội thảo "Triển vọng kinh tế tài chính năm 2021-2025: Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán". (Ảnh: Nguyễn Nam).

Thị trường chứng khoán Việt Nam là điểm sáng

Chiều 15/1, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề "Triển vọng kinh tế tài chính năm 2021-2025 - Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán".

Buổi hội thảo đã thu hút nhiều chuyên gia kinh tế, chứng khoán với những số liệu phân tích về nền kinh tế trong nước và quốc tế năm 2020 dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19 và dự đoán những thời cơ, thách thức trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Long Giang - Chủ tịch VFCA đánh giá: Năm 2020 là năm nền kinh tế thế giới gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do sự tác động tiêu cực, bất ngờ của đại dịch Covid-19.

Trong cả năm vừa qua bệnh dịch không ngừng lây lan, diễn biến phức tạp và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại ở rất nhiều nước trên thế giới. Sự gia tăng của số lượng người nhiễm và sự hạn chế hoạt động, giãn cách xã hội đã khiến kinh tế toàn cầu suy thoái, nhiều quốc gia có mức tăng trưởng âm, thị trường tài chính tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Việt Nam mặc dù được thế giới ghi nhận là tấm gương trong công tác kiểm soát dịch bệnh nhờ có biện pháp đối phó chủ động, quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành nhưng kinh tế Việt Nam vẫn không tránh khỏi sự ảnh hưởng của đại dịch. Tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu đều bị sụt giảm gây suy giảm hoạt động sản xuất và tăng trưởng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia tại khu vực Châu Á không bị ảnh hưởng quá nặng nề và nền kinh tế đang có dấu hiệu khôi phục nhờ các biện pháp kinh tế vĩ mô hướng tới kích thích tổng cầu và phục hồi sản xuất của Chính phủ. Mặc dù một số chỉ tiêu kinh tế đề ra từ đầu năm không hoàn thành nhưng kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn tăng trưởng dương (đạt 2,91%), được ghi nhận là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất năm 2020, là một trong số 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất.

Ông Lê Long Giang, Chủ tịch VFCA phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: VNF).

Ông Lê Long Giang, Chủ tịch VFCA phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: VNF).

Ngược lại với những khó khăn của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán Việt Nam năm vừa qua phục hồi mạnh mẽ, thu hút nhiều nhà đầu tư mới và thanh khoản tăng cao.

Chủ tịch VFCA chỉ ra rằng những nguyên nhân giúp thị trường chứng khoán trong nước liên tục hấp dẫn các nhà đầu tư và giá cổ phiếu tăng mạnh là do Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế được duy trì ổn định, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khả quan do được Chính phủ hỗ trợ lãi suất vay vốn, lãi suất tiền gửi liên tục điều chỉnh giảm khiến người dân không muốn gửi tiết kiệm tại ngân hàng, một số ngành lại tìm thấy cơ hội phát triển trong dịch bệnh như công nghệ thông tin, viễn thông, thương mại điện tử và sắp tới sẽ là xây dựng, bất động sản.

Những ngày đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam lần đầu tiên quay lại tiệm cận đỉnh lịch sử 1.200 điểm sau 3 năm và đánh dấu 11 tuần liên tiếp thị trường tăng điểm mạnh. Mặc dù sau khi chạm đỉnh thị trường đã có những phiên điều chỉnh nhưng không thể phủ nhận cơ hội tăng trưởng đối với thị trường chứng khoán trong nước thời gian tới là rất lớn.

Không nên dùng đòn bẩy quá nhiều ở giai đoạn hiện tại

Chia sẻ tại buổi hội thảo, TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận 2020 là năm đầy thú vị của thị trường chứng khoán, khi thị trường phát triển tương đối nhanh nhưng đầy gập ghềnh, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam thay đổi lớn.

Nhìn lại kinh tế thế giới năm 2020 và hướng về tầm nhìn năm 2021, TS. Cấn Văn Lực cho cho biết dịch Covid-19 đã tác động lớn cả về phía tổng cung và tổng cầu.

Về tổng cung, các nước áp dụng biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn, chuỗi cung ứng và chuỗi tiêu dùng toàn cầu bị ngưng trệ.

Các trung tâm lớn nhất bị ảnh hưởng gồm Mỹ, Trung Quốc, Đức có tác động mạnh tới chuỗi giá trị toàn cầu. Các nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu chịu tác động nhiều (Campuchia, Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Ý, Đức..).

Về tổng cầu, tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm mạnh. Nhu cầu nhập khẩu, đầu tư và tiêu dùng nội địa giảm; nhu cầu du lịch, đi lại giảm; tăng trưởng kinh tế của các nước dựa nhiều vào xuất khẩu và du lịch chịu tác động mạnh (Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam..).

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2020, kinh tế toàn cầu suy giảm 4, 5%, trước khi phục hồi năm 2021.

TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh đến 8 điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 dưới sự tác động của đại dịch Covid-19.

Thứ nhất, Việt Nam đã đạt mục tiêu kép: phòng chống dịch hiệu quả và kinh tế phục hồi hình chữ V (hoặc logo Nike) với mức tăng trưởng 2,91%; với động lực tăng trưởng từ nông nghiệp, công nghiệp chế biến – chế tạo, xây dựng, bán buôn - bán lẻ, công nghệ thông tin (ICT) và tài chính ngân hàng.

Thứ hai, chất lượng tăng trưởng tiếp tục cải thiện. Theo đó, năng suất lao động tăng 5,8% giai đoạn 2016-2020 (so với mức 4,3% giai đoạn 2011-2015), đóng góp TFP là 46,1% (giai đoạn 2016-2020 là 44,7%, 33,6% ở giai đoạn trước)…; hiệu quả đầu tư (ICOR) tăng nhẹ (6,1 lần so với 6,25 lần giai đoạn trước).

Thứ ba, lạm phát được kiểm soát: CPI bình quân tăng 3,23%; lạm phát cơ bản tăng 2,31%.

Thứ tư, tỷ giá duy trì ổn định; mặt bằng lãi suất giảm, thanh khoản dồi dào.

Thứ năm, thị trường chứng khoán phục hồi nhanh.

Thứ năm, đối ngoại và hội nhập quốc tế được tăng cường với nhiều thành công trong các vai trò quốc tế; hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020; ký kết RCEP….

Thứ sáu, cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư dịch chuyển khả quan.

Thứ bảy, kinh tế số phát triển mạnh.

Thứ tám, năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư – kinh doanh được cải thiện.

Toàn cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Nam).

Toàn cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Nam).

Liên quan đến thị trường chứng khoán, TS. Cấn Văn Lực cho biết các chỉ số chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh, đặc biệt là chỉ số HNX-Index tăng cao nhất thế giới trong một năm qua.

Chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán đang phản ánh khá rõ nét diễn biến của nền kinh tế khi các cổ phiếu ngành thép tăng gần gấp đôi, cổ phiếu chứng khoán cũng tăng mạnh; trái lại, cổ phiếu vận tải, du lịch, giải trí nhìn chung giảm mạnh.

Thanh khoản trên thị trường tăng mạnh, đồng pha với sự đi lên của thị trường chứng khoán. Điều này thậm chí đã khiến sàn HoSE "tắc nghẽn".

Ông Lực nhấn mạnh cơ quan quản lý cần nhanh chóng nâng cấp công nghệ từ "đường tỉnh lộ lên thành đường cao tốc", để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Chia sẻ quan điểm đầu tư, TS. Cấn Văn Lực cho hay các nhà đầu tư Việt Nam cần lưu ý rằng lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro, vì vậy nhà đầu tư nên đầu tư theo "khẩu vị rủi ro" của mình. Đặc biệt, nhà đầu tư cần xác định rõ mục đích đầu tư, đồng thời đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Ông Lực cũng cho rằng nhà đầu tư không nên dùng đòn bẩy quá nhiều ở giai đoạn hiện tại, tránh đầu tư theo tâm lý bầy đàn, theo phong trào và "hãy là nhà đầu tư thông thái".